Phát hiện con đỉa còn sống dài 6cm trong cổ họng người đàn ông
Báo Hà Nội Mới đưa tin chiều 28/2, ThS.BS Hà Mạnh Hùng - Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Răng Hàm Mặt - Mắt Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết, tại đây vừa tiếp nhận khám, điều trị cho bệnh nhân B.V.Đ (53 tuổi, trú tại huyện Thạch Thất, Hà Nội). Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng khàn tiếng và vướng cổ.
Bệnh nhân cho hay, một tháng trước đó, ông đi bẫy chuột và bị đứt tay. Ông vặt nắm cỏ nhai để bịt vào vết đứt. Về nhà, ông thấy vướng họng, đau rát họng, cảm giác có con vật ngọ nguậy trong họng.
Khi soi gương, ông thấy một phần vật thể màu nâu đen động đậy, kèm theo có biểu hiện khàn tiếng, có lúc mất tiếng. Bệnh nhân không khó thở, không sốt, không buồn nôn, có đôi lúc ho khạc ra ít máu lẫn trong nước bọt.
Theo bác sĩ Hà Mạnh Hùng, đây là ca bệnh dị vật sống đường thở ít gặp. Sau khi nội soi tai mũi họng, các bác sĩ phát hiện “dị vật sống” ở thanh quản, chân bám chặt phía dưới hạ thanh môn gần khí quản.
Dị vật là một con đỉa suối đang sống có kích thước khoảng 6cm. Ảnh: Hà Nội Mới
Các bác sĩ đã gây mê lấy dị vật còn sống ra ngoài. Kết quả, dị vật là một con đỉa suối đang sống có kích thước khoảng 6cm. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường và được xuất viện về nhà.
Các bác sĩ chia sẻ, đỉa khi mới chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng thường có kích thước rất nhỏ. Thế nhưng, khi vào cơ thể một thời gian ngắn, con vật này sẽ hút máu và phát triển rất nhanh.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên sử dụng nguồn nước, lá cây, rau rừng không đảm bảo ở các khe suối, con mương để uống, sinh hoạt.
Khi có bất kỳ biểu hiện nào bất thường về sức khỏe, người dân cần đi khám sớm tại cơ sở y tế để được chẩn đoán đúng, tránh nguy cơ để dị vật ký sinh trong cơ thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
Người đàn ông đột quỵ do tự ý ngưng thuốc điều trị tăng huyết áp
Báo Người Lao Động đưa tin chiều 28/2, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho hay vừa cấp cứu ông T.T.N (68 tuổi) bị đột quỵ do tự ý ngưng thuốc điều trị tăng huyết áp.
Ông N. mắc bệnh tăng huyết áp nhiều năm. Do phải uống thêm thuốc điều trị viêm phế quản cấp nên ông tự ý ngưng uống thuốc điều trị tăng huyết áp khoảng 1 tuần.
Đang nằm xem TV, ông đột ngột xuất hiện các triệu chứng đột quỵ và được người nhà đưa đi cấp trong tình trạng huyết áp tăng cao 180/100 mmHg, nói khó, tê yếu nửa người bên phải.
Ngay lập tức, các bác sĩ kích hoạt báo động đỏ "Code stroke" kết nối các chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh… thực hiện cấp cứu khẩn. Bệnh nhân được chỉ định truyền thuốc tiêu sợi huyết.
1 giờ sau, sức khỏe ông N. dần cải thiện, huyết áp cải thiện 150/90 mmHg, các triệu chứng lâm sàng đều bắt đầu hồi phục. Sau ba ngày điều trị, sức khỏe ông hồi phục tốt, huyết áp ổn định, miệng hết méo, nói chuyện và ăn uống bình thường.
Theo bác sĩ CKI Nguyễn Phương Trang - khoa Thần kinh Trung tâm Khoa học Thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, sau xuất viện, bệnh nhân cần duy trì uống thuốc điều trị dự phòng nguy cơ tái phát đột quỵ và ổn định huyết áp.
Cô gái nhập viện cấp cứu sau khi uống “nước vui”
Theo thông tin trên VietNamNet, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa tiếp nhận hai trường hợp cấp cứu vì ngộ độc chất gây nghiện. Cả hai bệnh nhân đều nhập viện vào tối 27/2.
Trường hợp thứ nhất là một nữ sinh viên (23 tuổi, ngụ tại TP.HCM). Bệnh nhân được cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng sau khi uống “nước vui”.
Tối 27/2, cô gái tham dự một tiệc sinh nhật và uống một loại nước không nhãn mác. Khoảng 2 giờ sau, cô gái bị nôn ói, hôn mê, suy hô hấp. Những người còn lại không có triệu chứng bất thường.
Người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Các bác sĩ lập tức tiến hành đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy và chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực chống độc theo dõi. Đến sáng nay, bệnh nhân được rút ống nội khí quản, tình trạng dần ổn định.
Cô gái cấp cứu sau khi dùng "nước vui" trong tiệc sinh nhật. Ảnh: VietNamNet
Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh - khoa Hồi sức tích cực chống độc, kết quả xét nghiệm loại "nước vui" mà bệnh nhân uống có chứa thành phần chất kích thích như amphetamin, methamphetamin…
Trường hợp thứ 2 là một người đàn ông 50 tuổi, cũng nhập viện vào tối 27/2. Kể với bác sĩ, người này cho biết bạn bè rủ ông đi uống bia và ép uống thuốc kích thích.
Sau khi uống thuốc, người này có biểu hiện lừ đừ nên được chuyển đi cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất. Kết quả xét nghiệm dương tính với amphetamin. Đến sáng nay, bệnh nhân được xuất viện.
Bác sĩ Ánh cho biết những trường hợp ngộ độc chất gây nghiện sẽ được điều trị nâng đỡ như đặt nội khí quản, thở máy. Nếu đến viện muộn, nạn nhân có thể bị ngưng hô hấp tuần hoàn, nguy kịch đến tính mạng.
Việc sử dụng các chất gây nghiện sẽ tác động đến thần kinh khiến người bệnh cảm thấy kích thích, hưng phấn, nói nhiều. Ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị co giật hay kích động, nghiêm trọng hơn sẽ tổn thương đa cơ quan.
“Amphetamin gây co thắt mạch máu, đặc biệt là mạch máu não (gây đột quỵ não) hoặc mạch vành (gây nhồi máu cơ tim). Do đó, bất kỳ ai cũng không nên thử các chất kích thích này dù chỉ một lần, rất nguy hiểm cho bản thân như cũng như người xung quanh”, bác sĩ Ánh nói.
Mỗi năm, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận từ 5-7 trường hợp ngộ độc chất gây nghiện, chất kích thích, thậm chí có người cấp cứu đến 2 lần. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bệnh viện cấp cứu cho người bệnh suy hô hấp vì "nước vui".
Đinh Kim (T/h)