Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 8/5/2024: Căn bệnh khiến bé trai bị tổn thương ở da đầu

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 8/5/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 8/5/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Căn bệnh khiến bé trai bị tổn thương ở da đầu

VTC News đưa tin, bé trai 9 tuổi được đưa đến khoa Da liễu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang khi phần đầu bị tổn thương lở loét, chảy dịch. Trước khi vào viện, gia đình phát hiện trẻ có vùng đỏ ở da đầu, nhiều mụn vùng chân tóc, kích thước khoảng (5x6 cm).

Sau 5 ngày tự điều trị ở nhà, tổn thương ở da đầu trẻ càng ngày càng lan rộng hơn, sưng nề đỏ, rụng tóc dần và một số mụn bắt đầu chảy mủ khiến trẻ đau nhức. Qua thăm khám, làm các xét nghiệm chuyên sâu, bệnh nhi được chẩn đoán bị nấm tổ ong da đầu (kerion).

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Minh – Trưởng khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, kerion là áp xe do nấm gây nên, chủ yếu xảy ra ở trẻ em 3-7 tuổi, có khi gặp ở người lớn. Bệnh thường bị nhầm lẫn với các bệnh lý nhiễm trùng như chốc da đầu, áp xe do vi khuẩn, viêm nang lông da đầu.

Nguyên nhân gây bệnh là do đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các loại “nấm sợi”. Các loài nấm này có thể lây từ người sang người do dùng chung vật dụng, hoặc lây từ vật nuôi trong nhà (chó, mèo) sang người.

 Phần đầu của bệnh nhi bị tổn thương do nhiễm nấm. Ảnh: VTC News

Bệnh thường xuất hiện ở da đầu nhưng có thể gặp ở các vị trí khác như da mặt, cổ, chi trên, kích thước khoảng vài cm, trong ổ áp xe chứa đầy các hốc mủ như sình lầy, nằm trên nền da viêm nề.

Khi mủ chảy ra, khô để lại các mảng vảy tiết dày màu vàng. Tóc trong vùng thương tổn thường bị rụng. Ngoài ra, bệnh còn có các triệu chứng toàn thân khác như hạch vùng cổ sưng to, sốt, mệt mỏi.

Bác sĩ khuyến cáo, người bệnh điều trị kerion cần phối hợp dùng thuốc chống nấm toàn thân với trích rạch, dẫn lưu mủ trong ổ ápxe, dùng kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn.

Bệnh nhân cần được điều trị kịp thời theo hướng dẫn của bác sĩ, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, không dùng chung lược, mũ, khăn lau, gối hoặc các phụ kiện tóc khác.

Lưu ý, thú cưng cũng có thể là nguồn lây bệnh. Nếu trong nhà có người mắc bệnh, nên đưa chúng đi khám để tránh tình trạng tái nhiễm. Trước những hình thái tổn thương viêm da ở đầu, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc ở Đồng Nai

Theo báo Công Thương, chiều 7/5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thông tin đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc bánh mì ở tiệm cô B. (số 148/18 đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).

Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, đa phần các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân, mẫu thực phẩm lấy từ tiệm bánh mì đều bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Ngoài ra, một số mẫu khác nhiễm khuẩn E.coli và một số vi khuẩn khác.

Cụ thể, ngày 6/5, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM tìm thấy vi khuẩn Salmonella trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi P.H.M. (14 tuổi, một trong những bệnh nhân của vụ nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại TP.Long Khánh).

Trước đó, ngày 4/5, trong 3 bệnh nhi bị bệnh nặng, kết quả xét nghiệm mẫu máu cho thấy các em bị nhiễm trùng E.coli.

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thông tin đã có kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm trong vụ ngộ độc bánh mì ở tiệm cô B. (Đồng Nai). Ảnh: Báo Công Thương

Theo tìm hiểu, vi khuẩn Samonella có trong thực phẩm, nguồn nước ô nhiễm. Thời gian ủ bệnh khi nhiễm Salmonella là từ 6-72 giờ sau khi ăn, thông thường từ 18-36 giờ sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Đau quặn bụng, tiêu chảy, ớn lạnh, sốt. Một số ít người còn bị buồn nôn, ói mửa.

Các triệu chứng trên thường kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Trong đó, tiêu chảy có thể kéo dài tới 10 ngày. Một số ít trường hợp có thể bị biến chứng nặng nếu nhiễm Salmonella lan rộng, xuyên qua ruột, có thể dẫn đến tử vong.

Ngày 30/4, tiệm bánh mì cô B. bán hơn 1.100 ổ bánh mì thịt cho khách hàng. Đến sáng 1/5, nhiều người sau khi ăn bánh mì tại tiệm cô B. có triệu chứng tiêu chảy, nôn ói nên nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh để cấp cứu.

Qua xác minh, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai xác định, tiệm bánh mì không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Các lực lượng chức năng đã lấy mẫu thực phẩm tại tiệm bánh mì gồm: Thịt nguội da bao, dưa muối chua, chả lụa, thịt heo đã qua chế biến, pate gửi kiệm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại Viện Y tế công cộng TP.HCM. Tính đến chiều tối 5/5, tổng số bệnh nhân nhập viện lên 545 trường hợp.

Tự mua thuốc đau xương khớp về uống, người đàn ông bị phản vệ độ II

VTV Times dẫn thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết mới đây, các bác sĩ khoa Cấp cứu có tiếp nhận một người bệnh nam 81 tuổi (trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) nhập viện với chẩn đoán phản vệ độ II.

Các bác sĩ đã nhanh chóng tiến hành hồi sức cấp cứu và điều trị theo phác đồ cho người bệnh. Sau 4 ngày theo dõi và điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định và đã được xuất viện.

Theo gia đình người bệnh, bệnh nhân có tiền sử đau xương khớp và có đi tiêm tại phòng khám tư nhưng không thuyên giảm. Sau đó, người bệnh đã ra hiệu thuốc tự mua thuốc về uống. Hậu quả, người xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, mẩn đỏ toàn thân, đại tiểu tiện không tự chủ.

Việc tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ tiềm ẩn nhiều tác hại nghiêm trọng. Ảnh minh họa: VTV Times

Các bác sĩ bệnh viện cho biết, việc tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ tiềm ẩn nhiều tác hại nghiêm trọng như loét dạ dày, tổn thương gan, suy giảm chức năng thận, rối loạn hoạt động các cơ quan.

Nghiêm trọng hơn, có những trường hợp xảy ra phản ứng phụ như dị ứng, mẫn cảm và nặng nhất là phản ứng phản vệ nguy hiểm dẫn đến tử vong. Do vậy, người dân cần tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách thăm khám sức khỏe định kỳ và khi có dấu hiệu bất thường thì đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách và kịp thời.

Tin nổi bật