Người lao động trong các khu ổ chuột tại Ấn Độ đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: đi làm và bị nhiễm bệnh, hoặc ở nhà và chết đói.
Tại các khu ổ chuột Ấn Độ, nhiều người phải dùng chung một toilet, làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo virus Covid-19. Ảnh: CNN. |
Suốt hai ngày, anh Jeetender Mahender (36 tuổi) không ra khỏi chiếc lán của gia đình trong khu ổ chuột Valmiki ở phía Bắc Mumbai, Ấn Độ, trừ lúc đi vệ sinh.
Tình cảnh của anh hết sức tuyệt vọng. Căn lán không có nước sinh hoạt, không có nhà vệ sinh. Anh Mahender không thể đi làm nên không có tiền, gia đình anh đang thiếu cả thức ăn hàng ngày.
Mahender đang cố gắng tuân thủ lệnh phong tỏa toàn quốc trong 21 ngày của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhằm giúp ngăn chặn Covid-19 lan rộng tại quốc gia hơn 1,3 tỷ dân này.
Hiện Ấn Độ đã ghi nhận 1.024 trường hợp mắc Covid-19 , trong đó 29 người đã tử vong.
"Giữ khoảnh cách xã hội không chỉ dành riêng cho người nhiễm bệnh mà với tất cả mọi người, kể cả bạn và gia đình của bạn", ông Modi nói trong một địa chỉ toàn quốc tuần trước.
Điều đó có thể phù hợp với tầng lớp trung lưu và thượng lưu của Ấn Độ, những người có thể trú ẩn trong các căn hộ, trang trí khu vườn trên sân thượng, thưởng thức các món ăn với những chiếc tủ đựng đầy thực phẩm, thậm chí là vẫn có thể làm việc tại nhà bằng cách sử dụng công nghệ hiện đại.
Nhưng sự hỗn loạn đã diễn ra trên khắp Ấn Độ trong những ngày gần đây đối với 74 triệu người đang phải sống trong các khu ổ chuột. Việc phong tỏa và giãn cách xã hội sẽ trở nên bất khả thi cả về kinh tế lẫn sức khỏe.
"Các con đường hẹp đến mức khi chúng tôi đi ngược chiều, chúng tôi buộc phải chạm vai vào nhau", anh Mahender nói. "Tất cả phải sử dụng nhà vệ sinh chung và có 20 gia đình sống ngay cạnh ngôi nhà nhỏ của tôi”.
"Chúng tôi gần như đang sống cùng nhau. Nếu một trong số chúng tôi bị bệnh, tất cả chúng tôi đều sẽ mắc bệnh".
Người lao động đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: đi làm và bị nhiễm bệnh, hoặc ở nhà và chết đói.
"Từ khi mất việc, tôi đã không có thu nhập 20 ngày rồi. Tôi được trả 5 USD/ngày, chút tiền đủ để tôi nuôi sống gia đình", Sia nói. "Khi mọi thứ đóng cửa, tôi tin chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài sống trong nghèo đói và sự bẩn thỉu ở thành phố này".
Ít nhất một người trong khu ổ chuột ở Mumbai đã xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Hàng ngàn lao động nhập cư đã cố gắng chạy trốn khỏi khu ổ chuột để về nhà của họ ở nông thôn, bằng xe buýt và thậm chí là đi bộ. Điều này đã làm dấy lên nỗi sợ hãi rằng Covid-19 sẽ bị lây lan tới cả những vùng nông thôn.
Nhận thức được tình cảnh hỗn loạn do lệnh phong toả gây ra với người nghèo, ông Modi đã cầu xin tha thứ. Tuy nhiên, ông cũng mong mọi người hãy thông cảm bởi không còn lựa chọn nào khác.
Đám đông công nhân Ấn Độ chờ lên xe buýt để trở về. Ảnh: AP |
Một nhà vệ sinh cho 1.440 người
Nước là một trong những lý do lớn nhất khiến người nghèo Ấn Độ cần phải rời khỏi nhà mỗi ngày.
Sia, một người sống ở khu ổ chuột và là lao động di cư ở Gurugram, gần New Delhi, thức dậy lúc 5h sáng, bất chấp lời kêu gọi của ông Modi, cô vẫn đi bộ đến một bể nước phục vụ cho khu ổ chuột gồm 70 thợ xây nhập cư.
Cô ấy không phải là người duy nhất. Hầu hết phụ nữ tại đây đều tắm rửa mỗi sáng và lấy nước trong ngày. Không có vòi hoa sen hoặc phòng tắm trong nhà, vòi chung này là nguồn nước duy nhất của họ.
Khảo sát mới đây của CFS cho thấy tại khu ổ chuột Dharavi ở Mumbai, trung bình 1.440 cư dân sử dụng chung một nhà vệ sinh. Có tới 78% nhà vệ sinh công cộng tại các khu ổ chuột Mumbai thiếu nước sạch.
Sania Ashraf, một nhà dịch tễ học, cho rằng trong bối cảnh đại dịch, việc dùng chung toilet có thể gây nguy cơ nhiễm bệnh nếu không vệ sinh sạch sẽ. Bên cạnh đó, hệ thống thông gió kém cũng góp phần làm lây lan virus.
Điều này đặc biệt gây lo ngại khi có bằng chứng cho thấy bệnh nhân phát tán virus thông qua chất thải, dẫn tới nguy cơ lây nhiễm trong các toilet chung và những nơi vẫn dùng nhà tiêu ngoài trời.
Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Bền vững tuần trước cảnh báo tỷ lệ mắc Covid-19 trên toàn cầu là 2-3%, nhưng tại các khu ổ chuột Ấn Độ, tỷ lệ có thể cao hơn 20% do điều kiện sinh sống đông đúc.
Tuy nhiên, ngày 30/3, Thủ tướng Modi đã yêu cầu tất cả các bang phong toả biên giới để ngăn chặn lây lan virus về vùng nông thôn. Giới chức đang nỗ lực truy tìm hàng triệu lao động nhập cư đã quay về những ngôi làng nhỏ khắp cả nước để yêu cầu họ cách ly trong 14 ngày.
Mộc Miên (Theo kitv.com)