VTC News dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Nguyễn Quốc Dũng - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận 8 ông cháu vào viện, bé lớn nhất 7 tuổi, còn bé nhỏ nhất 22 tháng tuổi, được chẩn đoán ngộ độc do ăn nấm dại, nhưng không rõ loại nấm nào.
Hiện tại, sức khoẻ của 8 bệnh nhân ổn định, tiên lượng tốt, đang được theo dõi thêm tại các khoa trong bệnh viện.
Các bệnh nhân này đều trú tại xã Niêm Tòng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Họ vào viện khi xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn ói, chóng mặt vì ăn canh nấm lạ cùng với rau ngót, cơm ngô.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng tiếp nhận trường hợp cả nhà nhập viện sau bữa ăn có món nấm xào mướp. Sau 3 ngày điều trị tại khoa Bệnh nhiệt đới, bệnh nhân được gia đình xin đưa về và mất tại nhà.
Các chuyên gia khuyến cáo phân biệt nấm độc dựa vào màu sắc, mùi và hình dạng của nấm. Thông thường, nấm độc màu sắc sặc sỡ, trên mũ nấm có đốm màu trắng, đen hoặc đỏ. Ngửi nấm mùi thơm, khi ngắt có nhựa chảy ra thì là nấm độc, không nên ăn. Ngoài ra, mọi người chú ý không ăn nấm đã bị thối rữa, ôi thiu.
Thông thường, nấm độc màu sắc sặc sỡ, trên mũ nấm có đốm màu trắng, đen hoặc đỏ. Ảnh minh họa
Để an toàn, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được trồng, không nên dựa vào hình thái, màu sắc để phân biệt nấm lành hay có độc, không nên ăn thử để khám phá vì sau khi đun nấu, độc tố trong nấm vẫn không bị phá hủy.
Trường hợp ăn nấm và xuất hiện các biểu hiện ngộ độc như nôn nao, buồn nôn, nôn, đi ngoài, cần nhanh chóng gây nôn càng sớm càng tốt để đẩy bớt độc tố ra ngoài. Đồng thời, uống nhiều nước, tốt nhất là dùng oresol. Sau đó, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời.
Ngày 14/5, theo thông tin từ Trung tâm Y tế TP.Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai), trên địa bàn phường Trảng Dài vừa ghi nhận một bệnh nhi mắc bệnh ho gà. Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhi là T.M.T.N. (sinh ngày 25/3/2024, ngụ khu phố 4C, phường Trảng Dài) được phát hiện bằng phương pháp PCR với kết quả dương tính với vi khuẩn ho gà.
Bệnh nhi sinh tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), sau sinh bé được tiêm vaccine viêm gan B và lao tại bệnh viện. Sau sinh, mẹ và bệnh nhi nằm lại bệnh viện 5 ngày, ở chung một phòng có 3 gia đình, mẹ không tiếp xúc với những gia đình còn lại và không có biểu hiện sốt, ho.
Trong thời gian nằm viện chỉ có bà ngoại chăm, sau đó về nhà và không tiếp xúc với ai ngoài người nhà.
Ngày 20/4, bệnh nhi có dấu hiệu ho nhẹ, sốt 38 độ C, ngày hôm sau ho nhiều hơn, ho đỏ mặt, không nôn ngay sau ho, hay khóc và khó ngủ, người nhà có đưa đi khám ở phòng khám tư nhân nhưng không đỡ.
Ngày 2/5, gia đình đưa bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để khám và được lấy mẫu PCR vào ngày 7/5, sáng 8/5 có kết quả dương tính với vi khuẩn ho gà. Hiện tại, bệnh nhi đỡ ho và vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2.
Trong gia đình bệnh nhi không ghi nhận trường hợp nào có sốt ho gần đây. Tính đến nay, bệnh nhi có tiếp xúc với bố, mẹ, bà nội, chị gái và 2 người chị họ. Nguồn lây bệnh cho bệnh nhi chưa xác định được.
Ngành Y tế đã giải thích cho gia đình về bệnh ho gà để người nhà không quá lo lắng, hoang mang và cũng không chủ quan, phối hợp với nhân viên y tế trong hoạt động phòng chống dịch. Hướng dẫn gia đình xử lý môi trường xung quanh, theo VTV Times.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tại Đồng Nai, đây là ca bệnh được ghi nhận sau 4 năm.
Theo báo Công An Nhân Dân, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội cho biết nữ bệnh nhân P.T.T (63 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội) hơn 1 năm trước phát hiện khối u buồng trứng khổng lồ, kèm theo polyp lớn buồng tử cung gây chảy máu nhiều nhưng lại từ chối phẫu thuật và về nhà tự uống thuốc theo những lời mách bảo truyền miệng.
Chỉ đến khi tình trạng rong huyết trở nên nghiêm trọng, giảm cân nhanh chóng chỉ trong vòng 1 tháng, thỉnh thoảng ngất xỉu đột ngột, bệnh nhân mới quay lại bệnh viện.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định, bệnh nhân có khối hạ vị kích thước 20x25cm, theo dõi ung thư buồng trứng trái, ung thư nội mạc tử cung - polyp buồng tử cung.
Thể trạng bệnh nhân rất kém, thiếu máu mức độ nặng, lại có bệnh tim mạch đang điều trị nội khoa theo đơn tại Bệnh viện Tim Hà Nội và biến chứng nhồi máu phổi, cần phải điều trị bằng thuốc chống đông, làm cho tình trạng ra máu diễn biến nặng hơn, đe dọa đến tính mạng.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Công An Nhân Dân
Để cứu sống bệnh nhân, các bác sĩ khoa Ngoại Vú – Phụ khoa Bệnh viện Ung bướu Hà Nội đã nhanh chóng hội chẩn và tiến hành phẫu thuật. Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 6 khối hồng cầu 350ml.
Ca mổ diễn ra thành công, bệnh nhân được cắt tử cung toàn bộ và 2 phần phụ. Kết quả sinh thiết tức thì trong mổ là u ác tính buồng trứng trái hướng đến Carcinoma, polyp nội mạc tử cung. Bệnh nhân sau đó được cắt mạc nối lớn và kiểm tra toàn bộ ổ bụng, lấy tối đa các nhân di căn phúc mạc.
Các bác sĩ khuyến cáo, ung thư buồng trứng là bệnh khó phòng ngừa, khó phát hiện sớm vì buồng trứng là cơ quan nằm sâu trong tiểu khung, các triệu chứng thường âm thầm, mơ hồ, không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh nội, phụ khoa khác, khi triệu chứng đã rõ bệnh thường ở giai đoạn muộn.
Vì vậy, người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, đặc biệt, phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện và điều trị sớm ung thư buồng trứng cũng như các bệnh ung thư phụ khoa khác.