Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 2/3: Người phụ nữ bị áp xe sau khi tiêm filler để "nâng cấp vòng 3”

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 2/3/2024. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 2/3/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người phụ nữ bị áp xe sau khi tiêm filler để "nâng cấp vòng 3”

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ThS.BS Tạ Thị Hà Phương - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và Phục hồi chức năng Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, các bác sĩ vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ (37 tuổi) bị áp xe sau khi tiêm filler (chất làm đầy) vào mông.

Trước đó, bệnh nhân có tiêm filler để nâng cấp vòng 3 tại một cơ sở của người quen, không rõ được tiêm loại thuốc gì. Sau tiêm 2 ngày, bệnh nhân xuất hiện khối sưng, nóng, đỏ, đau vùng mông, kèm các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt. Bệnh nhân tự sử dụng thuốc kháng sinh và hạ sốt tại nhà nhưng các triệu chứng không thuyên giảm.

Sau khi xuất hiện các biểu hiện chảy dịch, chảy mủ, bệnh nhân mới đến khám tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler. Nguyên nhân do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng và sử dụng các sản phẩm filler không an toàn của những người không có chuyên môn.

Tiêm filler chỉ thực sự an toàn và có hiệu quả khi được thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn. Ảnh minh họa: FDA

Theo ThS.BS Tạ Thị Hà Phương, đây là biến chứng hay gặp ở những người tiêm filler tại các cơ sở không uy tín. Để điều trị ca bệnh này, bác sĩ đã phẫu thuật chích rạch áp xe, điều trị kháng sinh toàn và chăm sóc tại chỗ cùng hỗ trợ tâm lý cho người bệnh. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.

Chuyên gia da liễu cho biết thêm, hiện nay, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, đời sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng lớn. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao đó, rất nhiều spa – thẩm mỹ viện ra đời, song song với những cơ sở có chất lượng chuyên môn cao, được thẩm định và kiểm tra kỹ càng thì còn tồn tại rất nhiều cơ sở mở "chui", kỹ thuật viên không được đào tạo bài bản, thậm chí không có chuyên môn về y tế vẫn ngang nhiên thực hiện các thủ thuật xâm lấn lên người khách hàng.

Bệnh viện Da liễu Trung ương từng ghi nhận rất nhiều trường hợp là hậu quả của những spa "chui" này, hầu hết do tâm lý ham giá rẻ, tin vào những lời chèo kéo "ngọt ngào" trên internet để rồi "tiền mất tật mang". Trong các bệnh nhân vào viện, biến chứng sau tiêm filler chiếm một số lượng tương đối lớn.

"Tiêm filler hay tiêm chất làm đầy là thủ thuật tiêm đưa hợp chất có tác dụng làm đầy tự nhiên đến vị trí tại các nếp gấp và mô trên khuôn mặt để làm giảm sự hiện diện của nếp nhăn và hồi phục sự căng đầy trên khuôn mặt, giảm dần các dấu hiệu lão hóa theo thời gian.

Tuy nhiên, tiêm filler chỉ thực sự an toàn và có hiệu quả khi được thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn, khi khách hàng chọn những cơ sở không được cấp giấy phép, nguy cơ tai biến rất cao có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề", ThS.BS Tạ Thị Hà Phương nói.

Người đàn ông 64 tuổi nhiễm có dấu hiệu nhiễm độc thạch tín

Báo Công An Nhân Dân dẫn thông tin từ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, Khoa điều trị bệnh da nam giới của bệnh viện vừa tiếp nhận nam bệnh nhân N.Đ.T (64 tuổi), nhập viện với chẩn đoán ung thư tế bào gai – vảy nến và theo dõi nhiễm độc asen mạn tính.

Theo lời kể của nam bệnh nhân, ông có thói quen sử dụng nước giếng khoan thường xuyên trong sinh hoạt và có dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Loại thuốc ông sử dụng nhiều năm là thuốc đông y dạng viên, đựng trong gói nilon, không có nhãn hiệu và được quảng cáo có tác dụng trị hoàn toàn dứt điểm bệnh vảy nến.

Qua thăm khám, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có các dấu hiệu của nhiễm độc thạch tín (asen) mạn tính, rất có thể nguyên nhân xuất phát từ thói quen sử dụng nước giếng khoan và uống thuốc không rõ nguồn gốc trong nhiều năm.

Tổn thương dày sừng từng điểm lòng bàn tay, bàn chân ở người nhiễm độc asen. Ảnh: Công An Nhân Dân

Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Thu - Phó Trưởng khoa điều trị bệnh da nam giới chia sẻ, biểu hiện thường gặp trên da của nhiễm độc asen mạn tính bao gồm: Thay đổi sắc tố da, dày sừng từng điểm lòng bàn tay bàn chân, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều tổn thương ung thư tế bào gai.

Asen có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua đường hô hấp, tiêu hóa hoặc hấp thụ qua da thông qua sử dụng nguồn nước ngầm có nhiễm asen, một số loại dược phẩm và sản xuất công nghiệp. Trong tự nhiên, nồng độ asen trong nước ngầm, nước giếng khoan người dân hay dùng cao hơn nhiều so với nguồn nước đến từ sông hồ.

Các bác sĩ lưu ý, nếu mắc các bệnh lý mạn tính như: Vảy nến, hen phế quản, pemphigus…, người dân tuyệt đối không tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc vì có thể trong thuốc đó có chứa trộn asen vào.

Ngoài ra, nó có thể là thành phần trong các sản phẩm trang điểm như phấn mắt, bút kẻ lông mày hoặc son môi... Vì vậy, khi lựa chọn các sản phẩm làm đẹp, người dân cần chú ý kĩ tới nguồn gốc và nơi sản xuất.

Nếu gặp bất kì triệu chứng như nốt sần ở lòng bàn tay bàn chân, da thô ráp, thay đổi sắc tố da... kèm theo thói quen sử dụng nước giếng khoan, uống thuốc không rõ nguồn gốc nhiều năm, người dân cần gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu khám, chẩn đoán và điều trị sớm nhất để tránh tiến triển thành ung thư da.

Mảnh xương nằm trong phế quản cụ bà 71 tuổi suốt 2 năm

Theo báo Kinh Tế & Đô Thị, Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ cho hay, các bác sĩ của bệnh viện vừa thực hiện ca nội soi cho bệnh nhân 71 tuổi với mảnh xương dài hơn 2cm nằm trong phế quản đã 2 năm.

Trước đó, ngày 26/2, cụ bà L.T.H.N. (71 tuổi, quê ở tỉnh Thái Bình) được chuyển đến từ bệnh viện chuyên khoa trên địa bàn thành phố với tình trạng ho kéo dài, theo dõi viêm phổi trên tiền sử lao phổi kèm nghi ngờ có dị vật đường thở chưa rõ loại.

Bệnh nhân cho biết, bản thân không rõ bản thân bị hóc xương hay không và bị từ khi nào. Người bệnh chỉ nhớ, cách đây khoảng 2 năm bắt đầu xuất hiện ho nhiều, kéo dài, tăng lên mỗi khi gắng sức, đã điều trị nhiều nơi không giảm. Bệnh nhân nghĩ do mình bị lao phổi chưa hết.

Sau khi tiến hành thăm khám kỹ, dưới sự điều hành của bác sĩ CKII Triệu Anh Đệ - Trưởng khoa Nội Tổng hợp, người bệnh được chỉ định nội soi để gắp dị vật.

Bác sĩ thăm khám cho người bệnh sau khi dị vật được lấy ra. Ảnh: Kinh Tế & Đô Thị

Cuộc nội soi tiến hành trong 30 phút, trên hình ảnh nội soi tại vị trí phế quản trung gian thuỳ dưới phổi phải bị tắc bán phần do dị vật, bề mặt phế quản có viêm, xung huyết và phát hiện có dị vật. Sau rất nhiều nỗ lực, các bác sĩ đã lấy ra được dị vật là mảnh xương dài hơn 2cm.

Theo bác sĩ CKI. Trần Ngọc Lợi - khoa Nội Tổng hợp cho biết, trong suốt thời gian dài bị hóc dị vật làm bệnh nhân ho và viêm phế quản mạn tính. Nếu dị vật để quá lâu sẽ gây viêm phổi, áp xe phổi và các biến chứng nguy hiểm khác.

Do vậy, người dân khi có vấn đề bất thường ở đường thở cần được thăm khám tại cơ sở y tế uy tín có chuyên khoa để sớm phát hiện và có hướng điều trị kịp thời.

Khi vô tình bị hóc dị vật tuyệt đối không tự lấy dị vật bằng bất cứ cách nào cũng như chủ quan bỏ qua việc lấy dị vật. Hãy đến các cơ sở y tế để được thăm khám, can thiệp điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe.   

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật