Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 4/3: Áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết cứu bệnh nhân bị kẹt van tim nhân tạo

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 4/3/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 4/3/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Áp dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết cứu bệnh nhân bị kẹt van tim nhân tạo

Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, các bác sĩ khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa thực hiện ứng dụng thành công phương pháp tiêu sợi huyết liều thấp cho bệnh nhân (từng mổ thay van tim) bị huyết khối gây kẹt van nhân tạo cơ học. Theo đó, lá van bị tắc nghẽn đã được xử lý, hồi sinh lại nhịp đập cho bệnh nhân.

Được biết, bệnh nhân là bà T.T.O. (63 tuổi, ở phường Hà Lầm, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh), từng mắc bệnh lý van tim và được phẫu thuật thay van nhân tạo cơ học từ năm 2019. Sau khi thay van tim, sức khỏe của bà O. hồi phục tốt.

Tuy nhiên trước khi được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, vài ngày trước đó, khi đang ở nhà, bà O. đột ngột khó thở kéo dài, tím môi, phù hai chân dưới. Qua khai thác tiền sử, người bệnh cho biết khoảng một năm nay không tái khám định kỳ, thuốc chống đông sử dụng không thường xuyên.

Ngay sau khi vào viện, các bác sĩ tiến hành thăm khám nghe tiếng van cơ học mờ, kết quả xét nghiệm liều chống đông không đạt, siêu âm tim cấp cứu phát hiện cánh van hai lá cơ học di động kém. Bệnh nhân được chẩn đoán kẹt cấp van hai lá cơ học trên nền bệnh nhân phẫu thuật thay van tim.

Van hai lá cơ học qua hình ảnh mô phỏng. Ảnh: Dân Việt

Nhận định đây là ca bệnh hiếm gặp ngay cả với tuyến trung ương, các bác sĩ khoa Tim mạch đã hội chẩn kỹ lưỡng để cân nhắc phương án điều trị tối ưu cho người bệnh.

Đánh giá việc phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân không khả thi do tuổi cao sức yếu, lại mới mổ tim hơn 4 năm, xương ức yếu, các nguy cơ trong cuộc mổ rất cao trong khi tình trạng kẹt van tim cấp tính phải xử trí gấp, các bác sĩ quyết định sử dụng phác đồ tiêu sợi huyết liều thấp để xử lý ca bệnh này.

Sau truyền thuốc tiêu sợi huyết 6 giờ, tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện tích cực, người bệnh đỡ khó thở, dần tự thở không cần máy trợ thở. Siêu âm tim kiểm tra thấy van hoạt động bình thường trở lại. Sau 1 tuần điều trị, sức khỏe tiến triển tích cực, hết đau ngực, khó thở, kết quả xét nghiệm đạt liều chống đông, bệnh nhân ổn định được ra viện.

ThS.BS Ngô Văn Tuấn - Phó trưởng khoa phụ trách khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Đây là ca đầu tiên bệnh viện áp dụng phương pháp tiêu sợi huyết để cứu bệnh nhân kẹt van tim. Dù chưa từng gặp trường hợp nào trước đó, song với những kiến thức chuyên môn đã được tiếp thu, trau dồi từ các đợt đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tim mạch tuyến trung ương, chúng tôi đã nghĩ ngay đến bệnh nhân O. bị huyết khối gây kẹt van tim nhân tạo cơ học.

Từ bệnh cảnh lâm sàng của bệnh nhân không thăm khám định kỳ trong gần một năm, cùng với đó là việc dùng thuốc chống đông không đều đặn, liều dùng không đạt đích điều trị nên nguy cơ hình thành huyết khối cao.

Một ca bệnh chưa từng có tiền lệ trước đó nên chúng tôi hội chẩn kỹ lưỡng, cẩn trọng tính toán liều tiêu sợi huyết an toàn, hạn chế cho người bệnh, giúp bệnh nhân hồi phục tốt, đặc biệt là tránh được cuộc mổ lại nặng nề, giảm bớt gánh nặng chi phí điều trị cho người bệnh”.

Bé 15 tuổi bị toan ceton do đái tháo đường type 2, béo phì

VTV Times đưa tin, khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng vừa tiếp nhận một trường hợp toan ceton do đái tháo đường type 2 ở trẻ béo phì. Cụ thể, bệnh nhi D.T.A. (15 tuổi) được gia đình đưa đến Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng trong tình trạng mệt, nôn nhiều và khó thở.

Gia đình cho biết, khoảng 1 tháng nay, bệnh nhi có tình trạng khát nước nhiều, tiểu nhiều, gầy sút 20kg (từ 114kg xuống 94kg, BMI: 29). Các bác sĩ nhanh chóng thăm khám, tiến hành hồi sức, làm các xét nghiệm và kết luận bệnh nhi bị toan ceton do đái tháo đường type 2, béo phì.

Sau 8 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhi tỉnh táo, sức khỏe ổn định, đường máu được kiểm soát tốt.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ cảnh báo, thừa cân, béo phì đang gia tăng ở trẻ em và gây nhiều nguy cơ cho sức khỏe như đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, dậy thì sớm, viêm tụy cấp, ngừng thở khi ngủ…

Trẻ có chỉ số khối cơ thể BMI cao so với tuổi, giới cần được thăm khám sức khỏe định kì để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý trên.

Nên cho trẻ có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ ngọt, thức ăn nhanh; thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để giảm nguy cơ bị thừa cân, béo phì và các biến chứng khác.

Chó vô chủ chạy vào trường học cắn 14 người bị thương

Theo thông tin trên VTV Times, một con chó chạy rông không xác định được chủ nuôi, chạy vào trường học cắn và làm bị thương 14 người (1 thầy giáo, 13 học sinh).

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Trường TH&THCS Dực Yên đã phối hợp với Trạm Y tế xã Dực Yên (Đầm Hà, Quảng Ninh) thực hiện xử lý vết thương và hướng dẫn người bệnh đến trung tâm y tế huyện để tiêm phòng dại. 

Cùng ngày, con chó đã được bắt lại và lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính với virus dại (ngày 29/2/2024). Hiện, 14 trường hợp bị chó cắn đều đã được tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh. 

Kết quả rà soát tính đến ngày 1/3/2024, trên địa bàn xã Dực Yên không xác định thêm trường hợp phơi nhiễm liên quan đến con chó bị dại.

Các trường hợp bị chó cắn đều đã được tiêm vaccine và huyết thanh phòng bệnh. Ảnh minh họa: VnExpress

Nhằm khẩn trương xử lý ổ dịch dại và hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm cho người dân, đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành giám sát, chỉ đạo và hỗ trợ chuyên môn đối với công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Đầm Hà.

Tại Quảng Ninh, từ đầu năm 2024 đến nay, chưa ghi nhận ca mắc dại trên người. Tuy nhiên, ghi nhận 483 trường hợp tiêm dự phòng phơi nhiễm dại và 3 ổ dịch dại trên chó tại xã Tân Bình, xã Dực Yên và thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà).

Các ổ dịch vẫn đang tiếp tục được kiểm soát, các trường hợp liên quan đều được theo dõi và thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật