Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống ngày 27/4: Người đàn ông 65 tuổi bị thủng dạ dày - tá tràng hiếm gặp

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 27/4/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 27/4/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Người đàn ông 65 tuổi bị thủng dạ dày - tá tràng hiếm gặp

Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy vừa tiến hành phẫu thuật cấp cứu thành công ca bệnh bị thủng mặt sau tá tràng hiếm gặp gây nhiễm trùng khoang sau phúc mạc.

Cụ thể,  trước khi nhập viện 3 ngày, bệnh nhân L.T.Q (65 tuổi, trú tại TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) xuất hiện triệu chứng nôn, đau bụng dữ dội, đau tức vùng hông lưng bên phải và được người thân đưa đến Bệnh viện Bãi Cháy kiểm tra.

Quá trình thăm khám, bác sĩ thực hiện các xét nghiệm thăm dò chẩn đoán. Theo lời bệnh nhân, ông có tiền sử đặt stent mạch vành cách đây 4 tháng, đái tháo đường và viêm loét dạ dày.

Kết quả CT scanner cho thấy, bệnh nhân có hình ảnh dịch dọc hành lang đại tràng phải lan xuống vùng tiểu khung, có khí sau phúc mạc. Sau khi hội chẩn, bác sĩ kết luận bệnh nhân bị thủng tá tràng và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu xử trí tổn thương.

Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ Bệnh viện Bãi Cháy tiến hành kiểm tra trong ổ phúc mạc không có dịch tiêu hóa. Tuy nhiên khi mở khoang sau phúc mạc thành bụng phải thấy tràn ra nhiều dịch tiêu hóa màu xanh lẫn thức ăn với áp lực cao; tại vị trí mặt sau D2-D3 tá tràng có lỗ thủng kích thước 2cm đang chảy dịch tiêu hóa, dịch mật.

Xác định tình trạng bệnh nhân bị thủng mặt sau tá tràng D2-D3 gây nhiễm trùng khoang sau phúc mạc bên phải; phẫu thuật viên tiến hành sinh thiết và dẫn lưu lỗ thủng tá tràng (không khâu lỗ thủng), hút dịch bẩn, rửa ổ bụng, đặt dẫn lưu rộng rãi cạnh vị trí lỗ thủng. Sau phẫu thuật 12 ngày chăm sóc hậu phẫu tích cực, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định và đã được xuất viện nhà.

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Ung bướu 1 Bệnh viện Bãi Cháy chia sẻ, thủng dạ dày-tá tràng là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm, nếu không phát hiện và phẫu thuật điều trị kịp thời thức ăn, dịch tiêu hóa, máu có thể tràn vào ổ bụng, gây nhiễm trùng khoang bụng (viêm phúc mạc), người bệnh có thể tử vong do sốc nhiễm khuẩn toàn thân.

Đối với trường hợp trên, vị trí thủng mặt sau tá tràng ra sau phúc mạc không thường gặp, rất khó chẩn đoán vì triệu chứng không điển hình. Trong khi đó, quá trình phẫu thuật rất phức tạp do diện phẫu tích rộng, phẫu thuật viên phải di động toàn bộ đại tràng phải và lật khối tá tụy để tiếp cận tổn thương lỗ thủng mặt sau.

Sản phụ 22 tuổi mắc bệnh tiền sản giật

Tri Thức Trực Tuyến dẫn thông tin từ khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) cho biết, sản phụ là chị N.T.L. (22 tuổi), nhập viện ở tuần thai thứ 38.

Qua thăm khám, các bác sĩ cho biết chị bị phù to toàn thân, huyết áp cao 150/100 mmHg, xét nghiệm protein trong nước tiểu cao và siêu âm thai ước tính khoảng 3,2 kg. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc bệnh tiền sản giật và chỉ định điều trị hạ huyết áp.

Bác sĩ CKII Hà Thị Hải Hường, Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho hay: “Tiền sản giật là căn bệnh rất nguy hiểm ở phụ nữ mang thai. Nó có thể để lại những biến chứng nặng nề nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh này có thể gặp ở bất kỳ thai phụ nào".

Sản phụ và em bé tiếp tục được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại bệnh viện. Ảnh: Tri Thức Trực Tuyến

Ngay khi những chỉ số sức khỏe ở ngưỡng cho phép, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật, lấy thai chủ động cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật diễn ra thành công, bé gái chào đời an toàn. Sau phẫu thuật, tình trạng sức khỏe của mẹ và em bé ổn định. Cả 2 mẹ con tiếp tục được theo dõi, điều trị và chăm sóc tại bệnh viện.

Tiết lộ nguyên nhân khiến cô gái 22 tuổi không có kinh nguyệt

Theo thông tin trên VietNamNet, các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận hai nữ bệnh nhân không có âm đạo.

Trường hợp thứ nhất là cô gái 22 tuổi, được bố mẹ đưa đi khám nhiều nơi với lý do không có kinh nguyệt. Cô được chẩn đoán dậy thì muộn, buồng trứng kém phát triển, dùng rất nhiều loại thuốc kích kinh nguyệt nhưng không hiệu quả. Khi đến Bệnh viện Bạch Mai, cô được chẩn đoán bị dị tật âm đạo.

Trường hợp thứ hai là một phụ nữ 35 tuổi, không có kinh nguyệt, đã lấy chồng nhưng không quan hệ tình dục được. Các bác sĩ đã phẫu thuật tạo hình lại âm đạo cho bệnh nhân.

Các bác sĩ khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ cho biết, dị tật không âm đạo nằm trong một số hội chứng: Turner, tử cung nhi tính, Mayer Rokitansky Kuster Hauser, không dung nạp androgen thể hoàn toàn…

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân dị tật âm đạo. Ảnh: VietNamNet

Dấu hiệu quan trọng để nghĩ đến dị tật không âm đạo là không có kinh nguyệt ở tuổi dậy thì và không quan hệ tình dục được, không có các triệu chứng đau bụng theo chu kỳ hằng tháng. Khi thăm khám không thấy lỗ màng trinh, thường nhìn thấy vết lõm là vết tích của lỗ âm đạo. 

Siêu âm và chụp cộng hưởng từ tiểu khung sẽ không thấy âm đạo. Khám lâm sàng đánh giá cơ quan sinh dục ngoài: môi bé, âm vật và cơ quan sinh dục thứ phát như ngực, lông sinh dục, siêu âm. Chụp cộng hưởng từ đánh giá thêm tình trạng tử cung, buồng trứng kết hợp xét nghiệm hormone sinh dục và nhiễm sắc thể sẽ xác định nguyên nhân của dị tật không âm đạo.

Phẫu thuật tạo hình có thể tái tạo âm đạo như bình thường để bệnh nhân có thể quan hệ tình dục. Tuy nhiên, khả năng có con phụ thuộc nhiều vào dị tật âm đạo nằm trong nhóm hội chứng dị tật nào.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, phụ nữ khi có bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, khả năng quan hệ tình dục cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn và tìm rõ nguyên nhân.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật