Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 6/3: Hà Nội ghi nhận 9 ca mắc ho gà từ đầu năm đến nay, Sở Y tế khuyến cáo gì?

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 6/3/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 6/3/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Hà Nội ghi nhận 9 ca mắc ho gà từ đầu năm đến nay, Sở Y tế khuyến cáo gì?

Tạp chí Tri Thức dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết trong 2 tuần liên tiếp gần đây, Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc ho gà. Cụ thể, mỗi tuần có thêm 3 ca bệnh được ghi nhận. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 9 ca mắc ho gà, trong khi cùng kỳ năm 2022 và 2023 không ghi nhận bệnh nhân.

Đáng chú ý, đa số trẻ mắc ho gà đều chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ số mũi vaccine phòng bệnh. Trong đó, bé gái 5 tuần tuổi (ở Phúc Thọ, Hà Nội) khởi phát bệnh với triệu chứng ho từng cơn, khò khè. Sau đó, cơn ho tăng dần, kéo dài 2-3 phút và sau ho xuất hiện hiện tượng tím tái, toát mồ hôi. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi dương tính với ho gà. Trường hợp này chưa tiêm vaccine phòng bệnh.

Tương tự, bé trai 5 tuần tuổi (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng chưa tiêm vaccine. Bệnh nhi khởi phát bệnh với triệu chứng ho rũ rượi, nhiều đờm, sốt nhẹ và kết quả dương tính với ho gà.

Việc tiêm phòng vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Ảnh minh họa: Healthline

Ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn.

Bệnh ho gà rất đặc trưng với cơn ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà. Cuối cơn ho, người bệnh thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Bệnh thường gây ra tình trạng thiếu oxy cho cơ thể dẫn tới nhiều biến chứng như suy hô hấp, viêm phổi, thiếu oxy não, viêm não, xuất huyết kết mạc, thậm chí gây tử vong nếu không phát hiện và điều trị sớm, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Để phòng bệnh, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo việc tiêm phòng vaccine có thành phần ho gà là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất. Trẻ được tiêm mũi 1 khi 2 tháng tuổi (có thể tiêm sớm lúc 6 tuần tuổi); mũi 2 khi 3 tháng tuổi; mũi 3 khi 4 tháng tuổi; mũi 4 lúc 18 tháng tuổi.

Bên cạnh việc tiêm phòng, người dân cần bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng. Gia đình cần thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân cho trẻ như che mũi, miệng khi hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cho trẻ hàng ngày.

Khi thấy trẻ có dấu hiệu mắc bệnh như ho nhiều, ho có tím tái, ăn nôn trớ, ngủ ít, thở nhanh hoặc khó thở…, phụ huynh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, cách ly và điều trị.

Mổ nội soi cấp cứu bé 6 tuổi bị thủng ruột non vì nuốt phải dị vật cứng

Báo Quảng Ngãi đưa tin các bác sĩ khoa Ngoại Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi đã mổ nội soi cấp cứu thành công cho bệnh nhi 6 tuổi bị thủng ruột non, do nuốt phải dị vật cứng.

Cụ thể, bệnh nhi T.A ở phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được chuyển đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu trong tình trạng đau bụng âm ỉ quanh rốn, đau nhiều ở vùng hố chậu.

Kết quả siêu âm cho thấy bệnh nhân bị viêm ruột thừa và dị vật vùng hồi manh tràng. Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật nội soi lấy dị vật.

Quá trình nội soi thấy ruột thừa sung huyết ở hố chậu phải, ổ bụng nhiều dịch, các bác sĩ đã thực hiện rửa bụng, tìm thấy dị vật giống răng lược (lược chải tóc) đâm thủng ruột non vị trí ở góc hồi manh tràng gần gốc ruột thừa.

Các bác sĩ đã tiến hành lấy dị vật ra khỏi lòng ruột non, khâu lỗ thủng, cắt ruột thừa viêm thứ phát, lau rửa và đặt dẫn lưu ổ bụng. Sau mổ, bệnh nhi không còn đau bụng, tỉnh táo, sức khỏe ổn định.

Bác sĩ CKI Phạm Xuân Duy - Trưởng Khoa Ngoại, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết, phẫu thuật nội soi giúp vết mổ nhỏ, thẩm mỹ, ít đau và thời gian phục hồi nhanh chóng.

“Phụ huynh có con nhỏ nên chú ý đến việc trẻ ăn uống, hạn chế cho trẻ chơi, ngậm các vật sắc nhọn như tăm, lược… Khi trẻ có triệu chứng đau bụng, phụ huynh cần nhanh chóng đưa con đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên môn nhi và phương tiện máy móc đầy đủ để kịp thời xử lý”, bác sĩ Duy khuyến cáo.

Cứu người đàn ông nguy kịch do vỡ mạch máu não

Theo báo Người Lao Động, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết vừa cứu ông P.P (58 tuổi, quốc tịch Campuchia) nguy kịch do vỡ mạch máu não. Ông P. nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, buồn nôn, không xảy ra tình trạng yếu liệt tay chân. Ông có tiền sử bệnh huyết áp nhưng không điều trị thường xuyên, khi đang ăn cơm tối cùng gia đình thì khởi phát các triệu chứng nói trên.

Tại bệnh viện quê nhà, các bác sĩ đã tiến hành chụp CT scan sọ não phát hiện tình trạng vỡ túi phình động mạch cảnh trong trái, chẩn đoán xuất huyết dưới nhện và tư vấn nên qua Thái Lan để can thiệp cho gần. Tuy nhiên, gia đình quyết định đưa ông sang Việt Nam để chữa trị.

Bệnh nhân phục hồi tốt sau can thiệp. Ảnh: Người Lao Động

Tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, kết quả chụp lại CT scan sọ não cho thấy máu trong khoang dưới nhện đã hấp thu một phần, túi phình động mạch cảnh trong trái kích thước lớn, nhiều thùy, bờ không đều và có nhú vỡ. Đánh giá nguy cơ tái vỡ rất cao, các bác sĩ chỉ định tắc túi phình càng sớm càng tốt.

ThS.BS Phạm Định Chương - Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết bệnh nhân có túi phình kích thước 5.2x4.5mm, đường kích cổ 3.2mm. Ngoài ra, còn thêm 1 túi phình kích thước nhỏ nằm ngay sát túi phình vỡ.

Qua 1 giờ, các bác sĩ thả tổng cộng 7 coils (các vòng xoắn kim loại) vào trong để tắc hoàn toàn túi phình, bảo tồn các mạch máu. Sau can thiệp, ông P. phục hồi tốt, tỉnh táo, giảm đau đầu, không yếu liệt tay chân, đã có thể vận động đi lại, sinh hoạt bình thường.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật