Tự mua thuốc điều trị, thanh niên nhận hậu quả đáng sợ
Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ bác sĩ CKII Nguyễn Thế Hưng - Trưởng Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn cho biết, đơn vị vừa kịp thời phẫu thuật cứu nam bệnh nhân V.T.Q. (21 tuổi; ngụ quận 12, TP.HCM) bị thủng dạ dày.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị, sốt cao kèm nôn ói. Bệnh nhân cho biết trước đó, mỗi lần cảm, sốt thường tự mua thuốc điều trị. Bên cạnh đó, do tính chất công việc, anh thường phải uống rượu bia.
Sau khi thăm khám, chụp Xquang, CT-scan, xét nghiệm máu, kết quả ghi nhận bạch cầu anh Q. tăng 12.300 G/L (số lượng bạch cầu trong máu người bình thường khoảng từ 4.0 đến 10.0G/L); có hơi tự do trong ổ bụng.
Anh Q. được phẫu thuật cấp cứu trong đêm. Bác sĩ ghi nhận một lỗ thủng 5 mm ở tiền môn vị từ dạ dày vào tá tràng. Bệnh nhân được khâu vết thủng qua nội soi. 3 ngày sau phẫu thuật, anh Q. đã có thể trung tiện, rút ống sonde tiểu…, hết sốt, có thể tự ăn uống. Dự kiến khoảng vài ngày tới, bệnh nhân sẽ được xuất viện.
Bác sĩ Hưng lưu ý, bệnh nhân đã được khâu lỗ thủng nhưng sau khi xuất viện cần tiếp tục điều trị nội khoa, thăm khám định kỳ 1 tháng.
Bệnh nhân đã được khâu lỗ thủng nhưng sau khi xuất viện cần tiếp tục điều trị nội khoa, thăm khám định kỳ 1 tháng. Ảnh: Người Lao Động
"Bệnh nhân bị loét dạ dày dẫn đến thủng, việc khâu vết thủng chỉ là bước ban đầu. Sau xuất viện khoảng một tháng, bệnh nhân phải nội soi lại dạ dày để kiểm tra và điều trị nội khoa vết loét. Bởi vết loét có thể thủng lại và thủng lần thứ hai sẽ phải cắt dạ dày. Lúc này, tình trạng rất nặng nề tỷ lệ tử vong cao", bác sĩ Hưng nhấn mạnh
Theo bác sĩ Hưng, quan trọng nhất là sau này, bệnh nhân phải cẩn trọng trong việc sử dụng thuốc, nhất là các loại thuốc giảm đau, không nên tự ý mua về điều trị.
XEM THÊM: Top 8 loại thảo dược hỗ trợ trị sốt xuất huyết tại nhà hiệu quả
Trong y văn, thủng dạ dày có 4 nguyên nhân: loét do stress, ăn uống, dùng thuốc kháng viêm; ung thư; dao đâm; nội soi dạ dày lúc sinh thiết khiến thủng.
"Khi thủng dạ dày, quan trọng nhất là chẩn đoán sớm vì lúc đó, hơi dịch dạ dày phát ra trong ổ bụng, 6 giờ đầu sẽ gây viêm phúc mạc. Sau 6 giờ, nếu không can thiệp thì dịch dạ dày có vi khuẩn phát triển sẽ gây viêm phúc mạc và chậm trễ hơn nữa sẽ gây viêm, nhiễm trùng, nhiễm độc. Lúc này có thể khiến người bệnh nguy kịch", bác sĩ Hưng phân tích.
Cấp cứu người đàn ông bị vết thương hở ngực nguy kịch
Theo thông tin trên báo Nhân Dân, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết các bác sĩ bệnh viện đã nỗ lực cứu sống bệnh nhân bị vết thương thấu ngực, sốc mất máu biến chứng ngưng tim nguy kịch.
Cụ thể, nam bệnh nhân T.V.T (SN 1973, ngụ tỉnh Sóc Trăng) được bệnh viện địa phương cấp cứu với vết thương thấu ngực, sốc mất máu, ngưng hô hấp tuần hoàn, tràn khí, tràn máu màng phổi. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng nguy kịch, niêm nhợt, da xanh, hôn mê, bóp bóng, mạch nhanh nhẹ, huyết áp thấp đang sử dụng vận mạch liều cao.
Bệnh nhân được tiến hành cấp cứu, thở máy, truyền dịch, truyền máu và chế phẩm máu… Tình trạng thiếu máu nặng không cải thiện, các bác sĩ hội chẩn và quyết định chụp cắt lớp vi tính ngực cản quang ghi nhận thoát mạch vùng nách phải. Ê-kíp can thiệp chẩn đoán hình ảnh tiến hành chụp và nút động mạch điều trị cầm máu số hóa xóa nền (DSA).
Đây là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu, hiệu quả tối đa đặc biệt trên bệnh nhân này đang tình trạng choáng mất máu nặng, rối loạn đông máu. Ghi nhận ổ thoát mạch xuất phát từ nhánh động mạch dưới đòn phải, chọn lọc vào nhánh thoát mạch, chụp xác định vị trí và tiến hành bơm tắc bằng hỗn hợp keo, chụp kiểm tra không còn dấu thoát mạch.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: Nhân Dân
Thủ thuật thành công sau 30 phút. Huyết áp và tình trạng thiếu máu bệnh nhân cải thiện tốt sau can thiệp. Quá trình cấp cứu bệnh nhân đã được truyền máu khối lượng lớn: tổng lượng máu truyền tại hai bệnh viện là 27 đơn vị máu và chế phẩm của máu.
Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, niêm hồng, vết mổ khô, dấu hiệu sinh tồn ổn, đã ngưng máy thở, tiếp tục điều trị tại khoa Ngoại lồng ngực - mạch máu.
Phát hiện mắc ung thư thanh quản sau khi bị khàn tiếng 2 tháng
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, cách đây 2 tháng, ông Đ.Đ.H (81 tuổi, ở Hạ Hòa) có biểu hiện ho ít đờm, khàn tiếng. Nghĩ mình chỉ bị bệnh hô hấp thông thường nên ông đã không đi khám. Khi tình trạng kéo dài không giảm, ông H. đã đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám.
Kết quả nội soi cho thấy dây thanh trái của bệnh nhân có khối sùi còn khu trú ở dây thanh. Bệnh nhân được chỉ định sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm và làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.Kết quả cho thấy ông H mắc ung thư thanh quản giai đoạn sớm, chưa di căn.
Sau khi được hội chẩn bởi các bác sĩ hàng đầu chuyên khoa Tai mũi họng – Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ một bên dây thanh bằng dao laser.
Sau 30 phút mổ nội soi bằng dao laser, người bệnh đã dần phục hồi. Sau 3 ngày điều trị, người bệnh đã ổn định và được ra viện.
"Ung thư thanh quản xếp thứ 4 trong các ung thư ở vùng tai mũi họng và đầu cổ. Nếu bệnh được phát hiện sớm thì sẽ đạt hiệu quả chữa trị cao. Với thể trạng bệnh của ông H. vì phát hiện ở giai đoạn sớm, khi khối u còn khu trú ở một bên dây thanh nên việc cắt bỏ khối u kết hợp với phác đồ điều trị ung thư sẽ đạt được hiệu quả rất cao”, TS.BS Nguyễn Thế Đạt - Phó Trưởng khoa Liên chuyên khoa Tai mũi họng – Mắt – Răng hàm mặt nói.
Sau 3 ngày điều trị, người bệnh đã ổn định và được ra viện. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Việc thực hiện chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, hợp lý, tránh sử dụng rượu và thuốc lá là vô cùng cần thiết để giảm thiểu tối đa nguy cơ phát triển ung thư nói chung và ung thư thanh quản nói riêng. Đồng thời, cần bảo vệ giọng nói, không lạm dụng giọng nói làm tổn thương thanh quản và chủ động bảo vệ tai mũi họng luôn được khỏe mạnh.
Ung thư thanh quản là bệnh lý ác tính, nếu không được phát hiện và xử trí sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Vì vậy, để phòng ngừa, người dân nên duy trì thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/ 1 lần và thực hiện tầm soát ung thư ít nhất 1 năm/ lần.
Đinh Kim (T/h)