Để trở thành thái giám (hoạn quan) phụ vụ trong cung đình, nam giới thời phong kiến ở Trung Quốc phải trải qua một quá trình vô cùng đau đớn.
Thái giám đóng vai trò quan trọng trong cung đình xưa. Ảnh minh hoạ: SCMP |
Sự hiện diện của thái giám trong triều đình Trung Quốc là một truyền thống lâu đời. Những người đàn ông “vô cảm” này phục vụ những công việc thường ngày trong cung điện, canh gác hậu cung và thậm chí là những “gián điệp” nội bộ. Thực chất, thái giám là những người gắn bó với Tử Cấm Thành, phải tịnh thân để đảm bảo sự trong trắng cho những hoàng thân, quốc thích là phụ nữ.
Các giá trị Nho giáo được coi là chuẩn mực quan trọng đối với hoàng đế Trung Quốc cổ đại. Một trong những yêu cầu cấp thiết với bất kỳ triều đại nào là cần sinh hoàng tử nối dõi để duy trì sự hài hòa giữa trời và đất. Không muốn có sai sót xảy ra nên triều đình quy định những người phục vụ thân cận là nam trong cung cấm cần phải trải qua quá trình tịnh thân.
Hệ thống 2.000 năm
Biên niên sử ghi lại rằng các vị vua Trung Quốc bắt đầu sử dụng những người hầu từ thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên (TCN), nhưng các nhà sử học cho rằng thái giám chỉ thực sự xuất hiện vào triều đại Hán Hoàn Đế (146-167 sau Công nguyên - SCN).
Trên thực tế, đội ngũ thái giám có vai trò vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của nhiều vị vua, thậm chí còn là nguyên nhân gây ra sự sụp đổ cho một số triều đại. Hệ thống hoạn quan chính thức bị bãi bỏ vào ngày 5/11/1924 khi vị hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc Phổ Nghi bị trục xuất ra khỏi Tử Cấm Thành.
Nguyên nhân khiến đàn ông, con trai Trung Quốc cổ đại trở thành thái giám
Bị ép buộc: Khoảng một phần tám trong số những người trở thành thái giám là những đứa trẻ bị cha mẹ ép buộc. Các gia đình sẽ nhận được phần thưởng bằng tiền mặt khi quyên tặng con trai, nhưng họ cũng hy vọng con cái họ sẽ có một cuộc sống thoải mái và thịnh vượng hơn trong cung điện.
Nghèo đói: Một số người trưởng thành, không có ruộng đất, phương tiện kinh tế để sống bình thường, cũng không muốn ăn xin hoặc đi ăn cắp “đành” phải chấp nhận vào cung.
Lựa chọn tự do: Một số người đàn ông, những người hình dung một cuộc sống xa hoa trong cung điện đã tự nguyện nhập cung.
Bị trừng phạt: Hán Quang Vũ Đế (người trị vì từ năm 25 – 57 TCN) đã bắt đầu sử dụng hình phạt cho tội nhân. Các hoàng đế kế tiếp cũng thường duy trì theo sắc lệnh này.
Phương pháp tịnh thân đau đớn
Trong một căn lều ở góc Tử Cấm Thành, Bắc Kinh xưa, “ca phẫu thuật” biến một nam giới thành thái giám được tiến hành bởi các đao tử tượng, với trợ giúp của vài phụ tá.
Trước hết, bụng và đùi của người tịnh thân được buộc chặt bằng băng để ngăn ngừa xuất huyết. Người đó nằm trên ván. Một phụ tá của đao tử tượng tách và giữ chặt hai chân người này nhằm ngăn những cử động đột ngột. Hai phụ tá khác ghìm chặt bụng và hai tay anh ta. Thuốc gây tê tại chỗ là tương ớt vô cùng cay. Hoàn tất khâu chuẩn bị, đao tử tượng tiến đến, tay cầm con dao nhỏ, cong, dài khoảng 15 cm và hỏi kẻ đang nằm: "Ngươi có hối hận hay không?".
Nếu câu trả lời "có", ca phẫu thuật sẽ dừng ngay tức khắc. Nếu người trên ván nói "không hối hận", quá trình sẽ được tiến hành. Thông thường, cả tinh hoàn lẫn dương vật đều bị cắt bỏ chỉ bằng một nhát dao.
Cắt bỏ xong, bộ phận cơ thể của người đàn ông sẽ được rửa 3 lần trong nước hạt tiêu và đem cất trong lọ. Đao tử tượng cùng phụ tá băng vết thương bằng giấy ngâm nước lạnh đồng thời đút một nút kim loại vào lỗ tiểu. Người vừa trở thành hoạn quan được dìu đi quanh phòng trong hai, ba giờ rồi mới nằm xuống. Dù đau đớn và khát nước, người tịnh thân cũng không được ăn uống và tiểu tiện suốt 3 ngày.
Sau đó, lớp băng và nút kim loại được tháo ra. Nếu người đó có thể đi tiểu, ca phẫu thuật xem như thành công. Ngược lại, ca phẫu thuật hỏng và người đó sẽ tử vong. Trường hợp này chiếm khoảng 2% tổng số. Thông thường, những hoạn quan sống sót sẽ hoàn toàn bình phục sau 100 ngày và họ sẽ vào cung nhận nhiệm vụ, phục dịch suốt phần đời còn lại.
Tinh hoàn và dương vật bị cắt trở thành kho báu
Sau khi tịnh thân, 2 tinh hoàn và dương vật của thái giám (còn được gọi là bảo cụ) trở thành “của quý”, được cất giữ cẩn thận vì 2 lý do: mỗi lần được thưởng, các thái giám phục vụ trong cung đều phải trình cho thượng quan xem bảo cụ nhằm chứng minh mình thực sự đã không còn là đàn ông. Bên cạnh đó, khi họ qua đời, trước khi chôn cất, thái giám sẽ được gắn lại bảo cụ vào vị trí cũ để ra đi nguyên vẹn.
Quan niệm của người Trung Quốc cấm kỵ việc đi sang thế giới bên kia mà không được toàn thây nên những thái giám này tin rằng họ có thể được “phục hồi” hoàn toàn ở thế giới bên kia.
Thay đổi thể chất và ngoại hình
Ca phẫu thuật làm thay đổi nội tiết tố nam trong cơ thể, khiến các hoạn quan có giọng nói cao vút. Nó cũng ảnh hưởng đến việc kiểm soát bàng quang của họ, vì vậy họ thường làm ướt giường và quần áo. Họ cũng trở nên quá yếu ớt để thực hiện các hoạt động thể chất vất vả.
Theo cuốn sách "Thái giám Trung Quốc" xuất bản năm 1977 của G. Carter Stent, các hoạn quan hoàn toàn không mọc râu, thể lực yếu, dễ bị tổn thương và xuất hiện cảm xúc cực đoan. Họ già đi nhiều so với tuổi thật, tăng cân, cơ bắp nhão và nhợt nhạt. Hoạn quan cũng bước những bước đi ngắn và hơi nghiêng về phía trước, với những ngón chân hướng ra ngoài. Dáng đi kỳ dị của họ khiến họ dễ dàng được nhận ra từ phía xa.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo SCMP)