Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 13/5/2024: Ho kéo dài, phát hiện bị lao phổi kháng thuốc

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/5/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 13/5/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Ho kéo dài, phát hiện bị lao phổi kháng thuốc

VTV Times đưa tin, nam bệnh nhân 28 tuổi xuất hiện ho kéo dài 3 tháng, ho nhiều từng cơn, khạc đờm vàng đặc đục, tức ngực hai bên, khó thở, ra mồ hôi trộm, người mệt mỏi, ăn kém, sút cân.

Ở nhà, mua thuốc uống không đỡ, người bệnh đi khám tại Bệnh viện Phổi Trung ương thì phát hiện mắc lao phổi kháng thuốc. Trước đó, người bệnh và gia đình không có tiền sử mắc lao.

Sau khi có kết quả khám bệnh và được bác sĩ tư vấn, người bệnh quyết định về điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ. Tại đây, người bệnh được điều trị theo phác đồ lao kháng thuốc, chăm sóc dinh dưỡng, nâng cao thể trạng. Sau 20 ngày điều trị, sức khỏe người bệnh đã có tiến triển tốt, đáp ứng thuốc, không sốt, ho giảm dần, ăn uống được.

Bác sĩ CKI. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Lao phổi Bệnh viện Phổi tỉnh Phú Thọ cho biết: "Ngay sau khi tiếp nhận người bệnh vào khoa Lao phổi, chúng tôi tiến hành hội chẩn, đánh giá tình trạng kháng thuốc của người bệnh và sử dụng các loại thuốc có tác dụng tối ưu nhất vào phác đồ điều trị cho người bệnh.

Mỗi đợt điều trị thuốc có thể diễn ra trong 9 tháng/đợt hoặc 18 tháng/đợt tùy vào diễn tiến bệnh. Đối với trường hợp này, bước đầu người bệnh đã đáp ứng rất tốt với phác đồ điều trị".

Nam bệnh nhân được thăm khám tại buồng cách ly riêng. Ảnh: VTV Times

Lao kháng thuốc là tình trạng bệnh mà vi khuẩn lao kháng lại các thuốc chống lao, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và bản thân người bệnh trở thành nguồn lây nguy hiểm cho cộng đồng.

Bệnh lao kháng thuốc có thể được chẩn đoán ở cả người chưa bao giờ mắc lao với triệu chứng có thể không khác biệt so với bệnh lao thông thường. Việc mắc lao kháng thuốc sẽ khiến người bệnh đối mặt với tình trạng sức khỏe trầm trọng cùng với việc điều trị tốn nhiều thời gian, tiền bạc.

Để phòng ngừa lây lan cho những người xung quanh và khỏi bệnh, người mắc bệnh lao, trong đó có lao kháng thuốc phải tuân thủ điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đạt hiệu quả cao nhất.

Theo đó, người bệnh không khạc nhổ tùy tiện, phải sử dụng khẩu trang khi nói chuyện và tiếp xúc hàng ngày phòng lây lan bệnh ra cộng đồng. Ngoài ra, những người có tiếp xúc thường xuyên với người bệnh lao nói chung cần chủ động đi khám, xét nghiệm để được tầm soát bệnh lao và sớm được điều trị nếu có bệnh.

Cô gái bị tiêm nhầm dung dịch sữa rửa mặt vào da

Theo VietNamNet, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân (24 tuổi, trú tại Thái Bình) chuyển lên từ tuyến dưới với tổn thương do tiêm nhầm sửa rửa mặt vào da.

Cụ thể, tối 7/5, nữ bệnh nhân này chiết sữa rửa mặt vào túi và mang theo meso cùng dụng cụ tới một spa gần nhà nhờ tiêm. Trong quá trình tiêm, cô gái thấy đau buốt, meso tiêm vào không tan ra như những lần trước, da mặt cứng nên yêu cầu ngừng lại.

Kiểm tra, khách hàng tá hỏa phát hiện bản thân đã bị tiêm nhầm sữa rửa mặt. Ngay sau đó, bệnh nhân tới bệnh viện ở địa phương kiểm tra và được giới thiệu chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. 

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân nhập viện với biểu hiện đau nhức nhiều vùng mặt, gò má phải sưng nhiều, có khối cứng dưới da, dưới mi mắt phải có vùng thâm đen, trán có nhiều điểm sưng tại mũi kim tiêm, bầm tím không đều. Sau nhiều ngày điều trị, tình trạng nữ bệnh nhân đã được cải thiện, bớt sưng.  

Được biết, các thủ thuật được chủ spa tiêm cho nữ bệnh nhân đều thực hiện “chui”. Đây chỉ là cơ sở chăm sóc da thông thường, không phải phòng khám hay thẩm mỹ viện. 

Người đầu tiên được ghép thận lợn biến đổi gen qua đời

Tờ Nhà Báo & Công Luận dẫn thông tin từ AP cho biết, theo thông tin từ gia đình và bệnh viện, ông Richard "Rick" Slayman - người đầu tiên được ghép thận lợn biến đổi gen đã qua đời sau gần hai tháng tiến hành ca phẫu thuật.

Trước đó, vào tháng 3, ông được cấy ghép thận lợn biến đổi gen tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) ở tuổi 62. Các bác sĩ phẫu thuật cho biết họ tin rằng quả thận lợn sẽ tồn tại ít nhất hai năm.

Nhóm cấy ghép tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts chia sẻ, họ vô cùng đau buồn trước sự ra đi của ông Slayman và gửi lời chia buồn tới gia đình ông. Họ nói rằng không thấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy người đàn ông tử vong do quả thận lợn biến đổi gen được cấy ghép.

Gia đình ông Slayman đã gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ: "Những nỗ lực to lớn của nhóm phẫu thuật trong việc tiến hành cấy ghép xenotransplant (cấy ghép khác loài) đã mang lại cho gia đình chúng tôi thêm 7 tuần với ông Rick và những kỷ niệm của chúng tôi trong thời gian đó sẽ vẫn còn trong tâm trí và trái tim chúng tôi".

Chuyên gia lấy thận lợn ra khỏi hộp để chuẩn bị cấy ghép cho ông Richard "Rick" Slayman vào tháng 3. Ảnh: AP

Thận lợn trước đây từng được cấy ghép cho những bệnh nhân chết não. Ông Slayman là bệnh nhân còn sống đầu tiên trên thế giới được ghép thận lợn biến đổi gen. Ngoài thận, Mỹ cũng từng cấy ghép tim lợn cho hai bệnh nhân nhưng cả hai đều qua đời sau chưa đầy 2 tháng.

Ông Slayman mắc bệnh tiểu đường Loại 2 và tăng huyết áp, từng được ghép thận người vào năm 2018 nhưng quả thận bắt đầu ngừng hoạt động sau 5 năm, buộc ông phải chạy thận nhân tạo. Khi xảy ra biến chứng lọc máu đòi hỏi phải phẫu thuật thường xuyên, các bác sĩ đề nghị ghép thận lợn.

Gia đình cho biết, ông Slayman trải qua cuộc phẫu thuật một phần là để mang lại hy vọng cho hàng nghìn người cần ghép tạng để sống sót. "Ông Rick đã hoàn thành mục tiêu đó và niềm hy vọng cũng như sự lạc quan của ông ấy sẽ tồn tại mãi mãi", gia đình nói.

Việc ghép tạng từ loài này sang loài khác là một lĩnh vực đang phát triển, được gọi là cấy ghép dị chủng. Phương pháp này chữa lành bệnh nhân bằng tế bào, mô hoặc cơ quan từ động vật nhưng lại rất khó thực hiện vì hệ thống miễn dịch của con người sẽ ngay lập tức phá hủy mô động vật lạ. Do đó, để phục vụ cho nhu cầu ghép tạng ngày càng tăng, nội tạng lợn thường được biến đổi gen để giống với các cơ quan con người.

Trên toàn nước Mỹ, có hơn 100.000 người nằm trong danh sách đang chờ ghép tạng, hầu hết là bệnh nhân thận. Mỗi năm có hàng nghìn người tử vong trong khi chờ được ghép tạng. 

Tin nổi bật