Theo tạp chí Tri Thức, chiều 3/4, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết năm nay, quy chế tuyển sinh đại học có hai điểm mới nổi bật là bỏ xét tuyển sớm và quy đổi tương đương điểm trúng tuyển.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ, đối với những ngành/chương trình đào tạo chỉ sử dụng một phương thức, các trường không cần thực hiện quy đổi. Ngược lại, nếu một ngành có từ 2 phương thức xét tuyển trở lên, các trường cần đặt ra câu hỏi "Vì sao điểm thi tốt nghiệp THPT lấy điểm chuẩn là 25/30 điểm nhưng kỳ thi đánh giá năng lực lại lấy 120/150 điểm, trong khi học bạ là 24-26/30 điểm?”.
Ông khẳng định, khi một ngành có nhiều phương thức xét tuyển, việc quy đổi điểm trúng tuyển phải thể hiện được sự tương đương về năng lực của thí sinh. Đây là lý do Bộ GD&ĐT đưa ra yêu cầu về quy đổi điểm trúng tuyển giữa các phương thức xét tuyển.
Yêu cầu nói trên xuất phát từ những bất cập lớn của các năm trước, khi các trường xét điểm chuẩn theo chỉ tiêu, nhưng việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức không có căn cứ khoa học rõ ràng.
"Rõ ràng, việc đưa ra điểm chuẩn dựa trên phân tích và quy đổi tương đương sẽ khoa học và công bằng hơn nhiều so với việc quyết định điểm chuẩn dựa trên phân bổ chỉ tiêu”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn lưu ý, quy chế tuyển sinh mới không bắt buộc các trường phải quy đổi tương đương cho tất cả phương thức xét tuyển, mà chỉ áp dụng trong phạm vi cùng một ngành hoặc chương trình đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn. Ảnh: Tri Thức
Có ý kiến cho rằng không thể quy đổi giữa các kỳ thi có bản chất đánh giá khác nhau. Chẳng hạn như, kỳ thi ACT, SAT, TSA, HSA khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT, vậy làm sao quy đổi chính xác? Bộ GD&ĐT đồng ý với quan điểm này.
Nếu các kỳ thi đánh giá các năng lực hoàn toàn khác nhau, rõ ràng không thể dùng các phương thức khác nhau đó để đánh giá năng lực của thí sinh vào cùng một ngành; chỉ có thể dùng cho nhiều ngành khác nhau với yêu cầu khác nhau.
Trong trường hợp các phương thức sử dụng để xét thí sinh vào một ngành, phải đặt ra yêu cầu giống nhau (hoặc chỉ khác nhau một phần nhỏ). Các phương thức có thể khác nhau về cách đánh giá nhưng phải đánh giá được cùng một năng lực cốt lõi của thí sinh.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: "Đây là nguyên tắc để đảm bảo công bằng trong xét tuyển. Vì vậy, điểm chuẩn trúng tuyển phải quy đổi được”.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, có nhiều phương pháp quy đổi điểm, Bộ hướng dẫn các trường theo các cách chung nhất. "Về mặt khoa học hay tính toán, việc quy đổi điểm khá đơn giản, các trường đều có thể làm được", ông nói.
Cách phổ biến nhất là sử dụng dữ liệu hàng trăm nghìn thí sinh có tham gia đồng thời nhiều kỳ thi, theo thông tin trên báo Giáo Dục và Thời Đại.
- Phương pháp phân vị (percentile): Lấy top 1%, 5%, 10% thí sinh trong kỳ thi A và kỳ thi B; từ đó xác định mức điểm tương đương. Nếu top 10% ở thi THPT là 27 điểm và top 10% ở kỳ thi đánh giá năng lực là 110 điểm, thì 27 ≈ 110.
- Phương pháp hồi quy tuyến tính: Phân tích mối quan hệ tuyến tính giữa điểm các phương thức, thiết lập công thức quy đổi dạng y = ax + b. Càng chia nhỏ khoảng dữ liệu, kết quả càng chính xác.
- Phương pháp Z-score (chuẩn hóa): Dùng điểm lệch chuẩn để đưa các điểm về cùng một thang đo, cho phép so sánh khách quan giữa các phương thức khác nhau.
"Thực ra, hỏi ChatGPT cũng ra các công thức này hết", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ và thấy rằng, đây là việc không quá phức tạp về mặt kỹ thuật.
Chỉ ra “điểm nghẽn” trong tuyển sinh các năm qua, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu thực trạng, việc phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức không có căn cứ khoa học, dễ dẫn đến tiêu cực.
Ví dụ, ngành A có 200 chỉ tiêu, trường chia 100 chỉ tiêu cho học bạ, 100 cho thi THPT. Tuy nhiên, trong thực tế, vì có thí sinh ảo và vì tính toán lượng thí sinh nhập học nên các trường có thể tự ý gọi 120 ở phương thức A và chỉ 90 ở phương thức B.
"Ai giám sát được điều đó minh bạch? Đây là kẽ hở nếu không siết chặt quy định", Thứ trưởng nêu vấn đề và nhấn mạnh, việc Bộ GD&ĐT bỏ xét tuyển sớm và yêu cầu quy đổi điểm chính là để chấm dứt tình trạng này.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng nhắc lại, Bộ GD&ĐT không áp đặt công thức chung nhưng yêu cầu các trường nếu sử dụng nhiều phương thức thì điểm chuẩn phải thể hiện được sự tương đương.
"Tự chủ không thể tách rời trách nhiệm. Các trường phải chứng minh được căn cứ khoa học và minh bạch", ông nhấn mạnh.
Bộ GD&ĐT sẽ ban hành khung quy đổi chung, không phân biệt theo ngành mà dựa trên dữ liệu rộng của tất cả thí sinh, có thể theo từng khối xét tuyển. Ảnh minh họa: Giáo Dục và Thời Đại
Về vấn đề nếu mỗi trường quy đổi một cách thì liệu có gây ra sự thiếu công bằng mới hay không, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định, việc các trường quy đổi khác nhau là có thể xảy ra, vì mỗi trường, mỗi ngành có đặc thù riêng.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành khung quy đổi chung, không phân biệt theo ngành mà dựa trên dữ liệu rộng của tất cả thí sinh, có thể theo từng khối xét tuyển. Từ đó, các trường có thể điều chỉnh phù hợp với điều kiện riêng nhưng vẫn đảm bảo nằm trong giới hạn hợp lý.
"Khi có khung quy đổi chung, các trường sẽ không điều chỉnh quá lớn nếu không có căn cứ rõ ràng", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói. Điều này vừa giữ được quyền tự chủ, vừa tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu quy đổi gây hỗn loạn trong hệ thống.
Đồng thời, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ: "Chúng ta không thể chọn đứng yên khi thấy kẽ hở có thể dẫn đến tiêu cực. Việc quy đổi điểm là giải pháp bắt buộc để bịt lỗ hổng và hướng đến một kỳ tuyển sinh công bằng, đáng tin cậy".