Bé trai 2 tuổi nhập viện vì bị chó nhà tấn công
Theo Tri Thức Trực Tuyến, bé Đ.Đ.G. (2 tuổi, trú tại Ngọc Đồng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ) bị chó nhà cắn. Trẻ được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) cấp cứu.
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, quấy khóc. Vết thương rộng 3x5 cm khiến vùng trán khuyết da, lộ xương. Ngoài ra, trẻ còn có vết thương lóc da vùng đầu trái, kích thước 10x5 cm, tổn thương mi bên trái. Bé cũng có nhiều vết thương nhỏ rải rác.
Qua thăm khám và làm xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp xác định bé có vết thương khuyết da vùng đầu. Sau đó, bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật tạo hình các vạt da che phủ, vạt trượt.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi ổn định. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến
Các bác sĩ đã cắt lọc tổ chức viêm, hoại tử, khâu tạo hình vạt da che phủ vết thương, khâu thẩm mỹ vết thương mi mắt và trán theo lớp giải phẫu. Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhi ổn định. Bé cũng được tiêm phòng vaccine dại, đắp huyết thanh và bác sĩ chuyên khoa mắt kiểm tra thị lực.
Thủng đại tràng do thói quen ngậm tăm xem TV
Báo Công Thương dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho hay, ngày 25/4, bệnh nhân N.V.T (47 tuổi, xã An Sơn, huyện Văn Quan) đến khám tại phòng khám tư với chẩn đoán theo dõi viêm ruột thừa và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn với triệu chứng đau bụng vùng hố chậu phải.
Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được siêu âm, làm các xét nghiệm. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phúc mạc, viêm ruột thừa và chỉ định phẫu thuật cắt ruột thừa cấp cứu.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ kiểm tra và phát hiện có dị vật là tăm tre nhọn chọc thủng đại tràng của bệnh nhân. Đây cũng là nguyên nhân gây viêm ruột thừa thứ phát.
Các bác sĩ đã thực hiện gắp ra được 4 chiếc tăm tre nhọn với độ dài khoảng 4 cm. Sau đó, các bác sĩ đã phẫu thuật, khâu đại tràng, cắt ruột thừa và kiểm tra toàn bộ đường tiêu hoá cho bệnh nhân.
4 chiếc tăm tre được các bác sĩ gắp ra. Ảnh: Báo Công Thương
Bác sĩ CKII Trương Quý Trường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn xác nhận có bệnh nhân bị thủng đại tràng do thói quen ngậm tăm. Bệnh nhân này có thói quen ngậm tăm nằm xem TV nhưng do ngủ thiếp đi nên đã vô tình nuốt phải tăm và bị thủng đại tràng.
Sau phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân ổn định, hiện đang tiếp tục được điều trị kháng sinh, chống viêm tại bệnh viện. Được biết, khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện cấp cứu, người nhà cũng không biết bệnh nhân đã nuốt phải tăm.
Thanh niên được ghép ngón tay từ ngón chân sau 10 năm bị tai nạn
Theo VietNamNet, ngày 27/4, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) cho biết bệnh nhân là anh T.V.D (30 tuổi, ở Quảng Bình). Khoảng 10 năm trước, người bệnh không may gặp tai nạn lao động, bị cuốn đứt rời ngón cái bàn tay phải. Sau đó, anh được xử trí tạo mỏm cụt tại bệnh viện địa phương.
Gần đây, bệnh nhân mong muốn được phục hồi ngón tay để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản. Anh cũng bày tỏ mình gặp khá nhiều khó khăn trong sinh hoạt do ngón cái là ngón trụ chiếm 50% chức năng bàn tay.
Trước tình huống trên, các bác sĩ khoa Phẫu thuật chi trên Bệnh viện Quân y 175 quyết định phẫu thuật tái tạo ngón tay cái cho bệnh nhân. Ekip lấy ngón chân thứ 2 của bàn chân trái chuyển lên vị trí ngón cái bàn tay phải.
Ngón tay được tái tạo của bệnh nhân đến nay đã sống tốt, có thể cử động với động tác gập duỗi, khép ngón. Ảnh: VietNamNet
Bác sĩ CKI Võ Thành Nhơn chia sẻ, ca phẫu thuật kéo dài 8 giờ đã thành công. Kỹ thuật ghép ngón gồm nhiều công đoạn như như kết hợp xương nẹp vít cố định ngón chân vào thay thế ngón cái; nối gân gấp, gân duỗi và các cơ giúp hồi phục chức năng vận động; nối vi phẫu động mạch và tĩnh mạch giúp phục hồi sự sống của ngón tái tạo; nối vi phẫu thần kinh mặt lưng và mặt lòng ngón tái tạo để hồi phục cảm giác.
Đến nay, ngón tay được tái tạo đã sống tốt, có thể cử động với động tác gập duỗi, khép ngón. Bệnh nhân được tái khám theo lịch và tập luyện, phục hồi vận động cho ngón tay mới.
"Đây là trường hợp thứ 3 chúng tôi thực hiện chuyển ngón chân làm ngón tay. Việc tái tạo lại ngón tay cái không chỉ giúp hồi phục tính thẩm mỹ mà còn khôi phục chức năng của bàn tay, tạo cung cầm nắm. Từ đó, bệnh nhân nhanh chóng hòa nhập cuộc sống”, bác sĩ Võ Thành Nhơn nói.
Đinh Kim (T/h)