Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/8: Đi khám vì ho khan, đau ngực, người phụ nữ phát hiện mắc ung thư

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 21/8/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 21/8/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Đi khám vì ho khan, đau ngực, người phụ nữ phát hiện mắc ung thư

VTV News đưa tin, nữ bệnh nhân N.T.T. (55 tuổi) vào Bệnh viện Bạch Mai do ho khan, đau ngực, khó thở. Bệnh nhân tiền sử khỏe mạnh. Tại Trung tâm Hô hấp, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính lồng ngực và phát hiện hình ảnh u phổi trái, tràn dịch màng phổi trái.

Các bác sĩ cho bệnh nhân chọc dịch màng phổi và gây dính màng phổi trái. Kết quả giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô tuyến di căn nguồn gốc phổi. Bệnh nhân được nhập vào Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu.

Tại đây, bệnh nhân được chọc dịch màng phổi kết quả giải phẫu bệnh là ung thư biểu mô tuyến di căn nguồn gốc phổi. EGFR có đột biến G719X trên exon 18. Bệnh nhân được điều trị bằng Afatinib 40mg/ngày.

Đánh giá sau 3 tháng điều trị, về lâm sàng ,bệnh nhân tỉnh, đỡ khó thở, đỡ ho. Về tác dụng phụ, bệnh nhân tổn thương da và niêm mạc độ 2, tiêu chảy độ 3, bệnh nhân dùng Loperamid 8mg/ngày.

Hình ảnh chụp cắt lớp vi tình lồng ngực người bệnh. Ảnh: VTV News

Sau 7 tháng điều trị, bệnh nhân không khó thở, không ho, không đau ngực, không còn tiêu chảy, tổn thương da và niêm mạc độ 2.

Đánh giá sau 11 tháng, bệnh đáp ứng một phần, lâm sàng ổn định, tác dụng phụ kiểm soát được. Sau 19 tháng, bệnh đáp ứng một phần, lâm sàng ổn định, tác dụng phụ kiểm soát được.

Đây là một trường hợp bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn di căn xa có đột biến gen nhưng là loại đột biến rất hiếm gặp và đáp ứng kém với các thuốc điều trị đích so với các đột biến gen thường gặp khác.

Tuy nhiên, trên bệnh nhân này, lựa chọn điều trị thuốc đích được khuyến cáo cho các đột biến hiếm gặp và được kết quả đáp ứng rất tốt tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu.

Phẫu thuật nội soi cắt u quái buồng trứng cho người phụ nữ

Theo thông tin trên báo Kinh Tế & Đô Thị, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khoa Ngoại Gan mật – Tiêu hoá và Ung bướu của bệnh viện đã phẫu thuật nội soi cắt u quái buồng trứng cho bệnh nhân nữ (SN 1986, ở Đại Từ, Thái Nguyên).

Bệnh nhân đã có một con lớn 10 tuổi, dự định có con thứ 2 (đã tiến hành làm IVF, hiện đang lưu phôi chờ cấy nhưng do khối u to chèn ép nên được chỉ định phẫu thuật trước khi cấy phôi vào tử cung). Chỉ trong 15 phút phẫu thuật nội soi, khối u buồng trứng được cắt và giải phóng ra khỏi các thành phần xung quanh.

TS Nguyễn Minh Trọng - Trưởng khoa Ngoại gan mật, tiêu hoá và ung bướu chia sẻ, đây là ca mổ với kỹ thuật mổ nội soi không khó về chuyên môn. Sự thống nhất của phẫu thuật viên và nhà sản khoa cùng bệnh nhân là chủ động lấy u qua đường trắng trên dưới rốn (thường sẽ lấy u qua đường ngang trên xương mu để đảm bảo thẩm mỹ).

Sự thống nhất này để đảm bảo tối đa tránh viêm dính vùng tiểu khung để cho bệnh nhân thuận lợi cho việc cấy phôi thai vào tử cung sau mổ.  Sau mổ, bệnh nhân được ăn ngay ngày đầu và ra viện sớm.

Theo TS Nguyễn Minh Trọng, u quái buồng trứng (u tế bào mầm – Germ cell tumors) hay còn được gọi là u bì buồng trứng, u nang bì buồng trứng hay Teratoma buồng trứng, có nguồn gốc phát triển phát triển từ tế bào mầm nguyên thuỷ của buồng trứng. Khối u này có thể lành tính (ví dụ: u quái trưởng thành) hoặc ác tính (ví dụ: u quái chưa trưởng thành, u tế bào mầm, khối u túi noãn hoàng, u tế bào mầm phối hợp).

XEM THÊM: Ăn cua đá núi, người đàn ông bị tổn thương phổi đến mức ho ra máu

Đối tượng dễ mắc phải u bì buồng trứng là phụ nữ trong độ tuổi khoảng 20-30. Phần lớn các trường hợp mắc căn bệnh này được phát hiện bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh (siêu âm, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ...) hoặc khi mổ lấy thai.

U bì buồng trứng thường là lành tính nhưng vì cấu tạo rất phức tạp, phát triển từ mô thượng bì trong phôi thai nên nếu không phát hiện và xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm tính mạng.

Việc hiểu rõ bản chất của khối u giúp các phẫu thuật viên tiêu hoá, sản khoa lựa chọn phương pháp phẫu thuật, đặc biệt tránh làm vỡ u trong ổ bụng (tốt nhất là lấy trọn vẹn u nhưng trong những trường hợp u quá lớn thì phải được khu trú chỗ mở u ở ngoài thành bụng).

Nam bệnh nhân có răng mọc lạc chỗ trong xoang sàng 

Theo VTV News, Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai vừa phẫu thuật thành công trường hợp răng mọc lạc chỗ trong xoang sàng cho nam bệnh nhân N.B.C. (33 tuổi).

Bệnh nhân kể, lúc nhỏ anh có 1 chiếc răng sữa lung lay nhưng không thấy rụng, trong thời gian dài mỗi khi đi ngoài đường một lúc là nghẹt mũi khó chịu, thời gian gần đây còn thường xuyên bị đỏ mắt, nhức mắt, đau đầu, mệt mỏi, cho nên anh đã đi thăm khám.

Sau khi được thăm khám tại bệnh viện, người bệnh được nội soi mũi xoang, nghi ngờ viêm mũi xoang mạn, tuy nhiên qua kết quả CT mũi xoang, anh được chẩn đoán viêm hàm sàng, kèm theo dị vật mật độ xương, hình giống chiếc răng nằm trong xoang sàn.

Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi mũi xoang và lấy dị vật, gửi giải phẫu bệnh. Kết quả giải phẫu bệnh xác định răng lạc chỗ trong xoang sàng.

Bác sĩ thăm khám cho nam bệnh nhân. Ảnh: VTV News

Bác sĩ CKII Nguyễn Thành Nhân - chuyên khoa tai mũi họng cho biết, răng mọc lạc chỗ là những răng không nằm đúng vị trí của chúng trên cung hàm mà mọc ở những chỗ khác như ở vòm miệng, phía trong hay ngoài cung răng, trong xoang… Răng lạc chỗ trong xoang hàm thuộc dạng hiếm gặp, còn trong xoang sàng thì thuộc dạng cực hiếm.

Nguyên nhân răng mọc lạc chỗ hiện vẫn chưa rõ. Triệu chứng tuỳ thuộc vào vị trí của răng lạc chỗ, răng mọc lạc chỗ trong xoang có thể gây viêm xoang như sổ mũi, nghẹt mũi, nhức đầu… không đáp ứng với điều trị nội khoa và hay tái phát thường xuyên. Điều trị răng mọc lạc chỗ là phẫu thuật lấy răng.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật