Trong lúc cộng đồng quốc tế tạm thở phào vì cuộc khẩu chiến tiềm ẩn xung đột giữa Washington và Bình Nhưỡng kết thúc, tâm điểm chú ý lại một lần nữa dồn về châu Á. Lần này sự tập trung đổ dồn về vùng biên giới giữa hai người khổng lồ Ấn Độ và Trung Quốc.
Đã xung đột với đá và gậy sắt
Mặc dù là khu vực hoang vắng với địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt - ranh giới ở Himalaya giữa New Delhi và Bắc Kinh đã trở thành một điểm nóng quân sự trong những tháng gần đây. Với việc cả hai cường quốc đang muốn mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng ở châu Á cùng với sức mạnh hạt nhân đáng gờm, các nhà phân tích lo ngại, tình hình rất dễ leo thang một cách khó lường.
Ấn Độ-Trung Quốc đã chuẩn bị trước mọi tình huống xấu nhất diễn ra. |
"Cả hai đang sục sôi chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh", chuyên gia nghiên cứu về châu Á Shailesh Kumar và Kelsey Broderick từ công ty tư vấn Eurasia Group đánh giá. Đối với Gareth Price, nhà nghiên cứu cấp cao về châu Á của Chatham House, tranh chấp giữa hai quốc gia đang phản ánh cách mà Trung Quốc và Ấn Độ muốn thể hiện vị thế của mình ở châu Á. "Trung Quốc muốn là tiểu bá vương" trong khu vực, nhưng Ấn Độ sẽ là thách thức lớn vì nước này "muốn được đối xử như một thế lực ngang hàng". Theo Reuters, hôm 16/8, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã có một cuộc ẩu đả ở biên giới phía tây dãy Himalaya. Các nguồn tin ở New Delhi nói với Reuters, binh lính Trung Quốc đã cố gắng xâm nhập lãnh thổ Ấn Độ ở vùng Ladakh thuộc bang Jammu và Kashmir. Lính Trung Quốc cầm theo gậy sắt, gạch đá và đã xô xát với binh sĩ Ấn Độ. Cả hai bên đều bị thương nhẹ và không có cuộc nổ súng nào diễn ra. Trước đó, hai nước thường xuyên có cáo buộc về việc xâm nhập lãnh thổ của nhau, nhưng các vụ đụng độ được cho là rất hiếm khi xảy ra. Đây được coi là diễn biến căng thẳng nhất trong nhiều năm trở lại đây. Lực lượng vũ trang hai nước đã được triển khai đông đảo trên một cao nguyên được gọi là Donglang ở Trung Quốc và Doklam ở Ấn Độ, kể từ hồi tháng Sáu. Quân đội Ấn Độ đã được cử tới khu vực này sau khi phản đối Trung Quốc xây dựng một con đường trên vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Bắc Kinh và Bhutan, quốc gia đồng minh của Ấn Độ.
Về cơ bản, New Delhi vốn không thoải mái trước sự bành trướng của Trung Quốc ở châu Á. Ấn Độ đặc biệt phản đối sáng kiến Vành đai và Con đường - chương trình phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc trải rộng trên khắp lục địa, đưa tầm ảnh hưởng ra toàn cầu. Trong khi đó, một bài xã luận có tựa đề "Ấn Độ đừng đùa giỡn với thảm họa", xuất bản hôm 8/8 bởi hãng thông tấn Nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã cảnh báo, sự tham gia của Ấn Độ ở Doklam là "một hành vi vi phạm đến chủ quyền của Trung Quốc". Một cuộc xung đột xảy ra được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn đầu tư nước ngoài của Ấn Độ, trong khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tự tin tuyên bố, nước này "đã củng cố đủ sức mạnh để có thể ứng phó trước một cuộc xung đột bên ngoài, trong khi vẫn tiếp tục phát triển mục tiêu nội địa". Mặc dù vậy, chuyên gia Alyssa Ayres từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ), nói rằng, các tranh chấp biên giới hiện tại là một "cuộc xung đột do Trung Quốc tự tạo ra". Về mặt chiến lược, “quân đội Trung Quốc sẽ bị tổn hại nặng nề và tự phá hỏng lợi ích của mình”, điều này sẽ dẫn đến một tình huống khiến cho nước này phải “mất mặt”.
Mèo nào cắn mỉu nào?
Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang đau đầu với nhiều vấn đề đối ngoại khác nhau. Với Trung Quốc, nước này đang bị chỉ trích khi không làm tốt vai trò trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bên cạnh cáo buộc ức hiếp các nước láng giềng nhỏ hơn mình trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Bên cạnh đó, Ấn Độ vẫn rơi vào bế tắc với cuộc tranh chấp lãnh thổ với Pakistan ở Kashmir trong nhiều năm. Trung Quốc và Ấn Độ từng đụng độ trực tiếp trên biên giới vào năm 1962, cuộc chiến sau đó đã kết thúc khi hai bên đồng thuận về một số nhượng bộ.
Theo các nhà phân tích, hơn bất cứ ai, Trung Quốc không hề muốn dính vào một cuộc xung đột ở biên giới Ấn Độ. Mối quan tâm lớn nhất của Bắc Kinh hiện tại là xúc tiến thành công sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong khi đó, chuyên gia Broderick và Kumar phân tích Trung Quốc quá bận rộn với người hàng xóm Triều Tiên và một số khu vực khác. Ngoài ra, Trung Quốc muốn đảm bảo sự bình ổn trong nước để chuẩn bị cho đại hội Đảng lần thứ 19 sắp diễn ra vào mùa thu. Về phía Ấn Độ, người dân ở đây cũng quan tâm nhiều hơn đến mối đe dọa hiện hữu từ Pakistan, chứ không phải người khổng lồ hàng xóm. Từ những điều này, nhà nghiên cứu Gareth Price đã trả lời câu hỏi, liệu xung đột toàn diện giữa hai cường quốc có trở thành hiện thực hay không rằng: “Nhìn dưới góc độ logic, mọi dữ kiện đều cho thấy điều đó sẽ không xảy ra”.
MẠNH KIÊN (Theo CNBC News)
(Theo ĐS&PL Chủ nhật, số 33)