Bị rắn cắn, ngón chân người phụ nữ có nguy cơ hoại tử
Báo Người Lao Động đưa tin, nữ bệnh nhân 61 tuổi (ở huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng bàn chân phải sưng nề, ngón chân bị rắn cắn thâm đen có nguy cơ hoại tử.
Bệnh nhân cho biết thời điểm bị rắn cắn là lúc bà đang đứng nấu cơm. Khi vừa bật bếp ga ít phút, bà bỗng thấy đau nhói ở ngón chân. Nhìn xuống, thấy con rắn màu đen bằng ngón tay cái ở sàn nhà. Định thần lại, bà gọi chồng đến đập con rắn.
Ngay sau đó, bà được gia đình đưa đến bệnh viện địa phương, sau đó chuyển tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây, bệnh nhân đã được các bác sĩ truyền huyết thanh kháng nọc rắn độc. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe nữ bệnh nhân ổn định hơn nhưng ngón chân bị rắn cắn có nguy cơ hoại tử, phải cắt bỏ.
Theo nữ bệnh nhân này, gần đây ở khu vực gia đình sinh sống cũng có người bắt được rắn vào nhà nên gia đình cũng rất cẩn thận đóng các cửa. Tuy nhiên, có thể con rắn này bò vào nhà qua cửa chính rồi nấp sau bếp, lúc bà nấu cơm thì rắn bò ra tấn công.
Sức khỏe nữ bệnh nhân ổn định hơn sau 4 ngày điều trị nhưng ngón chân bị rắn cắn có nguy cơ hoại tử, phải cắt bỏ. Ảnh: Người Lao Động
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tại Trung tâm đang điều trị cho nhiều bệnh nhân bị rắn cắn, trong đó người bị rắn lục, rắn hổ mang, rắn cạp nong, cạp nia cắn.
Bệnh nhân đến trong tình trạng tổn thương tại chỗ, vết cắn sưng nề, hoại tử vùng bị cắn... Có trường hợp bị rắn hổ mang cắn gây liệt cơ thể, rối loạn đông máu, phải thở máy, điều trị tích cực.
"Khi bị rắn cắn nên dùng loại băng gạc bản to băng lại vùng bị rắn cắn để nọc độc lan đến cơ thể chậm hơn, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế bằng phương tiện, không để người bệnh tự đi và vận động nhiều. Người dân cũng không nên tự chữa mẹo tại nhà, không nên tìm mua thuốc không rõ nguồn gốc để đắp vết thương do rắn cắn”, bác sĩ Nguyên khuyến cáo.
Cứu sống bệnh nhân 52 tuổi bị vỡ túi mật
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ đại diện Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết, mới đây các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa và tổng hợp của đơn vị vừa tiến hành phẫu thuật cứu sống bệnh nhân N.V.V (52 tuổi) bị vỡ túi mật.
Theo đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng đau chướng bụng. Ngay khi tiếp nhận ca bệnh, các bác sĩ nhanh chóng tiến hành thăm khám, thực hiện các xét nghiệm lâm sàng. Từ hình ảnh CT. Scanner ổ bụng cho thấy, người bệnh bị vỡ túi mật, dịch ổ bụng nhiều.
Sau khi hội chẩn liên khoa, các bác sĩ thống nhất phương án phẫu thuật cấp cứu xử trí cho người bệnh. Trong quá trình phẫu thuật, kíp mổ đã lấy ra 2 lít máu cục lẫn máu loãng ra khỏi ổ bụng người bệnh; đồng thời làm sạch ổ bụng, cắt túi mật, khâu phục hồi cổ túi mật cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, sức khỏe người bệnh tiến triển tốt, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và tiếp tục theo dõi điều trị tại bệnh viện.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Đánh giá về ca bệnh, bác sĩ Vũ Đức Thụ - Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa và tổng hợp bệnh viện cho biết: "Bệnh nhân V. được chuyển đến viện kịp thời để xử trí. Nếu tiếp tục kéo dài, túi mật vỡ sẽ làm dịch mật tràn trong ổ bụng, viêm dính ruột và các cơ quan trong ổ bụng xảy ra, gây khó khăn cho các phẫu thuật viên, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh".
Đối với các tổn thương, chấn thương bụng kín thường rất khó để phát hiện. Trường hợp không thấy vết thương hở ngoài da, không có vết trầy xước, phần lớn người bệnh sẽ tự theo dõi và uống thuốc tại nhà.
Chỉ khi người bệnh cảm thấy đau không thể chịu được mới đến viện để kiểm tra. Do đó, nếu không may bị tổn thương, chấn thương nói trên, người bệnh cần đến cơ sở y tế kiểm tra để có hướng điều trị kịp thời.
Nam bệnh nhân bị vết thương thấu ngực, sốc mất máu nguy kịch
VTV News đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa cứu sống bệnh nhân bị vết thương thấu ngực, sốc mất máu biến chứng ngưng tim nguy kịch.
Cụ thể, bệnh nhân T.V.T. (nam, 40 tuổ), bị vết thương hở thành ngực, được tuyến trước cấp cứu với tình trạng sốc mất máu, ngưng hô hấp tuần hoàn, tràn khí, tràn máu màng phổi.
Các bác sĩ đã truyền máu, phẫu thuật cấp cứu khâu cầm máu và dẫn lưu, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng nguy kịch, niêm nhợt, da xanh, hôn mê, bóp bóng qua nội khí quản, mạch nhanh nhẹ, huyết áp thấp đang sử dụng vận mạch liều cao.
Người bệnh bị vết thương hở thành ngực, được tuyến trước cấp cứu với tình trạng sốc mất máu, ngưng hô hấp tuần hoàn, tràn khí, tràn máu màng phổi. Ảnh: VTV News
Bệnh nhân được tiến hành cấp cứu, thở máy, truyền dịch, truyền máu và chế phẩm máu… tuy nhiên tình trạng thiếu máu nặng không cải thiện, các bác sĩ hội chẩn và quyết định chụp cắt lớp vi tính ngực cản quang, ghi nhận thoát mạch vùng nách phải.
Ekip can thiệp do bác sĩ CKI Trần Công Khánh - Phó khoa Chẩn đoán hình ảnh tiến hành chụp và nút động mạch điều trị cầm máu số hóa xóa nền (DSA), đây là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, hiệu quả tối đa đặc biệt trên bệnh nhân này với tình trạng choáng mất máu nặng, rối loạn đông máu.
Kết quả ghi nhận ổ thoát mạch xuất phát từ nhánh động mạch dưới đòn phải, chọn lọc vào nhánh thoát mạch, chụp xác định vị trí và tiến hành bơm tắc bằng hỗn hợp keo, chụp kiểm tra không còn dấu thoát mạch. Thủ thuật thành công sau 30 phút. Huyết áp và tình trạng thiếu máu bệnh nhân cải thiện tốt sau can thiệp.
XEM THÊM: 10 nạn nhân vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội được ra viện: Những lời tâm sự xúc động
Quá trình cấp cứu, bệnh nhân đã được truyền máu khối lượng lớn: tổng lượng máu truyền tại hai bệnh viện là 27 đơn vị máu và chế phẩm của máu. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, niêm hồng, vết mổ khô, dấu hiệu sinh tồn ổn định, đã ngưng máy thở, tiếp tục điều trị tại Khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu.
Đinh Kim (T/h)