Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/9: Men gan tăng gấp 200-400 lần bình thường vì sốt xuất huyết

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/9/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 19/9/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Men gan tăng gấp 200-400 lần bình thường vì sốt xuất huyết

Báo An Ninh Thủ Đô dẫn thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, tại bệnh viện hiện đang có một số bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị trong tình trạng rất nặng, thậm chí nguy kịch.

Mới nhất, nữ bệnh nhân 32 tuổi ở Hoài Đức (Hà Nội) nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp. Kết quả chiếu chụp phát hiện bệnh nhân bị tràn dịch ổ bụng, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều.

Kết quả xét nghiệm máu có tình trạng cô đặc máu, tăng Hematocrit và giảm tiểu cầu. Đặc biệt, men gan của bệnh nhân tăng rất cao, hơn 8.000 đơn vị (thông thường từ 20 – 40 đơn vị, tức trường hợp này men gan tăng gấp 200-400 lần bình thường).

Được biết, khi phát hiện mắc sốt xuất huyết, nữ bệnh nhân này đã truyền dịch trong 3 ngày đầu. Tới ngày thứ 4, tình trạng không cải thiện, bệnh nhân mới đi viện khám. Tại viện, bệnh nhân được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue thể nặng.

Ca bệnh sốt xuất huyết nặng đang điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: An Ninh Thủ Đô

May mắn, sau 10 ngày điều trị tích cực, tình trạng bệnh nhân hiện đã cải thiện, dịch ổ bụng màng phổi đã giảm rõ rệt, bệnh nhân thấy dễ chịu hơn, ăn uống, đi lại được, tiểu cầu đã trở về bình thường.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay tới nay, 2 cơ sở của bệnh viện có 157 ca sốt xuất huyết điều trị, trong đó 40 bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo. Riêng khoa Cấp cứu cơ sở Kim Chung (Đông Anh) hiện mỗi ngày khám trên dưới 50 ca sốt xuất huyết, trong đó có 3-5 ca sốt xuất huyết Dengue nặng.

Ths.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo, người dân khi có triệu chứng trong 3 ngày gồm sốt cao, đau đầu, đau mỏi cơ khớp, nên đi khám làm xét nghiệm chẩn đoánsốt xuất huyết và điều trị kịp thời.

Cấy ngón tay bị thương vào bụng cứu bé trai thoát cảnh cụt chi

VietNamNet đưa tin, bé N.K H (3 tuổi, ở Nghệ An) vì tò mò nên sờ tay vào ổ cắm điện và bị giật. Gia đình sớm phát hiện, bé được gỡ ra kịp thời nhưng ngón tay bị bỏng. Nghĩ vết thương đơn giản, gia đình tự chữa cho con ở nhà.

Sau hơn 1 tuần, thấy vết thương mãi không khỏi, bố mẹ bé mới đưa con vào Bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Lúc này, phần ngón tay tổn thương đã mất hết gân và lộ xương, chẩn đoán bỏng điện độ III - IV nhiễm trùng.

Ths.BS Nguyễn Văn Thưởng - khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho hay, khi nhập viện gia đình bệnh nhi H. nghĩ rằng không thể cứu chữa, mong muốn cắt cụt tạo mỏm ngón tay cho bé.

Tuy nhiên, bác sĩ đánh giá điều này không hợp lý. Được giải thích cặn kẽ, bố bé đã đồng ý với phương pháp hậu phẫu tạo hình ngón 2 (ngón trỏ) bàn tay phải, cấy ngón tay bị thương vào bụng, giúp phục hồi phần tổn thương. Kết quả, sau 2 ca mổ, ngón tay của bé trai 3 tuổi đã được giữ lại nguyên vẹn. Bệnh nhi bình phục và xuất viện sau hơn 3 tuần điều trị.

Ngón tay bị thương của bệnh nhi được cấy vào bụng, giúp phục hồi phần tổn thương. Ảnh: VietNamNet

Một trường hợp khác là bé gái 8 tuổi, bị bỏng điện 1% độ IV, tổn thương bỏng mô cái và ngón 4 bàn tay phải. Giống trường hợp bé H., gia đình điều trị cho trẻ ở nhà nhưng không đỡ nên nhập viện.

Các bác sĩ tiếp tục lựa chọn phương pháp hậu phẫu chuyển vạt, đưa ngón tay bị thương vào bụng tương tự ca bé H. Bác sĩ Thưởng cho hay vết thương bị bỏng do điện rất nặng nề, cần kịp thời đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế.

Bác sĩ nỗ lực cứu quả thận duy nhất của cô gái trẻ

Bệnh viện Đa khoa khoa tỉnh Phú Thọ đã cứu được quả thận duy nhất chứa đầy các khối u của nữ bệnh nhân C.T.T.T (23 tuổi, trú tại Tam Nông, Phú Thọ), giúp tránh được nguy cơ phải cắt thận và chạy thận suốt đời, theo VTV News. 

Bệnh nhân có tiền sử phẫu thuật cắt thận trái từ khi hơn 10 tuổi. Hiện tại, người bệnh chỉ còn một quả thận phải duy nhất. Người bệnh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ trong tình trạng đau bụng bên phải.

Qua thăm khám, chụp cắt lớp vi tính phát hiện rất nhiều khối u mạch cơ mỡ ở thận phải, các khối u kích thước từ nhỏ vài mm đến rất lớn, hàng chục cm và có chảy máu từ khối u ở cực trên thận.

Sau khi hội chẩn giữa các chuyên khoa: Ngoại Tiết niệu, Điện quang can thiệp, các bác sĩ thống nhất điều trị cho người bệnh bằng phương pháp can thiệp nút mạch cầm máu và nút mạch các khối u khác có nguy cơ chảy máu.

Sau khoảng 1 giờ được thực hiện thủ thuật, tổn thương chảy máu ở khối u cực trên thận đã được nút kín hoàn toàn, kèm theo đó các bác sĩ thực hiện nút mạch một số khối u lớn khác có nguy cơ chảy máu về sau.

Các bác sĩ tiến hành nút mạch can thiệp điều trị cho người bệnh. Ảnh: VTV News

Sau can thiệp 5 ngày, người bệnh dần hồi phục và được xuất viện. Người bệnh tiếp tục theo dõi kiểm tra định kỳ tại bệnh viện và hiện tại sức khỏe đã ổn định.

Theo TS.BS Trần Quang Lục, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, u mạch cơ mỡ thận (Renal Angiomyolipomas) là loại u lành tính khá thường gặp. Tuy nhiên, có rất nhiều u mạch cơ mỡ của thận như trường hợp người bệnh này thì lại rất hiếm.

XEM THÊM: "Nhét" pin cúc áo vào mũi, bé trai 4 tuổi bị biến chứng hoại tử

Điểm đặc biệt của ca bệnh này là người bệnh chỉ còn một bên thận duy nhất nên phương pháp điều trị cũng phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, làm sao để đạt hiệu quả và tránh ảnh hưởng đến chức năng của thận.

Vì vậy, phương pháp nút mạch cầm máu và nút cả các khối u khác của thận có nguy cơ chảy máu là phương pháp tối ưu nhất để đạt mục tiêu. Nếu không nút mạch thì chắc chắn phải điều trị ngoại khoa cắt thận, như vậy người bệnh sẽ phải chạy thận chu kỳ suốt đời.

Đây là trường hợp rất điển hình trong việc đưa những tiến bộ của khoa học kỹ thuật áp dụng trong y học, làm thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận điều trị, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật