Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 26/4: Bụng to nhanh, người phụ nữ đi khám phát hiện khối u

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/4/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 26/4/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bụng to nhanh, người phụ nữ đi khám phát hiện khối u

Báo Giáo Dục và Thời Đại dẫn thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, chị Đ.T.H (47 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) đến bệnh viện thăm khám trong tình trạng 3 tháng gần đây thấy bụng to nhanh nhưng bận công việc và không thấy mệt mỏi gì nên chần chừ không đi khám.

Sau khi thăm khám, các bác sĩ nhận thấy bệnh nhân bụng chướng to, hai phần phụ khó khám, không siêu âm được ổ bụng do có khối u choán hết. Hình ảnh chụp MRI cho thấy khối u nghi ngờ xuất phát từ buồng trứng đa thùy.

PGS.TS Lê Thị Anh Đào, Trưởng khoa Phụ ngoại A5 Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã cùng ekip tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân và lấy ra một khối u nhầy buồng trứng chứa gần 8 lít dịch. Sau phẫu thuật, bệnh nhân ổn định theo dõi hậu phẫu.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân và lấy ra một khối u nhầy buồng trứng chứa gần 8 lít dịch. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại

U nang nhầy buồng trứng thường chiếm khoảng 20% các khối u xuất hiện ở buồng trứng. U nang nhầy buồng trứng có đặc điểm là khối u thường to, rất dễ dính vào các tổ chức xung quanh, u nhiều nang và hay tái phát. U nang nhầy buồng trứng thường thấy ở độ tuổi 40-60.

Mặc dù có thể thấy phần lớn các u nhầy buồng trứng là lành tính (80%). Tuy nhiên, những biến chứng của bệnh lý này có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng như u phát triển nhanh gây xoắn nang, vỡ nang từ đó gây ảnh hưởng đến các tạng (gây nhiễm trùng hoặc hoại tử buồng trứng), vỡ nang chảy dịch vào ổ bụng có thể dẫn tới bệnh giả nhầy phúc mạc,

PGS.TS Lê Thị Anh Đào khuyên chị em phụ nữ nên thăm khám phụ khoa định kỳ 6 tháng 1 lần, phát hiện bệnh sớm sẽ được điều trị kịp thời.

Vợ chích máu tay, chân để cứu chồng đột quỵ

Theo thông tin trên báo Người Lao Động, đang ở nhà, ông Đ.Đ.Q. (60 tuổi, ở Quảng Ninh) xuất hiện tình trạng khó nói, tê yếu nửa người trái. Thấy có người mách bảo, người vợ đã dùng vật nhọn chích vào toàn bộ các đầu ngón tay, ngón chân của chồng, sau đó nặn máu với hy vọng bệnh sẽ ổn hơn.

Chích máu được 20 phút, người chồng không đỡ, gia đình vội đưa ông đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh). Lúc này, bệnh nhân đã trong tình trạng lơ mơ tiếp xúc chậm, liệt hoàn toàn nửa người trái. Bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu não (đột quỵ) diện rộng do tắc động mạch não giữa phải.

Bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Khoa Tâm thần kinh - Cơ xương khớp Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết sau hơn 2 tuần nhập viện, điều trị, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt và tay chân bên trái dần hồi phục.

Theo các bác sĩ, việc chích máu đầu ngón tay là một trong những sai lầm khi xử trí ban đầu cho người bệnh đột quỵ não do có thể gây tình trạng nhiễm trùng tại vị trí chích máu, máu chảy khó cầm đối với người bệnh đột quỵ não có rối loạn đông máu, làm kéo dài thêm thời gian đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế.

Gần đây, thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi đột ngột, số bệnh nhân đột quỵ não gia tăng, không ít ca nhập viện khi bệnh đã chuyển biến rất nặng một phần do phát hiện, xử trí ban đầu chưa đúng cách.

Khi phát hiện người thân bị đột quỵ, nên đặt người bệnh ở tư thế nằm, kê đầu với độ cao khoảng 30-40 độ; nới rộng quần áo thông thoáng; xoay người bệnh sang một bên để không bị sặc.

Điều quan trọng là nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng cấp cứu trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là giờ vàng của đột quỵ não dưới 4, 5 giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng đầu tiên.

Không để người bệnh đột quỵ não nằm ngửa; không cho người bệnh ăn uống hay sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ; không dùng kim chích đầu ngón tay, ngón chân của người bệnh; không cạo gió…

Phẫu thuật chữa yếu liệt 2 chân cho cụ bà 89 tuổi

VTV News đưa tin, các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) vừa kịp thời phẫu thuật chữa yếu liệt 2 chân cho bệnh nhân 89 tuổi. Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu liên tục 2 tuần, mất ngủ, yếu liệt 2 chân, không đi lại được. Đáng lưu ý, bệnh nhân không có chấn thương trực tiếp nào ở vùng đầu trong vài tháng gần đây.

Qua thăm khám, nhận thấy bệnh nhân bị yếu tay chân, các bác sĩ nghi bệnh nhân có tổn thương não nên chỉ định chụp cắt lớp (CT) sọ não và phát hiện có khối máu tụ mạn tính lớn 2 bên não. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật lấy máu tụ.

Do bệnh nhân đã lớn tuổi, lại có nhiều bệnh nền, mà trước đó không có chấn thương gì ở đầu nên gia đình bệnh nhân lo sợ ca mổ sẽ làm tình trạng của cụ bà nặng hơn. Tuy nhiên, các bác sĩ đã giải thích kỹ, động viên, thuyết phục người nhà thực hiện ca mổ.

Người bệnh được bác sĩ làm phẫu thuật. Ảnh: VTV News

Sau 1 giờ, ekip các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh đã tiến hành phẫu thuật, lấy toàn bộ máu tụ ở 2 bên não cho bệnh nhân. Chỉ 3 giờ sau mổ, bệnh nhân đã tỉnh táo và đến nay đã được xuất viện.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người cao tuổi cần phòng bệnh bằng cách đi lại cẩn thận, tránh nguy cơ té ngã gây chấn thương vùng đầu. Nếu người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông nên đi khám và làm các xét nghiệm máu kiểm tra định kỳ để kiểm soát việc dùng đúng liều, lượng thuốc.

Những người nghiện rượu nên tìm phương án cai rượu để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và có chất lượng cuộc sống tốt. Nên đi khám bệnh tại các bệnh viện có chuyên khoa khi có những biểu hiện đau đầu kéo dài, yếu tay chân hoặc có chấn thương về đầu dù nhẹ để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật