Cứu cụ ông 91 tuổi bị chèn ép tim cấp
Theo thông tin trên báo Pháp Luật Việt Nam, bác sĩ khoa Cấp cứu Bệnh viện Kiến An (TP.Hải Phòng) vừa cấp cứu thành công nam bệnh nhân V.V.K (91 tuổi, trú tại Nam Hưng, Tiên Lãng, Hải Phòng) bị chèn ép tim cấp.
Trước đó, vào 18h50 ngày 13/8, khoa Cấp cứu Bệnh viện Kiến An tiếp nhận bệnh nhân. Người bệnh được chẩn đoán tràn dịch màng ngoài tim, tràn dịch màng phổi, biến chứng chèn ép tim cấp. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, khó thở, huyết áp tụt.
Đây là trường hợp tràn dịch màng ngoài tim mức độ nhiều gây hội chứng ép tim cấp cần xử trí kịp thời, nếu chậm trễ bệnh nhân sẽ tử vong.
Người bệnh ổn định, tình trạng đau ngực và khó thở được cải thiện rõ rệt sau can thiệp thủ thuật. Ảnh: Pháp Luật Việt Nam
Các bác sĩ khoa Cấp cứu lập tức tiến hành chọc hút dẫn lưu dịch màng ngoài tim, hút ra gần 1500ml dịch máu loãng không đông. Sau can thiệp thủ thuật, bệnh nhân ổn định, tình trạng đau ngực và khó thở được cải thiện rõ rệt.
Bác sĩ CKI. Đào Phú Hà – Trưởng khoa Cấp cứu cho biết, tràn dịch màng tim là một trong những cấp cứu hàng đầu của tim mạch cần được xử trí ngay lập tức, nếu không tim có thể bị chèn ép, giảm co bóp, giảm vận chuyển oxy đến tổ chức, đặc biệt gây nguy cơ ngừng tim dẫn tới tử vong.
Do đó, người bệnh có các yếu tố nguy cơ tràn dịch màng ngoài tim như ung thư, suy kiệt, viêm màng tim, xơ gan…, khi có các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở... cần nhanh chóng đưa tới cơ sở y tế uy tín để điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
1 người tử vong, 2 người nhập viện sau khi ăn cá nóc
Theo TTXVN, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết ngày 20/8, bệnh viện tiếp nhận điều trị, cấp cứu hai ngư dân ăn trứng cá nóc bị ngộ độc là ông T.P.B (46 tuổi, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) và ông B.D.L (41 tuổi, ở phường Bình San, TP.Hà Tiên).
Cả hai nạn nhân nhập viện trong tình trạng co giật, tê lưỡi, tê tay chân, đau đầu, người mệt mỏi. Qua khám, khai thác, tìm hiểu các triệu chứng trên của nạn nhân, bác sĩ chẩn đoán bị ngộ độc cá nóc. Nhờ cấp cứu kịp thời, sức khỏe của hai ngư dân đã tạm ổn định, tiếp xúc tốt. Tuy nhiên, các bác sĩ tiếp tục theo dõi điều trị cho hai ngư dân này.
Theo các bác sĩ, những nạn nhân này vừa ăn cá nóc vừa uống rượu. Thực tế chưa nghiên cứu, xác định là rượu có thể làm tăng độc tính khi kết hợp với một số thành phần trong cá nóc hay không. Những dấu hiệu ngộ độc này rất tương xứng với triệu chứng lâm sàng của ngộ độc cá nóc.
Hai người đàn ông nhập viện sau khi ăn cá nóc. Ảnh minh họa
Trước đó, khoảng 17h ngày 19/8, hai ngư dân nói trên và ông N.X.H (quê ở Hà Tĩnh) đánh lưới mực cách quần đảo Nam Du khoảng 50 km và bắt được con cá nóc to nên làm thịt ăn. Con cá này có trứng, các ngư dân nấu canh chua và khi ăn có uống ít rượu.
Đến rạng sáng 20/8, ông N.X.H bị co giật và tử vong trước khi đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ông L. và ông B. khó thở, co giật, được thuyền viên trên tàu đánh cá đưa vào Trạm Y tế xã An Sơn, sau đó chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Kiên Hải sơ cấp cứu. Hai người tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị, hồi sức cấp cứu.
Can thiệp kịp thời cứu bệnh nhân có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào
VTV News đưa tin, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa can thiệp nút mạch cứu sống người bệnh (35 tuổi, trú tại Yên Bái) bị đa chấn thương, vỡ gan, vỡ thận độ IV.
Trước đó, bệnh nhân bị tai nạn giao thông được gia đình đưa vào Phòng khám Đa khoa Hùng Vương Sơn Dương (Tuyên Quang) cấp cứu. Tại đây, các y, bác sĩ khẩn trương thăm khám, thực hiện các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng. Kết quả hình ảnh siêu âm, CT- Scanner ổ bụng cho thấy: Vỡ gan độ IV, vỡ thận phải độ IV, có nhiều dịch trong ổ bụng.
Trước nguy cơ người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào do sốc mất máu, các bác sĩ Phòng khám Đa khoa Hùng Vương Sơn Dương đã nhanh chóng hội chẩn toàn hệ thống và vận chuyển người bệnh về Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương thực hiện nút mạch, cầm máu điều trị vỡ gan, vỡ thận.
Các bác sĩ tiến hành can thiệp nút mạch điều trị cho người bệnh. Ảnh: VTV News
Với sự hỗ trợ của hệ thống máy chụp mạch số hóa nền (DSA), các bác sĩ tiến hành can thiệp nút mạch cầm máu gan, thận thành công cho người bệnh. Hiện tại, sau 1 ngày thực hiện can thiệp, sức khỏe người bệnh tiến triển tốt, các chỉ số sinh tồn ổn định.
ThS.BS Trần Văn Kiên - Phó Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, gan, thận chứa rất nhiều mạch máu, nếu bị vỡ dễ bị mất máu nhanh, vì vậy cần phải được điều trị kịp thời. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật cấp cứu để xử lý các tổn thương.
XEM THÊM: Dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng mạnh trong một tuần gần đây
Với phương pháp nút mạch cầm máu, người bệnh sẽ không phải trải qua những cuộc đại phẫu nặng nề kéo dài, tiềm ẩn các biến chứng trong và sau phẫu thuật. Đây là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu với nhiều ưu điểm như: Thời gian thủ thuật ngắn, cầm máu tức thì, hạn chế tối đa xâm lấn, tổn thương ở gan mau phục hồi.
Đinh Kim (T/h)