Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP HCM: Cống 10.000 tỷ trục trặc và nguy cơ ngập nặng vùng bao quanh?

(DS&PL) -

Các chuyên gia cho rằng, trong khi có rất ít kinh phí cho công tác chống ngập so với thực tế đòi hỏi thì TP.HCM lại làm dàn trải nên không giải quyết được dứt điểm được.

Các chuyên gia cho rằng, trong khi có rất ít kinh phí cho công tác chống ngập so với thực tế đòi hỏi thì TP.HCM lại làm lắt nhắt, dàn trải nên không giải quyết được dứt điểm vấn nạn ngập.Đơn cử, trước đây có quy hoạch chi phí khoảng 800 triệu USD (khoảng 20.000 tỷ), thế nhưng hiện nay thành phố đang triển khai quy hoạch này và chuyện lạ là một cái cống 10.000 tỷ đang trục trặc.

Vấn đề ngập nước đang làm người dân hết sức khốn khổ dù mới chỉ đầu mùa mưa. Ảnh minh họa

Ưu tiên giải quyết đứt điểm tình trạng ngập nước

Thực hiện chương trình giảm ngập nước năm 2019, TP.HCM sẽ ưu tiên tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại khu vực trung tâm và 5 khu vực vực ngoại thành. Diện tích trong chương trình này có phạm vi rộng tới 550km2 và khu vực dân cư chịu ảnh hưởng là khoảng 6,5 triệu dân.

Theo đó, TP sẽ hoàn thành 2 dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Mai Thị Lựu (quận 1) và nâng cấp đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Đồng thời, TP cũng sẽ hoàn thành dự án chống ngập do triều cường khu vực trung tâm TP, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) để giải quyết 4/9 tuyến đường ngập nước cho triều.

Song song đó, TP.HCM cũng sẽ xử lý dứt điểm 38 vị trí lấn chiếm cửa xả thoát nước, 62 vị trí lấn chiếm hầm ga thoát nước, 74 trường hợp lấn chiếm tuyến cống thoát nước, 39 vị trí lấn chiếm kênh rạch thoát nước...

Ngoài ra, TP.HCM chủ trương xây dựng các hồ điều tiết ngầm phân tán ở những khu vực có khả năng ngập nặng. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, góp phần giảm ngập nước trên địa bàn TP.HCM...

Vẫn còn một số dự án khác dự kiến sẽ triển khai trong năm 2019 như: Duyệt thiết kế bản vẽ thi công 4 dự án cải tạo hệ thống thoát nước trên các đường Tân Quý (quận Tân Phú), đường Trương Công Định, Bàu Cát (quận Tân Bình), Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành (quận Thủ Đức) và Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp)...

Như vậy, chỉ trong năm 2019, việc đầu tư triển khai xây dựng của hơn 200 dự án chống ngập, TP.HCM dự kiến sẽ phải chi kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, có 77 dự án chuyển tiếp với tổng kinh phí gần 5.000 tỷ đồng, khởi công với 47 dự án tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng và chuẩn bị đầu tư 94 dự án tổng kinh phí 819 tỷ đồng.

Trong đó, dự án chống ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đang được kỳ vọng rất nhiều cũng đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng, với gần 100 hộ dân và tổ chức ở quận huyện chưa bàn giao quỹ đất.

Còn nhiều điều nan giải

Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu –(giai đoạn1) khởi công ngày 26/6/2016, có tổng vốn đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) với tiến độ thực hiện dự kiến là 36 tháng (từ năm 2016 – 2018).

Tuy nhiên, chỉ cách đây vài tuần, dự án mới được tiếp tục triển khai, sau một thời gian tạm ngưng... do các bên “tố” nhau. Mục tiêu của dự án này là nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Đồng thời, chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các dự án thoát nước đô thị và hỗ trợ trữ nước mưa khi triều cường xuống thấp, kết hợp chống sạt lở bờ sông và góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dân cư.

Nói về “nguồn gốc” của dự án này, TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học Công nghệ TP.HCM cho biết: “Trước đây, TP.HCM cũng đã có kế hoạch xây dựng chống ngập do triều cường được thực hiện rất quy mô. Giải pháp họ đưa ra là xây dựng hệ thống đê bao quanh thành phố (trừ quận 2) để chắn triều, cộng thêm việc xây dựng hệ thống 13 cống ở các cửa kênh rạch để đóng, mở khi cần thiết”.

“Nhưng quy hoạch này chỉ xét đỉnh triều trong năm 2005, còn thời điểm bây giờ mức triều không như vậy nữa. Mặt khác, khi xây dựng đê bao quanh thành phố, sẽ giảm không gian để nước triều tản ra, dẫn đến các khu vực quanh thành phố sẽ ngập nặng. Đặc biệt quy hoạch này chi phí khoảng 800 triệu USD (khoảng 20.000 tỷ) thế nhưng hiện nay thành phố đang triển khai quy hoạch này và buồn cười là một cái cống 10.000 tỷ đang trục trặc”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, TP.HCM đang thiếu một quy hoạch “thật sự”, liên hoàn cho công tác chống ngập. “TP.HCM đang thiếu một quy hoạch tổng thể về công tác chống ngập, đồng thời, phải đặt TP trong bối cảnh là một đô thị bán ngập do triều, nằm trong vùng kênh rạch chằng chịt và hứng chịu một mùa mưa/năm... để tìm các giải pháp khắc phục một cách triệt để”, TS. Nguyễn Văn Thành, một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM chia sẻ.

Đồng quan điểm, GS - TS Nguyễn Ân Niên, Chủ tịch hội Khoa học Thủy Lợi lại cho rằng: “Vấn đề có thể thấy rõ nhất là TP có quá ít tiền để đầu tư chocông tác chống ngập, trong khi đó, lại làm dàn trải nên không dứt điểm cho xong được các công trình đang triển khai”. TS. Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch hội Tư vấn Khoa học Công nghệ TP.HCM cho rằng: “TP.HCM cho đến năm 1990, hệ thống thoát do người Pháp, người Mỹ xây dựng thoát rất tốt. Nhưng hiện giờ do hệ thống thoát đã cũ, xuống cấp, hư hỏng, chúng ta không có tiền nên không duy tu, bảo dưỡng lại hệ thống đó, dẫn đến tắc nghẽn nhiều nơi”.

“Nghiêm trọng hơn, sau năm 1990, khi xây dựng, mở rộng TP.HCM lớn hơn gấp 3 so với thành phố có hệ thống thoát nước tốt trước đó nhưng lại không đảm bảo hệ thống thoát, dẫn đến ngập là đương nhiên. Ngập do nước mưa đổ xuống và thoát không kịp dẫn đến úng, úng cục bộ của thành phố, đây là nguyên nhân vô cùng nghiêm trọng của TP.HCM”, chuyên gia này cho hay.

Cũng theo TS. Phúc: “Khi xây dựng một thành phố, người ta phải tính toán, thiết kế hệ thống thoát nước, bao gồm cả nước sinh hoạt và nước mưa. Khi xây dựng thành phố đến đâu, hệ thống thoát phải làm đến đó để không còn chuyện úng trong thành phố”, TS. Phúc cho biết thêm.

Bàn về các giải pháp chống ngập, TS. Phúc cho hay: “Có một điều chúng ta có thể làm được, để chấm dứt tình trạng đỉnh triều cường càng ngày càng dâng cao, nhưng có lẽ không ai muốn làm, là thôi đừng san lấp những không gian chứa nước tự nhiên, tuy còn lại rất ít ỏi. Chúng tôi đã cảnh báo triều cường sẽ tiếp tục dâng cao nếu chúng ta tiếp tục san lấp vùng trũng. Chúng tôi cũng đã kiến nghị việc mở rộng và phát triển TP nên hướng về phía Củ Chi, Thủ Đức là vùng đất cao không cần san lấp”.

“Nhưng những kiến nghị của chúng tôi bị mọi người bỏ qua. Kết quả đích thực là đỉnh triều cường tiếp tục dâng cao, năm 2018 đã dâng lên 1,7m. Kể từ ngày có cảnh báo đầu tiên của chúng tôi, đỉnh triều cường đã tăng thêm 20cm, và sẽ tiếp tục tăng cao nữa trong tương lai nếu chính quyền không có chiến lược và quy hoạch chế tài việc san lấp và định hướng phát triển TP về vùng cao”, chuyên gia này cho biết thêm.

Ngập nước đang làm người dân hết sức khốn khổ Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết:“Vấn đề ngập nước đang làm người dân hết sức khốn khổ, dù mới chỉ đầu mùa mưa. Do đó, các bên liên quan cần phải có các giải pháp để đẩy nhanh các hạng mục công trình, đồng thời, cần phải tăng cường tuyên truyền về tổng thể các dự án chống ngập, sự liên kết các dự án để người dân nắm”.

Thanh Tùng

Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 107

Tin nổi bật