VOV dẫn thông tin từ lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cho biết, đơn vị vừa nội soi lấy lấy thành công dị vật là ấu trùng ra khỏi tai của bé gái H.L.A.T. (16 tháng tuổi, ngụ huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng).
Theo lời kể của ba mẹ bệnh nhi, trước đó 1 ngày, bé T. khó chịu do đau tai và liên tục quấy khóc. Gia đình phát hiện tai bên phải của bé có chảy máu nên lập tức đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu khám.
Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhi ổn định, tim phổi không phát hiện bất thường. Tuy nhiên khi tiến hành nội soi, phát hiện một dị vật bên tai phải của bệnh nhi còn đang cử động gây thủng nhĩ.
Các bác sĩ tiến hành lấy ấu trùng ra khỏi tai bé gái. Ảnh: VOV
Bác sĩ CKI Nguyễn Hồng Trứ - người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi cho biết, khi phát hiện dị vật là ấu trùng còn đang cử động bên tai phải của bé, chúng tôi lập tức tiền mê để bé không sợ hãi và quấy khóc. Nhờ đó có thể kiểm tra kỹ hơn và lấy ấu trùng ra khỏi tai bé.
Sau lấy dị vật, hiện sức khỏe của bệnh nhi T. hoàn toàn ổn định, không còn khó chịu hay đau rát và được xuất viện về nhà ngay hôm sau.
Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Trứ, thời gian qua Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu cũng tiếp nhận và gắp dị vật cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị hóc xương gà, xương cá, tăm xỉa răng nhưng đây là trường hợp hy hữu khi ấu trùng chui vào tai em bé gây thủng nhĩ.
Đối với dị vật sống, nếu không phát hiện sớm sẽ có nguy cơ tổn thương, nhiễm trùng tai ngoài thậm chí có thể ảnh hưởng tai giữa gây giảm mất thính giác.
Với những gia đình có bé nhỏ, ba mẹ nên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, không để thức ăn ôi thiu hay rác thải gần chỗ bé chơi, bé nằm. Không để bé ngủ dưới nền, sàn nhà nếu gia đình có nuôi thú cưng để ấu trùng nhỏ không sinh sôi bám lên người bé. Nếu phát hiện bé có bất thường, ba mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo báo Công Lý, ngày 5/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Thừa Thiên Huế cho biết, vừa tiếp nhận tiêm huyết thanh kháng dại, vaccine dại cho bé gái 7 tuổi, trú phường An Hòa (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) bị chó dữ tấn công.
Người nhà cho hay trước đó, vào khoảng 17h ngày 1/5, bé gái đi qua nhà hàng xóm chơi thì bất ngờ bị chó dữ cắn sâu vào vùng cánh tay. Phát hiện vụ việc, người nhà cháu bé đã tiến hành băng, cầm máu và đưa bé gái đi cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Qua thăm khám ban đầu, bác sĩ tiến hành xử lý, cắt lọc vết thương đồng thời điều trị, phục hồi sức khỏe cho cháu bé sau khi bị mất máu bởi vết cắn sâu.
Ngay sau khi ổn định sức khỏe, cháu bé được gia đình đưa vào CDC Thừa Thiên Huế và được bác sĩ khám chỉ định tiêm huyết thanh kháng dại, vaccine dại.
Những ngày qua, CDC Thừa Thiên Huế ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám do bị chó cắn với vết thương khá phức tạp. Ảnh minh họa
Hiện tại, sức khỏe cháu bé ổn định, được theo dõi điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế và tiếp tục tiêm chủng các mũi vaccine dại theo phác đồ.
Theo bác sĩ CKI Phan Thị Hồng Nhạn - Phòng khám Đa khoa (CDC Thừa Thiên Huế), đây là ca bệnh nặng do chó cắn với vết thương khá sâu và phức tạp ở vùng cánh tay, dễ gây nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ.
Qua sự việc này, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ em không chơi đùa với chó lạ và tránh xa vật nuôi để tránh nguy hiểm cho các bé.
Sau khi bị chó cắn, cần rửa ngay vết thương bằng xà phòng dưới vòi nước sạch trong vòng 15 phút hoặc dung dịch sát khuẩn, rồi nhanh chóng đưa ngay đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để tiếp tục xử lý vết thương.
Được biết, trong những ngày qua CDC Thừa Thiên Huế ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám do bị chó cắn với vết thương khá phức tạp, bao gồm cả người lớn và trẻ nhỏ, trung bình mỗi ngày tiếp nhận 15-20 người.
VOV đưa tin sáng 5/5, Bệnh xá đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã tiếp nhận và phẫu thuật cấp cứu cho ngư dân La Thanh L. (41 tuổi, quê phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) bị viêm ruột thừa cấp.
Trước đó, vào khoảng 7h ngày 5/5, trong khi đang khai thác hải sản trên biển gần đảo Song Tử Tây, ngư dân này có biểu hiện đau vùng hố chậu âm ỉ liên tục, ngày đau càng tăng lên, không buồn nôn, không nôn, không rối loạn tiêu hóa, cảm giác sốt. Sau đó, ngư dân L. đã được các ngư dân trên tàu cá BĐ 97832 TS đưa vào đảo cấp cứu.
Các bác sĩ phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: VOV
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định mạch huyết áp trong giới hạn, không khó thở; ấn ở bụng dưới đau, đau nhất là vùng hố chậu phải, phản ứng thành bụng hố chậu phải rõ; siêu âm nghi ngờ hình ảnh ruột thừa đường kính10mm, xung quanh có ít dịch; quân y của đảo chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp giờ thứ 25 và đã chỉ định cắt ruột thừa, lau rửa ổ bụng.
Sau gần 2 giờ tiến hành, ca phẫu thuật đã thành công. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân tạm thời ổn định, tiếp tục lưu trú tại đảo để theo dõi và điều trị sau mổ. Được biết, bệnh nhân là thuyền trưởng tàu cá BĐ 97832 TS, tàu hành nghề lưới vây, trên tàu có 13 lao động.