Một người đàn ông đã chọn cách giả chết để về nhà giữa lúc nhà nước áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc.
Ông Hakim Din (70 tuổi) đang chữa trị vết thương ở đầu tại một bệnh viện ở thành phố Jammu thì chính phủ nước này ra lệnh đóng cửa đất nước.
Tại đây, ông có dịp trò chuyện cùng một tài xế xe cứu thương và đề cập đến nguyện vọng về quê.
Người tài xế sau đó đề nghị ông giả chết, rồi sẽ dùng xe cứu thương để chở về quê. Ông Din đồng ý và kiếm thêm được 3 người khác có ý muốn về cùng mình. Chuyến xe đã dùng giấy tờ giả qua mặt các chốt kiểm soát, đi hơn 160 km và về được tới Poonch (thuộc vùng Kashmir gần biên giới với Pakistan).
Tuy nhiên, kế hoạch của những người này đã bị phát hiện. Xe cứu thương dừng ở trạm kiểm soát cuối. Một cảnh sát ở đó ngay lập tức đã phát hiện ra những người trong xe chưa hề qua đời.
Người đàn ông giả chết để được đưa về nhà khi thành phố phong tỏa. Ảnh: AFP |
Cảnh sát trưởng ở Poonch, Ramesh Angral xác nhận: "Chúng tôi cảm thấy nghi ngờ nên tiến hành kiểm tra và phát hiện người đàn ông có tên trong giấy chứng tử chưa chết. Họ đã bị chặn ở chốt cuối cùng trước khi tới nơi muốn đến”.
Những người đàn ông sau này đó đã bị đem đi cách ly riêng và có thể đối mặt với tội danh “lừa đảo và vi phạm lệnh cấm của chính phủ”.
Được biết, người đàn ông nói trên chỉ là một trong số hàng nghìn người tại Ấn Độ rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan khi lệnh phong tỏa toàn quốc bất ngờ được đưa ra. Hàng chục triệu lao động di cư bị kẹt lại các thành phố, nhiều người phải đi bộ hàng trăm km để về quê.
Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi ban lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày, từ hôm 24/3, nhằm ngăn dịch Covid-19 bùng phát. Điều này khiến cho hàng trăm ngàn lao động nhập cư tại các thành phố lớn không thể tìm thấy phương tiện để về quê, nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi bộ.
Ấn Độ hiện đang ghi nhận hơn 1.600 trường hợp nhiễm bệnh, 45 người chết và 150 ca hồi phục.
Vũ Đậu (T/h)