Hít bóng cười liên tục trong 4 tháng, cô gái trẻ nhập viện cấp cứu
Báo Đại Đoàn Kết dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết, các bác sĩ khoa Thần kinh - Đột quỵ vừa chữa trị cho một nữ bệnh nhân 19 tuổi bị ngộ độc khí cười N2O.
Trước đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tê bì hai tay và chân, đi lại khó khăn. Nữ bệnh nhân cho biết, đã hít bóng cười liên tục suốt 4 tháng với số lượng 5 bình/ngày, tương đương với hít 20 quả bóng cười/ngày.
Kết quả xét nghiệm lâm sàng cho thấy, định lượng Homocystein tăng cao, Vitamin B12 giảm mạnh. Hình ảnh chụp cộng hưởng từ cột sống cổ cũng phát hiện tổn thương sừng sau tủy cổ. Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán, nữ bệnh nhân bị tổn thương thần kinh tủy sống cổ do ngộ độc khí cười N2O.
Bệnh nhân dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Sau 5 ngày điều trị theo phác đồ, sức khỏe bệnh nhân cải thiện rõ rệt, tay và chân cử động được, dự kiến sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Bác sĩ CKII Nguyễn Hoành Sâm, Trưởng khoa Thần kinh - Đột quỵ khuyến cáo, hít khí cười N2O liên tục sẽ làm tổn thương thần kinh từ não xuống tủy sống, đặc biệt tủy sống cổ và ngực.
Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới hôn mê, tụt huyết áp, tê liệt cơ thể và thậm chí là tử vong. Đặc biệt, người bị bệnh tim mạch, hen suyễn tiếp xúc với khí N2O có thể bị nguy hiểm tới tính mạng do ngạt khí, suy hô hấp.
Cụ bà bị bỏng kết mạc do nhỏ nhầm dầu gió vào mắt
Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, các bác sĩ khoa Mắt Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí cho biết, khoa tiếp nhận một trường hợp cụ bà Đ.T.D trú tại Bắc Sơn – Uông Bí (Quảng Ninh) vào viện vì 2 mắt cộm, đỏ, chảy nước mắt, nhìn mờ.
Theo lởi kể của người bệnh, trong lúc ở nhà cụ thấy mắt xuất hiện cộm, nhức. Cụ liền tìm lọ nước nhỏ mắt để nhỏ cho mắt dịu, nhưng do mắt kém nên cụ lấy nhầm lọ dầu gió và nhỏ vào mắt. Sau khi nhỏ thấy mắt bỏng dát cụ thông báo cho con cháu đưa đến bệnh viện.
Tại khoa khoa Mắt, qua thăm khám chẩn đoán bác sĩ kết luận người bệnh bị bỏng kết giác mạc độ 1 và được chỉ định nhập viên điều trị. Sau điều trị phục hồi mắt tốt, người bệnh đã được ra viện.
Dầu gió vô tình rơi vào mắt sẽ thành một tác nhân hóa chất gây bỏng. Ảnh minh họa: Sức Khỏe & Đời Sống
Ths. BS Đặng Thị Phương - khoa Mắt Bệnh viện Việt Nam Thuỵ Điển Uông Bí chia sẻ, dầu gió là một chất lỏng dạng tinh dầu, thường là tinh dầu bạc hà và các thành phần phụ tùy thuộc công thức riêng của nhà sản xuất, được sử dụng phổ biến trong nhiều gia đình công dụng xoa bóp chỉ được dùng ngoài da, khi vô tình dầu gió rơi vào mắt sẽ thành một tác nhân hóa chất gây bỏng.
Tùy thời gian tiếp xúc và nồng độ đậm đặc của hóa chất mà mức độ tổn thương khác nhau. Trường hợp nặng tổn thương có thể để lại sẹo gây giảm thị lực vĩnh viễn. Vì vậy, việc phòng tránh sự cố nhỏ nhầm dầu gió vào mắt là rất quan trọng.
XEM THÊM: Sai lầm khi uống nước nhiều người mắc phải
Nếu không may sự cố xảy ra cần sơ cứu ngay tại chỗ bắng cách, rửa mắt bằng nước muối sinh lý 0.9 % hoặc rửa dưới vòi nước sạch; có thể sử dụng một chậu nước sạch và chớp mắt liên tục từ 5-10 phút. Việc làm này sẽ làm loãng hóa chất giảm tác hại gây bỏng sâu hơn. Sau đó cần nhanh chóng đến cơ sở y tế kiểm tra để được điều trị kịp thời.
Can thiệp ECMO cứu bé trai bị viêm cơ tim, sốc tim, suy đa tạng
VTV News đưa tin, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) vừa cứu sống một trẻ bị viêm cơ tim, sốc tim, suy đa tạng nặng bằng kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (ECMO).
Cụ thể, bé N.V.H. (15 tuổi, nam, trú tại Kế Sách, Sóc Trăng) khởi bệnh 2 ngày với các triệu chứng sốt nhẹ, nôn ói, đau bụng, vã mồ hôi, tay chân lạnh, ngất. Bệnh nhi được đưa vào bệnh viện địa phương và chẩn đoán sốc tim - viêm cơ tim, xử trí đặt nội khí quản, vận mạch, chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại bệnh viện, ghi nhận bệnh nhi lơ mơ, môi tái, chi mát, nhịp tim nhanh, monitor nhịp nhanh 180-220 lần/phút. Xét nghiệm men tim Troponin I, CK-MB tăng cao, siêu âm tim giảm phân suất tống máu EF còn 32-36% (bình thường EF 60-80%), tổn thương gan thận men gan tăng trên 2.000 đv/L, creatinine máu >160 micromol/L.
Bệnh nhi được chẩn đoán: Viêm cơ tim tối cấp, sốc tim, suy đa cơ quan. Các bác sĩ đã cho bệnh nhi thở máy, vận mạch, đồng thời hội chẩn ê-kíp tim mạch ngoại lồng ngực, hồi sức tích cực nhanh chóng tiến hành thực hiện ECMO.
Bệnh nhi được cai máy thở và được theo dõi điều trị tiếp. Ảnh: VTV News
Diễn tiến sức khỏe của bệnh nhi phức tạp, tổn thương đa cơ quan, gan, thận, phổi, rối loạn đông máu, rối điện giải, toan chuyển hóa. Bệnh nhi được điều chỉnh các rối loạn, điều trị hỗ trợ gan thận, truyền máu, huyết tương tươi đông lạnh, tiểu cầu.
Kết quả sau 7 ngày điều trị, tình trạng huyết động bệnh nhi ổn định, nhịp tim trở về nhịp xoang bình thường, được cai ECMO. Bệnh nhi được cai máy thở và được theo dõi điều trị tiếp.
Theo các bác sĩ, vào thời điểm giao mùa, thời tiết thất thường, có thể xuất hiện các trường hợp nhiễm siêu vi biến chứng viêm cơ tim. Do đó, khi thấy trẻ bị sốt nhẹ, người mệt mỏi, đau đầu, ói, đau bụng, sắc mặt xanh tái, tay chân tái, móng chân tay tái, ngất, đau ngực... gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Đinh Kim (T/h)