VTV Times đưa tin, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa tiếp nhận nam bệnh nhân N.Đ.T. (65 tuổi, trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) mắc hội chứng hiếm gặp gây tổn thương da, trợt da, nổi mụn nước lan rộng toàn thân.
Cụ thể, bệnh nhân trong thời gian đang sử dụng thuốc theo đơn về cơ xương khớp, người bệnh có kết hợp thêm thuốc điều trị kí sinh trùng. Khi thấy nổi nốt trên da và loét miệng, người bệnh tiếp tục dùng thêm thuốc (không rõ loại) do một phòng khám tư nhân kê. Tình trạng không cải thiện, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
Tại đây, dựa trên bệnh sử, các biểu hiện lâm sàng và các kết quả xét nghiệm máu, người bệnh được chẩn đoán Hội chứng Stevens-Johnson/Lyell do dị ứng thuốc.
Bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi, điều trị. Ảnh: VTV Times
Người bệnh nhân được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc bằng phương pháp lọc máu hấp phụ 3 lần liên tiếp, truyền dịch, corticoid, kháng sinh toàn thân kết hợp điều trị, chăm sóc da, niêm mạc tích cực.
Những ngày đầu, do loét nặng vùng miệng, bộ phận sinh dục… nên người bệnh sinh hoạt khó khăn, luôn phải vệ sinh sạch sẽ khi mụn nước vỡ ra để tránh nhiễm trùng. Đặc biệt, phương pháp lọc máu hấp phụ đã được áp dụng trong 3 ngày liên tiếp nhằm loại bỏ các "chất gây hại" như thuốc và các chất trung gian gây viêm.
Sau một tuần điều trị, tình trạng tổn thương da, niêm mạc đã giảm nhiều, không còn loét miệng, người bênh đã ăn uống được, sức khỏe dần tốt lên. Hiện tại, người bệnh được tiếp tục theo dõi, điều trị và có thể ra viện trong vài ngày tới.
Theo các bác sĩ, hội chứng Stevens-Johnson và hoại tử thượng bì nhiễm độc là những phản ứng do thuốc ít gặp nhưng rất nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh. Tần suất của bệnh trong dân số chỉ khoảng 2/1.000.000 người nhưng tỷ lệ tử vong của bệnh rất cao, tới 5-30%.
Nguyên nhân chủ yếu là do thuốc, trong đó các thuốc hay gặp là allopurinol, carbamazepin, phenytoin, phenobarbital, thuốc chống viêm không steroid, kháng sinh cotrimoxazol, cephalosporin, quinolon… Thường xảy ra sau dùng thuốc 7 ngày - 8 tuần.
Khi dùng thuốc lần thứ hai, triệu chứng có thể xuất hiện trong vòng vài giờ, triệu chứng xuất hiện đầu tiên là ban đỏ, sau đó thương tổn da lan rộng khắp cơ thể, trợt da tổn thương niêm mạc mắt, mũi, miệng, sinh dục… hoại tử và trợt xảy ra ở cả khí quản, phế quản, thận, ruột.
Qua trường hợp này, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần tránh sử dụng các loại thuốc có tiền sử dị ứng. Tránh lạm dụng thuốc khi không thực sự cần thiết.
Khi đi khám bệnh cần cho bác sĩ biết tiền sử dị ứng và các thuốc đang sử dụng để được kê đơn thuốc phù hợp. Khi dùng thuốc, nếu có bất kì biểu hiện bất thường nào cần dừng ngay, liên hệ với bác sĩ và đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh mới đây đã phẫu thuật nội soi cấp cứu lấy dị vật là mảnh xương cá dài nhọn, xuyên thủng đại tràng gây viêm phúc mạc cho bệnh nhân P.H.N. (69 tuổi, trú tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Đáng chú ý, người đàn ông này phát hiện bản thân bị đau bụng hơn 1 tháng trước và đi khám nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh.
Theo bệnh nhân, cách đây hơn 1 tháng, ông thấy bụng dưới đau âm ỉ nên đi khám tại cơ sở y tế gần nhà, được chẩn đoán viêm dạ dày và cho thuốc về uống. Tuy nhiên, tình trạng đau không thuyên giảm nên bệnh nhân tiếp tục đi khám nhiều nơi. Dù vậy, cơn đau bụng vẫn ngày càng tăng khiến ông cùng gia đình vô cùng lo lắng.
Sau đó, ông N. đến Bệnh viện Đa khoa Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khám và bất ngờ phát hiện dị vật trong bụng. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy, gần đại tràng của bệnh nhân có ổ dịch, bên trong xuất hiện dị vật hình que dài. Lúc này, ông N. được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phúc mạc do dị vật xuyên thủng đại tràng và chỉ định phẫu thuật nội soi cấp cứu lấy dị vật.
Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bị viêm phúc mạc do dị vật xuyên thủng đại tràng. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên đưa dụng cụ nội soi kiểm tra vùng giữa đại tràng ngang, phát hiện có khối viêm lớn được mạc nối bọc lại. Khi bóc tách ra có nhiều dịch mủ, ở giữa là dị vật mảnh xương cá dài 3cm đâm xuyên thành ruột.
Sau đó, kíp mổ tiến hành làm sạch ổ áp xe, lấy dị vật ra ngoài, tiếp tục cắt đoạn đại tràng ngang bị áp xe do xương cá đến đoạn ruột lành, tiếp đó các bác sĩ khâu nối ruột phục hồi lưu thông đường tiêu hóa.
Bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng - Trưởng khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Do triệu chứng lâm sàng không rõ ràng, đau bụng vùng hạ vị tùy lúc nên đi khám ở nhiều nơi, nhiều lần bệnh nhân vẫn không ra bệnh. Đến khi đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh thì bệnh nhân được phát hiện có mảnh xương nằm trong bụng hơn 1 tháng, gây viêm phúc mạc khu trú.
Tình trạng này nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì ổ viêm ngày càng lan rộng, vỡ ra thành viêm phúc mạc toàn thể, nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng".
Theo thông tin trên VietNamNet, người phụ nữ 67 tuổi ở xã Xương Thịnh (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) vào bệnh viện huyện cấp cứu trong tình trạng đi ngoài phân lỏng, tức ngực, mất ngủ, tê miệng môi, tê tay chân, người choáng váng.
Tình trạng nói trên xảy ra sau khi bà uống hết 5 lọ thực phẩm chức năng được giới thiệu “chữa bách bệnh”.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet
Bệnh nhân kể, sau nhiều ngày tham dự hội thảo, bà được một công ty ưu đãi bán rẻ cho 20 lọ thực phẩm chức năng. Sau khi sử dụng lọ đầu tiên, người bệnh bị rối loạn tiêu hóa. Đến lọ thứ 5, người bệnh còn cảm thấy tức ngực, mất ngủ, tê miệng môi, tê tay chân, người choáng váng.
Sau 8 ngày điều trị tích cực tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, người bệnh đã hồi phục và được xuất viện.
Bác sĩ cảnh báo người dân khi dùng các loại thuốc cần được sự hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ. Với thực phẩm chức năng, việc sử dụng cũng rất cẩn thận. Người dân có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cần tới cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.