Bé trai 12 tuổi ở Bắc Ninh mắc bệnh Whitmore
VTV đưa tin trường hợp mắc bệnh Whitmore là nam, 12 tuổi, trú tại phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh, khoảng ngày 19/1/2024, bệnh nhi xuất hiện khối sưng to, nề, đỏ đau vùng đùi trái kèm theo sốt, ở nhà dùng thuốc không đỡ, bệnh nhi vào Trung tâm Y tế thị xã Thuận Thành ngày 29/1/2024.
Bệnh nhi được chẩn đoán áp xe đùi trái/Sốt không rõ nguyên nhân, điều trị bằng kháng sinh, giảm đau và chích rạch áp xe. Tuy nhiên, sau 2 tuần điều trị, tình trạng không cải thiện bệnh nhi vẫn sốt và hạch bẹn trái sưng to.
Ngày 8/2/2024, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh điều trị. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán áp xe đùi trái và được mổ chích rạch áp xe, điều trị kháng sinh, giảm đau. Thế nhưng, bệnh nhi vẫn còn sốt 40 độ C, đau đầu và xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn huyết.
Ngày 17/2/2024, bệnh nhi tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Bệnh nhi được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết/áp xe hố chậu trái. Bệnh nhi được chỉ định mổ dẫn lưu ổ áp xe ngày 22/2/2024, lấy dịch ổ áp xe làm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn ra trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei. Hiện tại, bệnh nhi ổn định, đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bé trai 12 tuổi ở Bắc Ninh mắc bệnh Whitmore. Ảnh minh họa: VTV Times
Được biết, 9 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng khởi phát, ngày 10/1/2024, bệnh nhi có đi ngoại khóa do nhà trường tổ chức. Trong quá trình tham gia ngoại khóa tại khu tiểu đoàn tên lửa 123, bệnh nhi có bị ngã, sinh ra vết thương ở vùng kẽ ngón chân trái.
Trong quá trình dã ngoại tại đây, bệnh nhi có đi chân đất, không mang giày dép, trời mưa phùn. Đến cuối ngày, bệnh nhi về nhà được mẹ tự mua thuốc, cồn về rửa vết thương.
Tại gia đình, bệnh nhi không chơi đùa, làm việc tiếp xúc với đất hoặc nước bùn. Xung quanh khu vực bệnh nhi ở và những trường hợp cùng tham gia ngoại khóa không có ai biểu hiện/mắc bệnh tương tự.
Laptop phát nổ khi đang sạc, bé 13 tuổi bị đa chấn thương nặng
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, sáng sớm 8/3, thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, tại đây vừa tiếp nhận cấp cứu bệnh nhi T.G.P (nam, 13 tuổi, ở Hải Dương) bị đa chấn thương do laptop đang sạc pin khi trẻ sử dụng để học bài bất ngờ phát nổ.
Các bác sĩ cho biết, nam bệnh nhi 13 tuổi được chuyển từ bệnh viện tuyến dưới lên trong tình trạng hôn mê, thở máy, toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ và một nửa ngực trên đầy vết thương do các mảnh vỡ của laptop găm vào.
Qua quá trình khám cấp cứu, TS.BS Nguyễn Xuân Hòa – bác sĩ Cột 1 tua trực cấp cứu ngày 6/3 cho biết, người bệnh bị đa chấn thương, bao gồm chấn thương sọ não: chảy máu não thất, tụ máu trong sọ, dị vật trong não thất; chấn thương hàm mặt: vết thương hàm mặt phức tạp, gãy xương hàm dưới, chấn thương nhãn cầu hai bên.
Ngoài ra còn chấn thương ngực với nhiều vết thương phần mềm thành ngực, tràn máu, tràn khí màng phổi hai bên. Cùng đó, chấn thương chỉnh hình khiến bệnh nhi dập nát cẳng tay trái, đa vết thương phần mềm tay phải.
Ngay lập tức, người bệnh được thực hiện các đánh giá chuyên môn và hội chẩn đa chuyên khoa: Chấn thương Hàm mặt, Chấn thương Sọ não, Chấn thương Lồng ngực, Chấn thương Mắt, Chấn thương Chỉnh hình. Các ekip của Bệnh viện đã được triển khai, liên tục phối hợp đánh giá, hội chẩn và phẫu thuật các tổn thương phức tạp của người bệnh.
Bệnh nhân được theo dõi, hồi sức tích cực tại khoa Hồi sức tích cực I Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Ekip khoa Phẫu thuật Ngoại Tim mạch - Lồng ngực đã tiến hành đặt dẫn lưu màng phổi hai bên ngay khi bệnh nhân nhập viện. Sau khi ổn định mạch và huyết áp, người bệnh được xử lý đa vết thương phức tạp hàm mặt đồng thời lấy bỏ dị vật, cố định ổ gãy xương hàm dưới bởi ekip phẫu thuật khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ.
Tiếp theo đó, ekip khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao đã tiến hành phẫu thuật cắt cụt 1/3 dưới cánh tay trái, cắt lọc, xử lý đa vết thương tay phải.
Cùng hội chẩn với tua trực cấp cứu thời điểm đó của Bệnh viện Việt Đức có sự tham gia của bác sĩ Bệnh viện Mắt Trung ương, các bác sĩ đã tiến hành múc nội nhãn hai mắt, lấy bỏ toàn bộ tổ chức nội nhãn còn lại và máu đông.
Sau khi được phẫu thuật cấp cứu, người bệnh được chuyển đến theo dõi, hồi sức tích cực tại khoa Hồi sức tích cực I Bệnh viện Việt Đức.
Gặp biến chứng khi điều trị basedow không đúng cách
Báo Công An Nhân Dân dẫn thông tin từ Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho hay, bệnh nhân N.T.H (SN 1970, trú tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) mắc bệnh basedow đã 20 năm nhưng tự ý uống thuốc hoocmon tuyến giáp là berlthyrox thay cho kháng giáp tổng hợp là basethyrox.
Điều này dẫn đến người bệnh bị cơn bão giáp trạng, nhiễm độc giáp do berlthyrox, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Theo ThS.Tôn Thất Kha - Trưởng Khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Nội tiết Trung ương, hiện tại trên thị trường Việt Nam có thuốc basethyrox - là thuốc kháng giáp tổng hợp dùng để điều trị bệnh basedow rất dễ nhầm lẫn với thuốc berlthyrox. Vì vậy, người mắc bệnh basedow cần hết sức lưu ý khi sử dụng thuốc.
Điều trị bệnh Basedow không đúng cách, bệnh nhân bị cơn bão giáp trạng, nhiễm độc giáp do berlthyrox, gây nguy hiểm đến tính mạng. Ảnh: Công An Nhân Dân
Berlthyrox là thuốc để thay thế hooc môn tuyến giáp, nếu sử dụng nhầm thuốc này sẽ làm cho tình trạng nhiễm độc giáp ở bệnh nhân basedow nặng lên dẫn đến cơn bão giáp trạng và nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân.
Cơn bão giáp trạng hay còn gọi là cường giáp kịch phát là tình trạng nhiễm độc giáp xuất hiện kịch phát (do mất bù cường giáp) gây nguy hiểm đến tính mạng và người bệnh cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Mặc dù rất hiếm gặp nhưng bệnh nhân lên cơn cường giáp kịch phát nếu không được điều trị kịp thời sẽ phải đối mặt với nguy cơ tử vong cao.
Theo thống kê tại các trung tâm y tế hiện đại trên thế giới, đối với các trường hợp trên, tỷ lệ tử vong cũng rất cao, lên tới khoảng 60% -70%.
Đây là một căn bệnh nguy hiểm, đe dọa ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh nên bệnh nhân ngay khi có dấu hiệu nhận biết và chẩn đoán cần được điều trị sớm.
Đinh Kim (T/h)