Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 12/3: Ghim hồ sơ dài gần 2cm đâm thủng thành ruột non, vào trong ổ bụng cô gái

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 12/3/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 12/3/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Ghim hồ sơ dài gần 2cm đâm thủng thành ruột non, vào trong ổ bụng cô gái

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 11/3, bác sĩ Hoàng Việt Dũng – Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Hữu Nghị cho biết, các bác sĩ đã lấy ra ghim hồ sơ dài gần 2 cm trong bụng nữ bệnh nhân 24 tuổi (ở Hà Nội).

Bác sĩ Dũng chia sẻ, bệnh nhân có hiện tượng đau bụng âm ỉ hạ vị, đau tăng, không sốt, bí trung tiện, khám hạ vị ấn đau, có phản ứng. Các bác sĩ tiếp nhận khám và thực hiện chụp CT phát hiện có dị vật đã đâm thủng thành ruột non, vào trong ổ bụng.

Tổn thương là khối mạc nối bọc đoạn ruột non, gỡ ra thấy có giả mạc và ít dịch mủ, thấy một dị vật kim loại, giống đinh ghim. Bác sĩ khẩn trương lấy bỏ dị vật, khâu lỗ thủng nội soi.

Theo bác sĩ Hoàng Việt Dũng, người dân thường bị hóc các dị vật là tăm, xương gà, dao lam, viên thuốc chưa bóc vỏ, thậm chí là bàn chải đánh răng, nắp chai bia… Đa số các trường hợp bị hóc dị vật chủ yếu là người cao tuổi và thường do sơ ý trong quá trình ăn uống.

Dù chỉ là sơ ý nhỏ như vậy nhưng có thể để lại hậu quả lớn cho bệnh nhân. Người hóc dị vật có thể phải trải qua cuộc đại phẫu tốn kém chi phí, thời gian, thậm chí tử vong. Trường hợp bệnh nhân này nếu không mổ kịp thời gặp dị vật ra có thể thủng ruột non gây xuất huyết nội, rất nguy hiểm. Giai đoạn muộn hình thành khối áp xe thì bệnh nhân sẽ bị nhiễm trùng.

Chiếc ghim hồ sơ dài gần 2cm được lấy ra ngoài. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Bác sĩ Dũng nói thêm, hóc dị vật thường theo hai đường: đường ăn hoặc đường thở. Dị vật được nuốt vào theo đường ăn, nếu vật sắc nhọn sẽ mắc lại trong thực quản, cổ hoặc lồng ngực. Bệnh nhân sẽ thấy đau ngực, khó nuốt, khó ăn thậm chí nôn ra máu. Nếu không được lấy ra kịp thời có thể gây lở loét tại nơi bị kẹt, nặng hơn nữa dị vật có thể đâm thủng động mạch chủ gây mất máu ồ ạt.

Dị vật đi vào đường thở do vô ý hít phải sẽ gây khó thở, suy hô hấp, tử vong. Nếu dị vật nhỏ có thể đi sâu vào phế quản gốc hoặc các phế quản thùy phổi gây ho thậm chí ho ra máu.

Đa số các bệnh nhân vị hóc dị vật đều trong trạng thái vô ý mắc phải nên lời khuyên của các bác sĩ là không nên đùa giỡn hay làm nhiều việc cùng lúc khi ăn. Nên ăn uống tập trung, điềm đạm để tránh hóc dị vật.

9 người tử vong sau khi ăn thịt rùa biển

Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ The Guardian cho biết, 8 trẻ em và một người lớn tử vong sau khi ăn thịt rùa biển trên đảo Pemba thuộc quần đảo Zanzibar. Ngoài ra, 78 người khác được đưa đến bệnh viện.

Theo bác sĩ Haji Bakari (ở quận Mkoani), người lớn tử vong trong vụ việc hôm 8/3 được xác định là mẹ của một trong những đứa trẻ tử vong trước đó. Ông cho biết thêm, các nạn nhân ăn thịt rùa biển hôm 5/3. Các xét nghiệm từ phòng thí nghiệm đã xác nhận tất cả nạn nhân đều đã ăn thịt rùa biển.

Giới chức trách ở Zanzibar, khu vực bán tự trị của quốc gia Tanzania ở Đông Phi, đã cử một đội quản lý thảm họa tới địa phương. Người dân địa phương được khuyến cáo tránh ăn rùa biển.

Trước đó, vào tháng 11/2021, 7 người, trong đó có một trẻ 3 tuổi, đã tử vong ở Pemba sau khi ăn thịt rùa và 3 người khác phải nhập viện.

Vắt ký sinh trong mũi bé gái 13 tháng tuổi

Theo thông tin trên VTV Times, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) vừa tiếp nhận một bé gái 13 tháng tuổi (trú tại Bình Thuận) trong tình trạng quấy khóc và chảy máu một bên mũi trái.

Trước đó khoảng 10 ngày, bé được đưa đi dã ngoại và có tắm suối cùng gia đình, 8 ngày sau, bé bắt đầu gặp phải tình trạng chảy máu mũi trái rỉ rả nhiều đợt. Gia đình phát hiện sinh vật lạ lấp ló trong mũi trái của bé nên đưa bé đi khám ở phòng khám tư.

Tại đây, bé được bác sĩ nội soi phát hiện có con vắt trong mũi trái tuy nhiên không lấy ra được, sau đó bác sĩ khuyên gia đình đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để lấy dị vật. Bé được đưa đến viện trong tình trạng chảy máu mũi trái đã cầm, có dị vật động đậy ở cửa mũi trái sau đó chui vào trong hốc mũi.

Bác sĩ trực cho biết vì bé còn quá nhỏ, chưa hợp tác tốt nên việc nội soi ngay lúc này là khá khó khăn. Do đó, ekip quyết định lên kế hoạch gây mê phẫu thuật nội soi lấy dị vật.

Bác sĩ nội soi phát hiện có con vắt trong mũi trái của bệnh nhi. Ảnh: VTV Times

Sau khi đã giải thích rõ cho người nhà về tình trạng của bé, cũng như các nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình gây mê phẫu thuật, bé được làm bộ xét nghiệm tiền mê khẩn và chuẩn bị chuyển phòng mổ.

Các bác sĩ tiến hành nội soi bằng optic 0 độ và lấy con vắt ra khỏi mũi bé. Qua kiểm tra, bác sĩ nhận định không có tổn thương nghiêm trọng và niêm mạc mũi của bé vẫn được bảo tồn. Sau mổ, tình trạng bé ổn định, chơi và bú bình thường.

ThS.BS CKI Nguyễn Minh Trung chia sẻ, dị vật sống (vắt, đỉa…) rất nguy hiểm, nếu để lâu trong mũi có thể gây ra các biến chứng như nhiễm trùng, mất máu… Nghiêm trọng hơn, chúng có thể chui vào các cấu trúc khó tiếp cận như các xoang cạnh mũi, chui xuống họng thanh quản gây ho, khó thở. Do đó. việc phát hiện và loại bỏ sớm dị vật sống là cực kì quan trọng.

Phụ huynh cần hiểu rõ về các loại dị vật và đưa bé đi khám ngay khi nghi ngờ có dị vật mũi như chảy máu mũi, chảy mũi hôi một bên. Ngoài ra, cũng cần hạn chế cho các bé tắm rửa hay uống trực tiếp nước từ sông suối để tránh vắt, đỉa xâm nhập vào cơ thể.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật