VTV Times đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa tiến hành lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân suốt 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê.
Cụ thể, bệnh nhân Q.T.P. (43 tuổi) cách một tuần trước khi nhập viện xuất hiện ho, sốt, khó thở nhẹ. Cùng ngày vào viện, bệnh nhân đột ngột ho ra máu đỏ tươi, được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị.
Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy có tình trạng viêm phổi và giảm trao đổi khí ở đáy phổi trái. Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có hình ảnh ổ áp xe thùy dưới phổi trái và nghi ngờ dị vật đường thở ở đoạn phế quản thùy dưới phổi trái.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiến hành lấy dị vật nằm trong phổi bệnh nhân 25 năm bằng kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm có gây mê. Ảnh: VTV Times
Khai thác tiền sử, bệnh nhân có bị sặc thức ăn năm 18 tuổi, sau sặc xuất hiện ho dữ dội và khó thở. Trong vài năm trở lại đây, bệnh nhân thường phải nhập viện để điều trị viêm phổi, mỗi năm trung bình 3 - 4 đợt điều trị.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản ống mềm có gây mê để khảo sát toàn bộ đường thở của bệnh nhân. Khi đưa ống nội soi đến phế quản thùy dưới phổi trái, phát hiện một dị vật to bằng đầu ngón tay út, có nhiều góc cạnh, có đờm và mủ bao phủ bên ngoài.
Dị vật chắn ngang phế quản làm cản trở thông khí của thùy dưới phổi trái, kèm theo đó là tình trạng hóa mủ và áp xe hóa thùy dưới phổi trái. Ngoài ra, di vật di động theo nhịp thở, cọ vào thành phế quản gây chảy máu trong lòng phế quản.
Các bác sĩ dùng kìm của ống nội soi kéo dị vật từ trong phổi bệnh nhân ra ngoài. Sau gần 1 giờ, dị vật trong phổi bệnh nhân được lấy ra ngoài và hút sạch đờm mủ ở vị trí thùy dưới phổi trái. Nhận định ban đầu, dị vật là mảnh xương có trong thức ăn và không may bị sặc vào phổi.
Theo TTXVN, ngày 11/5, truyền thông Thái Lan đưa tin thời tiết nắng nóng trong 4 tháng đầu năm nay là nguyên nhân gây tử vong cho 61 người vì say nắng, trong đó gần một nửa số nạn nhân ở khu vực Đông Bắc.
Tiến sĩ Apichart Wachiraphan - Cục phó Cục Kiểm soát bệnh tật thuộc Bộ Y tế Thái Lan cho biết, hầu hết nạn nhân đều là người cao tuổi nhưng vẫn trong độ tuổi lao động, nông dân và lao động chân tay, nam giới tử vong nhiều hơn nữ giới.
Các yếu tố nguy cơ tử vong do say nắng là uống nhiều rượu (62,1%), người mắc bệnh tiềm ẩn (49,2%) và người làm việc ngoài trời (27,6%).
Theo Tiến sĩ Apichart, bất kỳ ai có nhiệt độ cơ thể cao nhưng không đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh và mạnh, đau đầu, nói lắp bắp hoặc ngất xỉu thì được cho là bị say nắng.
Thái Lan ghi nhận 61 trường hợp tử vong do say nắng. Ảnh minh họa: Shutterstock
Biện pháp điều trị sơ cứu bao gồm đặt nạn nhân trong bóng râm, nằm ngửa mặt và giơ cao hai chân, cởi bỏ đủ quần áo để có thể chườm khăn ngâm nước lạnh lên thân hoặc đặt đá viên dưới cổ và nách, dùng quạt điện làm mát nạn nhân. Nếu nạn nhân còn tỉnh, hãy cho họ uống nước hoặc điện giải và đưa họ đến bệnh viện gần nhất càng sớm càng tốt.
Ông đồng thời nhấn mạnh tuyệt đối không để trẻ em (hoặc thú cưng) trong ô tô dưới ánh nắng trực tiếp mà không có điều hòa bởi nhiệt độ bên trong ô tô có thể tăng đến mức nguy hiểm đến tính mạng trong vòng chưa đầy 20 phút nếu điều hòa không hoạt động.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Apichart khuyến cáo người dân tránh mọi hoạt động dưới ánh nắng trực tiếp, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 11h - 15h, để hạn chế nguy cơ bị say nắng.
VTV Times đưa tin ngày 10/5, khoa Cấp cứu Bệnh viện quận Bình Tân (TP.HCM) tiếp nhận một bệnh nhân nam 32 tuổi, nhập viện vì bất tỉnh sau khi bị điện giật. Ngay khi tiếp nhận, ekip cấp cứu đánh giá bệnh nhân đã ngưng tim ngưng thở trước khi nhập viện, nên nhanh chóng hồi sức tim phổi cho bệnh nhân.
Đưa bệnh nhân vào khu vực hồi sức, bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp, sốc điện, đồng thời các điều dưỡng vừa ấn tim, vừa lập đường truyền, truyền thuốc trợ tim, bù dịch và điện giải cho bệnh nhân. Sau 15 phút căng thẳng giành giật sự sống cho bệnh nhân, những tiếng đập của tim cũng dần trở lại với bệnh nhân.
Tiếp tục quá trình theo dõi và điều trị tích cực sau đó, bệnh nhân bắt đầu có những nhịp tự thở, phản xạ đồng tử đáp ứng. Tuy nhiên, do tri giác bệnh nhân chưa có dấu hiệu hồi phục, bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để có thể đưa ra những phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Nhận định đây là trường hợp cần can thiệp những biện pháp chuyên sâu, ekip trực đã nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân an toàn đến bệnh viện tuyến trên để tiếp tục điều trị.
Nhận thấy bệnh nhân đã ngưng tim ngưng thở trước khi nhập viện, ekip cấp cứu nhanh chóng hồi sức tim phổi cho người bệnh. Ảnh minh họa: VTV Times
Điện giật là tai nạn thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Việc sơ cứu người bị nạn đúng và an toàn góp phần cứu sống nạn nhân.
Khi phát hiện người bị điện giật, đầu tiên người phát hiện phải ngắt nguồn điện (cúp cầu dao, rút dây điện khỏi ô cắm) hoặc dùng thanh gỗ khô gạt các dây điện ra khỏi người nạn nhân.
Sau đó, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, kiểm tra xem nạn nhân còn thở không và báo động cho người xung quanh biết, nhanh chóng gọi xe cấp cứu của bệnh viện gần nhất.