Bé gái ở Hà Nội có 2 tử cung
Theo thông tin trên VietNamNet, bé gái sinh năm 2013, là học sinh lớp 5 tại Sóc Sơn (Hà Nội) bị rong kinh kéo dài 1 tháng không dứt. Thấy bất thường, gia đình đưa con đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám.
Bác sĩ khoa Phụ ngoại (A5) quan sát bên ngoài bệnh nhân không có bất thường, tuy nhiên, hình ảnh chụp MRI cho thấy bé gái có 2 buồng tử cung, 2 cổ tử cung, vách ngăn dọc âm đạo không hoàn toàn bên trái, ứ dịch trong lòng âm đạo bên trái.
"Bệnh nhân được kết luận dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục và cần nhập viện, mở thông, tạo hình phần âm đạo bị bịt", PGS.TS Lê Thị Anh Đào - Trưởng khoa Phụ ngoại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết.
Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi. Ảnh: Lao Động
Theo PGS.TS Lê Thị Anh Đào, đây là trường hợp khó can thiệp vì trẻ còn nhỏ, phẫu trường rất bé. Nếu chỉ giải quyết bằng phương pháp mở thông dẫn lưu sẽ gây nhiễm trùng, tạo sẹo dính tại phần mở thông. Điều này đồng nghĩa sẽ gây khó khăn hơn cho những lần phẫu thuật tiếp theo và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của trẻ.
Tử cung đôi là trường hợp phụ nữ có 2 cổ tử cung, một cổ tử cung thông vào âm đạo bình thường, một cổ tử cung thông vào âm đạo dị dạng bị bịt kín (còn được gọi là âm đạo chột). Đây là dị tật đường sinh dục khá nghiêm trọng, có thể dẫn tới ứ máu kinh. Nếu để lâu ngày, tình trạng này sẽ gây viêm nhiễm, thậm chí vô sinh.
Bác sĩ khuyên để tránh những nguy cơ về sức khỏe sinh sản có thể gặp ở tuổi vị thành niên, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách chăm sóc sức khỏe bản thân, quan sát, hỗ trợ và đưa trẻ đi khám kịp thời khi phát hiện ra bất thường.
Nhập viện muộn, bé 14 tuổi phải cắt bỏ tinh hoàn
VTV Times đưa tin, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) vừa tiếp nhận và phẫu thuật cho một ca bệnh đáng tiếc do nhập viện muộn. Cụ thể, bệnh nhi 14 tuổi (sống ở Hà Nội) trước đó 5 ngày đột ngột bị đau tinh hoàn trái nhưng bệnh nhi cố chịu, đến khi đau không chịu được nữa mới nói với bố mẹ đưa đi khám. Bệnh nhi được chẩn đoán bị xoắn tinh hoàn có chỉ định mổ cấp cứu.
Mặc dù rất khẩn trương tiến hành phẫu thuật cấp cứu, tuy nhiên bệnh nhân đến nhập viện ở giai đoạn muộn, khi phẫu thuật vừa bộc lộ thì tinh hoàn đã tím đen, xoắn vặn 2 vòng, không còn khả năng bảo tồn, buộc phải cắt bỏ.
Tinh hoàn giữ 2 chức năng quan trọng: Ngoại tiết sản xuất tinh trùng, nội tiết sản xuất hormone nam giới, 95% testosterol được tạo ra ở tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn là bệnh lý ít gặp nhưng nếu không phát hiện sớm sẽ gây biến chứng nhồi máu, hoại tử, áp xe tinh hoàn gây ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung, đặc biệt là sức khỏe sinh sản nói riêng.
Bác sĩ CKI Nguyễn Quang Huy - khoa Ngoại tổng hợp khuyến cáo, đau tinh hoàn đột ngột, dữ dội, tinh hoàn bị treo cao... là những biểu hiện mà các bạn nam cần đặc biệt lưu ý và cần đi khám sớm tại các cơ sở y tế để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
Các em nhỏ khi có dấu hiệu đau tinh hoàn phải báo ngay cho bố mẹ để được đi khám sớm nhất. Bố mẹ cũng nên để ý tới các con khi thấy dấu hiệu bất thường.
Điều trị tích cực bảo tồn cánh tay cho người đàn ông 70 tuổi
Theo VTV Times, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An vừa điều trị tích cực bảo tồn cánh tay do viêm mô tế bào nặng cho nam bệnh nhân 70 tuổi.
Được biết, cách thời điểm nhập viện khoảng 4 ngày, trong một lần đang làm việc, bệnh nhân bị vết bỏng nhỏ ở ngón tay út bàn tay trái. Thấy vết thương không lớn, bệnh nhân tự xử lý tại nhà và tiếp tục làm việc trong môi trường nước không sạch (lội mương).
Sau đó, vết thương sưng đỏ, đau nhức dữ dôi, vết loét lan rộng dần lên đến cổ tay. Nhận thấy cơn đau không thuyên giảm và có dấu hiệu nặng hơn, người nhà đã quyết định đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Long An.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng vết thương ngón út bàn tay trái rỉ dịch đục, sưng tấy đỏ lan đến cổ bàn tay, nổi bóng nước vùng cẳng bàn tay trái, các đầu ngón hồng, bàn tay ấm, cảm giác và vận động tốt. Qua khai thác thông tin bệnh sử và thăm khám, bệnh nhân hiện đang bị gout và tăng huyết áp.
Bác sĩ thăm khám cho người bệnh. Ảnh: VTV Times
Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên khoa, nhận định đây là trường hợp nhiễm trùng rất nặng diễn tiến rất nhanh, có nguy cơ nhiễm trùng huyết, cần sử dụng kháng sinh mạnh, theo dõi sát tình trạng bệnh nhân. Đồng thời, giải thích, tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân về quyết định tiến hành phẫu thuật cắt lọc mô nhiễm trùng.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được đưa về khoa để theo dõi, chăm sóc thay băng vết thương hàng ngày. Tình trạng vết thương đã được cải thiện, hết nhiễm trùng và bệnh nhân đã được xuất viện.
Bác sĩ CKI Nguyễn Tuấn Khanh - Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, nhiều trường hợp từ một vết thương rất nhỏ nhưng không được xử trí ban đầu tốt nên bị nhiễm trùng. Đặc biệt với viêm mô tế bào là bệnh nhiễm trùng da và mô mềm dưới da do vi khuẩn.
Viêm mô tế bào có biểu hiện đặc trưng là một vùng da bị viêm quầng trở nên sưng, nóng, đỏ và đau, gây hoại tử lan rộng, diễn tiến rất nhanh. Nếu chậm trễ xử lý, bệnh nhân có thể tử vong do sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo, để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn từ các vết thương, nếu bị vết thương, mọi người nên đến cơ sở y tế để được đánh giá và xử lý vết thương đúng cách, đặc biệt đối với những bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh nền. Cần đến ngay cơ sở y tế để tiến hành kiểm tra nếu xuất hiện tình trạng nhiễm trùng thông qua các biểu hiện như vết thương không lành, sưng đỏ và viêm.
Đinh Kim (T/h)