Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 4/5/2024: Cô gái mắc thủy đậu mức độ nặng, sốt tới 41 độ

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 4/5/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 4/5/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cô gái mắc thủy đậu mức độ nặng, sốt tới 41 độ

Theo báo Đại Đoàn Kết, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thông tin, mới đây khoa Cấp cứu bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nữ (17 tuổi, ở Bắc Giang). Cách 5 ngày vào viện, bệnh nhân xuất hiện mụn nước nhiều vùng lưng, ngực không rõ sốt kèm theo mệt nhiều.

Trước đó, bệnh nhân có tiếp xúc với em gái ruột bị thủy đậu đã khỏi. Người nhà bệnh nhân mua thuốc nam về sắc cho uống, nhưng bệnh nhân không đỡ và được đưa vào cơ sở y tế gần nhà điều trị. Tại đây, bệnh nhân có được sử dụng thuốc.

Sau đó, bệnh thủy đậu đột ngột tiến triển nặng lên, mụn phỏng nước nổi dày đặc toàn thân, bệnh nhân sốt cao 40 – 41 độ C, đau nhiều vùng thắt lưng, không đi lại được, bụng chướng căng, bí trung đại tiện, xuất hiện nhiều mụn mủ trên da.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Đại Đoàn Kết

Bệnh nhân được nhập viện vào bệnh viện đa khoa tỉnh rồi chuyển lên khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Lúc này, bệnh nhân đã trong tình trạng rất nặng, sốt cao 41 độ, mụn nước và nhiều mụn mủ toàn thân, loét miệng họng, ý thức chậm, yếu hai chân, chướng bụng liệt ruột. Kèm theo đó, bệnh nhân có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa, mê sảng, kích thích.

Các xét nghiệm cho thấy có tình trạng rối loạn đông máu trầm trọng, số lượng tiểu cầu giảm sâu, men gan tăng cao, suy các cơ quan. Bệnh nhân được hội chẩn, chẩn đoán: Thủy đậu mức độ nặng có bội nhiễm - liệt ruột cơ năng, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân được điều trị tích cực bằng thuốc kháng vi rút thủy đậu (Acyclovir) dạng truyền tĩnh mạch, các thuốc kháng sinh, điều chỉnh các rối loạn đông máu – chảy máu, hỗ trợ về hô hấp, dinh dưỡng.

Sau 1 tuần điều trị tích cực, bệnh nhân dần ổn định, sốt giảm, ý thức tỉnh táo, ăn được, bụng đỡ chướng, các xét nghiệm đông máu dần cải thiện. Sau 2 tuần điều trị, chiều 3/5, bệnh nhân đã phục hồi tốt, mụn nước thủy đậu cũng thoái triển dần, các cơ quan phục hồi và bệnh nhân được cho xuất viện về nhà.

Phẫu thuật cho cụ bà 95 tuổi bị bướu cổ “khổng lồ”

Báo Người Lao Động đưa tin chiều 3/5, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho hay vừa phẫu thuật thành công cho cụ bà T.T.H (95 tuổi, ở Gò Vấp, TP.HCM) bị bướu cổ “khổng lồ” gây hẹp khí quản khó thở.

Cách đây hơn 40 năm, bà H. đi khám đã phát hiện bướu cổ kích thước nhỏ nhưng không điều trị. Gần đây bị khó thở, bà đến bệnh viện thì bướu giáp to chèn ép gây hẹp khí quản, chỗ hẹp nhất kích thước 4mm kéo dài một đoạn 11mm.

Nhận định bệnh nhân đã lớn tuổi, nhiều bệnh nền (tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp 2, suy tim), bướu to, vôi hóa, chèn ép, nguy cơ cao lúc mổ…, các bác sĩ đã lên phương án phẫu thuật tối ưu nhất.

Khối u tuyến giáp được bóc tách ra khỏi cổ cụ bà. Ảnh: Người Lao Động

Sau khi đã đặt thành công nội khí quản, các bác sĩ đã cẩn trọng loại bỏ hoàn toàn 2 thùy tuyến giáp với kích thước bên phải là 13x6x6cm, bên trái là 9x6x5cm, bảo tồn được các cấu trúc quan trọng lân cận mà không để xảy ra chảy máu.

"Đây là ca bệnh nhiều nguy cơ thách thức. Chúng tôi phải phối hợp nhiều chuyên khoa, nội, ngoại khác nhau để đảm bảo an toàn cho người bệnh trước, trong và sau phẫu thuật", bác sĩ CKII Trần Như Hưng Việt - Trưởng Khoa Ngoại Lồng ngực Mạch máu bướu cổ Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ.

Em bé 4 tháng tuổi bị dị tật tim hiếm gặp

Theo VTC News, ngày 3/5, Bệnh viện Sản - Nhi Quảng Ngãi tiếp nhận bé 4 tháng tuổi (trú thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) được gia đình đưa đến khám bệnh với triệu chứng thở gấp. Qua siêu âm tim sàng lọc, bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị dị tật tim khi có 3 buồng nhĩ hiếm gặp, chỉ chiếm tỷ lệ 1% trong các dị tật tim bẩm sinh. 

Theo bác sĩ Nguyễn Lê Minh Thạnh - người trực tiếp siêu âm cho bé, tim của người bình thường có 4 buồng tim. Trong đó, 2 buồng ở phía trên là vị trí của buồng nhĩ trái, buồng nhĩ phải. Riêng bệnh nhi này, buồng nhĩ trái xuất hiện một màng ngăn bất thường, chia thành 2 phần khiến bệnh nhi có 3 buồng nhĩ.

Dị tật này khiến quá trình bơm máu của tim luôn ứ trệ, tắc nghẽn vì phải thông qua các lỗ nhỏ trên màng ngăn, lâu dần dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi, suy tim.

Vì vậy, việc siêu âm, phát hiện sớm dị tật có ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe, tính mạng của bệnh nhi, giúp người nhà chủ động đưa bé đến bệnh viện tuyến trên để được phẫu thuật cắt màng ngăn trong tâm nhĩ trái càng sớm càng tốt.

Qua siêu âm tim sàng lọc, bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị dị tật tim khi có 3 buồng nhĩ hiếm gặp. Ảnh: VTC News

Trước đó, qua siêu âm tim sàng lọc, Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ngãi cũng phát hiện một ca u cơ tim đa vị trí nghi ngờ Rhabdomyoma ở bé 5 ngày tuổi. Đây cũng là dị tật tim rất hiếm gặp, chỉ chiếm tỷ lệ 0,1% trong các dị tật tim bẩm sinh.

Bác sĩ Nguyễn Lê Minh Thạnh khuyến cáo, cha mẹ nên cho con siêu âm tim sàng lọc để kiểm tra sớm, từ đó có hướng xử lý và can thiệp kịp thời.

Tin nổi bật