Thông tin trên báo VnExpress, tính đến đầu tháng 4/2025, hơn 150 trường ĐH đã thông báo phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025, trong đó nhiều trường công bố học phí tăng so với năm ngoái.
Như tại ĐH Kinh tế Quốc dân, học phí với sinh viên nhập học năm 2025-2026 dự kiến là 18-25 triệu đồng (chương trình chuẩn), tăng 2-3 triệu đồng so với năm ngoái. ĐH Mở Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam có mức tăng tương tự.
Thí sinh vào ngành Răng Hàm Mặt của ĐH Phenika chịu mức tăng cao nhất, từ 96 triệu vào năm ngoái thành 128 triệu đồng trong năm nay. Thực tế, học phí ngành này vẫn là 160 triệu đồng một năm. Tuy nhiên năm ngoái, trường ưu đãi 40% cho sinh viên mới nhập học, còn năm nay chỉ ưu đãi 20% nên số tiền thực nộp cao hơn.
Một số ngành giữ nguyên học phí như ngành Kỹ thuật Hàng không của ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (100 và 125 triệu đồng, tùy chương trình) hay chương trình dạy bằng tiếng Anh của Học viện Phụ nữ Việt Nam (khoảng 26,8 triệu đồng nếu tính 30 tín chỉ một năm).
Mức học phí dự kiến áp dụng với sinh viên nhập học năm 2025 tại các trường đại học ở Hà Nội. Ảnh: VietNamnet
Lộ trình tăng học phí thường được các trường đưa ra trong đề án tuyển sinh hàng năm. Năm ngoái, nhiều trường cũng lưu ý thí sinh sẽ điều chỉnh học phí theo hướng tăng 8-15% học phí mỗi năm.
Với các chương trình liên kết quốc tế, học phí thường được tính theo khóa, đóng thấp vào năm đầu nhưng cao ở các năm sau. Như tại Học viện Ngân hàng, năm đầu nhập học, sinh viên theo các chương trình này nộp mức 50 triệu đồng nhưng năm học cuối có thể lên 130-230 triệu đồng, thậm chí cao hơn nếu sinh viên chọn học tập ở nước ngoài.
Theo Sức khỏe & Đời sống, tình trạng tăng học phí không chỉ diễn ra tại các trường ĐH ở Hà Nội. Một số trường ĐH khu vực phía Nam cũng đã thông báo về việc điều chỉnh học phí cho năm học 2025-2026. Đáng chú ý, một số chương trình đào tạo quốc tế tại các trường phía Nam có mức học phí rất cao, thậm chí lên tới 900 triệu đồng/năm học.
Ảnh minh họa
Trường ĐH Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) áp dụng mức học phí thấp nhất 30 triệu đồng/năm, cho các chương trình đào tạo hệ tiêu chuẩn, hệ tài năng và kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp. Với chương trình chuyển tiếp quốc tế (Australia, Mỹ, New Zealand), đào tạo 15 ngành, chuyên ngành, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, học phí 2 - 2,5 năm đầu khoảng 80 triệu đồng/năm; 2-2,5 năm cuối chuyển tiếp sang ĐH đối tác, học phí khoảng 560-900 triệu đồng/năm. So với năm 2024, mức học phí của chương trình chuyển tiếp quốc tế tăng từ 28-101 triệu đồng/năm (năm 2024 là 532-799 triệu đồng/năm).
Trường ĐH Công Thương TP.HCM, học phí năm nay sẽ được điều chỉnh tối đa 10% so với mức học phí của khóa 2024-2028. Cụ thể, mức học phí tối đa cho khóa 2025-2029 dự kiến tối đa khoảng 132 triệu đồng cho toàn khóa (các khoa có thể ít hơn, do số tín chỉ thực hành ít) tăng khoảng 12 triệu đồng so với khóa trước.
Trường ĐH Sài Gòn dự kiến điều chỉnh học phí có ngành tăng 1,5 lần so với các khóa trước đó. Đa số các ngành năm trước có học phí 65,8-70,1 triệu đồng/khóa, chất lượng cao từ 109-114 triệu đồng/khóa 4 năm. Năm nay, học phí các ngành này từ 92-129 triệu đồng/khóa.
Lý giải cho việc tăng học phí, nhiều trường ĐH cho biết đây là một phần trong lộ trình thực hiện tự chủ tài chính, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi và mở rộng các hoạt động nghiên cứu khoa học.