Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP.HCM : Hàng trăm giáo viên chưa được nhận lương

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Mặc dù đã trúng tuyển viên chức và đi dạy 15 tháng nhưng 117 giáo viên tại quận 1, TP.HCM vẫn chưa được nhận lương.

(ĐSPL) - Mặc dù đã trúng tuyển viên chức và đi dạy 15 tháng nhưng 117 giáo viên tại quận 1, TP.HCM vẫn chưa được nhận lương. Họ phải liên hệ với nhà trường để được ứng lương trang trải cuộc sống.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, gia đình họ mà còn liên quan đến công tác chuyên môn. Dù vậy, phía lãnh đạo thông tin chưa có chuyển biến về việc này và vẫn phải chờ bộ Giáo dục & Đào tạo xem xét. Thực chất việc này như thế nào? vì vướng quy định của cấp trên?

Giáo viên đợi dài...

Chia sẻ với PV báo ĐS&PL, cô giáo Nguyễn Thị H.G., giáo viên một trường tiểu học quận 1 phản ánh: “Việc không được nhận lương ảnh hưởng lớn đến cuộc sống cũng như tâm lý của giáo viên. Đi làm, giáo viên chỉ mong cuối tháng nhận lương để trang trải cuộc sống, nhưng chờ đợi mỏi cổ vẫn chưa thấy gì. Tôi và nhiều đồng nghiệp phải ứng 80% lương được khoảng 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng, tùy từng giáo viên để lo cho cuộc sống”.

“Điều mà chúng tôi muốn nói là việc thi tuyển và trúng tuyển tổ chức từ tháng 8/2015. Tính đến thời điểm này đã 15 tháng, nhưng vẫn chưa có quyết định bổ nhiệm viên chức, chưa có quyết định xếp lương... Những đồng nghiệp có gia đình hỗ trợ thì không nói, họ không cần ứng lương làm gì, còn những cô giáo trẻ, sinh viên sư phạm mới ra trường trúng tuyển, đi làm không được gia đình giúp đỡ kinh phí sinh hoạt thì rất mệt mỏi. Chúng tôi vẫn mong ngóng từng ngày chế độ lương thưởng được quyết định sớm. Lúc đầu, chúng tôi cứ nghĩ chỉ mình trường tôi như thế, không ngờ hỏi ra mới biết, tất cả giáo viên mới trúng tuyển ở các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại quận 1 đều như thế cả”, cô G. nói.

Một số trường tạo điều kiện cho giáo viên nhận lương.

Còn cô giáo Nguyễn Thị P., trường mầm non Tân Định, phường Tân Định, quận 1 bày tỏ: “Ngoài chuyện ứng tiền lương hằng tháng, chúng tôi phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tốt, để được hưởng thêm tiền thi đua, tiền thưởng phụ cấp từ các nguồn thu bán trú của trường. Sau những tháng tập sự xong, theo quy định, giáo viên trúng tuyển sẽ có lương, nhưng chờ mãi tới hết 12 tháng và cuối cùng giờ đã 15 tháng vẫn chưa có. Đưa vấn đề này hỏi lãnh đạo nhà trường, chúng tôi được giải thích là do vướng mắc một số văn bản đổi mới nên chưa xếp lương được. Thực sự, những giáo viên mới trúng tuyển rất muốn làm việc tốt nhất để thể hiện năng lực của mình, đồng thời họ cũng cần có chế độ kịp thời phục vụ công tác dạy học”.

Bà Trần Thị Trang, Hiệu trưởng trường mầm non Tân Định khẳng định, việc giáo viên mới trúng tuyển chưa có lương tại trường bà là có thật. Cụ thể, năm ngoái có 3 giáo viên mới trúng tuyển và được phân về trường công tác. Tuy nhiên, cũng vì vướng mắc từ phòng Giáo dục & Đào tạo quận 1 nên những giáo viên này chưa có quyết định xếp lương. Tuy nhiên, trường vẫn linh động giải quyết cho những giáo viên này ứng lương tháng để có chi phí trang trải cuộc sống, phần nữa là để họ yên tâm công tác. Ngoài tiền ứng, các giáo viên cũng được hưởng trợ cấp khác từ trường như tiền thi đua, phụ cấp và các khoản khác như những giáo viên khác.

Một giáo viên bậc THCS quận 1 tâm tư: “Thực ra, nếu so với quy định pháp luật, giáo viên sau khi trúng tuyển và đã qua kỳ tập sự sẽ được hưởng lương. Nhưng, quy định tại quận 1 từ năm ngoái đến nay có sự thay đổi. Trường chúng tôi cũng nằm trong sự chỉ đạo của lãnh đạo quận 1, phải chờ đợi như những trường khác, nhưng tôi thấy các giáo viên vẫn chủ động liên hệ với nhà trường xin ứng lương và nhà trường cũng tạo điều kiện hết sức. Một số đồng nghiệp của tôi vẫn thắc mắc về chuyện này, họ hỏi lãnh đạo trường rồi lãnh đạo phòng Giáo dục quận thì đều nhận được những câu trả lời phải chờ quy định của Bộ, không biết sẽ chờ đến bao giờ”.

Lấn cấn văn bản từ Bộ

Giải thích với PV, ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng trường THCS Đức Trí, quận 1 cho biết thêm: “Đúng là có chuyện một số giáo viên trúng tuyển năm ngoái đến nay tại quận 1 chưa có quyết định xếp lương, cũng như quyết định bổ nhiệm viên chức. Điều này, theo tôi được biết là do lấn cấn một số văn bản từ bộ Giáo dục & Đào tạo liên quan chuyện bằng cấp của giáo viên”.

“Cụ thể, trường tôi năm ngoái có 2 giáo viên trúng tuyển, năm nay có thêm 4 giáo viên. Nhưng, họ chưa có quyết định về lương. Tuy nhiên, lãnh đạo nhà trường vẫn chủ động tạo điều kiện cho giáo viên ứng lương. Nhà trường vẫn quan tâm cuộc sống của giáo viên. Tại trường chúng tôi, chỉ một vài người ứng lương, còn lại những giáo viên mới trúng tuyển khác, bảo họ ứng nhưng họ bảo không cần ứng, mà chờ quyết định lương và nhận luôn một lần. Trong số những giáo viên mới về công tác, mới đây, có một người vì chuyện buồn gia đình phải về quê gấp, nhà trường cũng hỗ trợ kinh phí để giáo viên này về quê thực hiện nghĩa vụ với gia đình. Nói việc đi dạy không có lương theo tôi là chưa chính xác, vì theo tôi biết, lãnh đạo các trường vẫn chủ động để giáo viên ứng lương”, ông Hưng nói.

Bà Lê Thị Bình, Trưởng phòng GD&ĐT quận 1 khẳng định: “Đúng là có chuyện 117 giáo viên tại quận 1 trúng tuyển từ tháng 8/2015 đến nay vẫn chưa có quyết định xếp lương. Nhưng thực tế, các trường vẫn cho giáo viên ứng lương. Điều này quận 1 thực hiện theo văn bản chỉ đạo từ bộ GD&ĐT. Cụ thể, những Thông tư liên tịch của bộ GD&ĐT, bộ Nội vụ quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và THCS được ban hành từ tháng 9/2015”. Cũng theo bà Bình, theo quy định mới, giáo viên sẽ có 4 mức phân hạng chức danh nghề nghiệp. Cụ thể, bậc THCS có 3 hạng, mỗi hạng đều ứng với yêu cầu và mức lương khác nhau. Để được xếp mức lương hạng 2, hạng 3, giáo viên phải đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp, về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học... Ngoài ra, giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng giáo viên hạng 2, hạng 3, hoặc được công nhận là giáo viên dạy giỏi hoặc chiến sỹ thi đua.

Từ đó, nếu chiếu theo quy định này, những giáo viên mới trúng tuyển chỉ được bổ nhiệm chức danh thấp nhất. Cụ thể là giáo viên bậc trung học cơ sở sẽ chỉ được bổ nhiệm hạng 3, giáo viên bậc mầm non và tiểu học chỉ được bổ nhiệm hạng 4, tương đương với bậc lương của hệ trung cấp sư phạm là 1.86.

Trong khi đó, những người trúng tuyển đợt này có người có cả bằng thạc sĩ. Nếu chiếu theo đó, thì giáo viên rất thiệt thòi. Trong một diễn biến khác, UBND quận 1 cũng vừa gửi văn bản tới các trường mầm non, tiểu học và THCS tại quận 1 thực hiện việc chi trả lương cho giáo viên trúng truyển đợt tháng 8/2015 theo hệ số lương bậc 1 của bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp Nhà nước theo Nghị định 204 của Chính phủ ban hành năm 2004. Theo đó, bậc lương trình độ đại học có hệ số lương 2.34, cao đẳng 2.1 và trung học là 1.86. Quận 1 cũng đề nghị các trường chi trả lương cho giáo viên 80% lương 12 tháng tập sự và 100% lương cho giáo viên từ tháng 8/2016 cho đến khi có quyết định chính thức từ sở Nội vụ TP.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng sở GD&ĐT TP.HCM thông tin: “Việc những giáo viên chưa có quyết định xếp lương cũng như quyết định bổ nhiệm viên chức, Sở chưa rõ. Bởi những công chức này do UBND quận 1, phòng GD&ĐT quận 1 trực tiếp tuyển dụng và quản lý. Sở không quản lý nên không can thiệp được chuyện này”.

Điều 95 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về Kỳ hạn trả lương

1. Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.

2. Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.

3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Điều 96 Bộ Luật Lao động 2012 quy định về Nguyên tắc trả lương

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo.

LÀNH NGUYỄN 

[mecloud]gavSf7kX9k[/mecloud]

Tin nổi bật