Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/8: Cứu cụ bà 100 tuổi bị nhồi máu cơ tim nguy kịch

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/8/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 19/8/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cứu cụ bà 100 tuổi bị nhồi máu cơ tim nguy kịch

Báo Kinh tế & Đô Thị dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa cứu sống cụ bà H.T.N (SN 1923, ngụ tại Phước Thới, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) bị nhồi máu cơ tim nguy kịch bằng phương pháp can thiệp động mạch vành.

Trước đó, ngày 8/8, bệnh nhân nhập viện tại khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Đa khoa TP.Cần Thơ trong tình trạng đau ngực trái kéo dài nhiều giờ, kèm mệt, khó thở. Sau khi nhập viện, các bác sĩ đã thăm khám và xác định tình trạnh bệnh nhân rất nặng do nhồi máu cơ tim cấp thành trước giờ thứ 6, biến chứng phù phổi cấp.

Ngay sau khi hội chẩn khẩn với ekip trực đơn vị can thiệp tim mạch bệnh nhân được chỉ định chụp và can thiệp động mạch vành cấp cứu. Hình ảnh mạch vành cản quang cho thấy, tắc đoạn gần nhánh động mạch liên thất trước, đây là nhánh động mạch quan trọng, tưới máu cho #45-50% cơ tim, gây tụt huyết áp, suy tim cấp, nguy cơ tử vong rất cao.

Bác sĩ CKII Đoàn Thanh Tuấn thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Kinh Tế & Đô Thị

Sau 30 phút thực hiện thủ thuật mạch vành được tái thông hoàn toàn, bệnh nhân giảm đau ngực, giảm mệt, hết khó thở. Hiện tại, bệnh nhân tỉnh, huyết động ổn định, đang được theo dõi điều trị  tại khoa Tim mạch và dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Bác sĩ CKII Đoàn Thanh Tuấn - Phó Trưởng Khoa Tim mạch - Lão học, Trưởng ekip can thiệp tim mạch cho biết, khi nhập viện tình trạng của bệnh nhân rất nặng.

Ngoài ra, can thiệp động mạch vành ở người lớn tuổi thường khó khăn hơn do mạch vành vôi hóa, xoắn vặn, tổn thương nhiều nhánh động mạch vành, kèm theo nhiều bệnh nền nặng.

Hàng năm, bệnh viện cũng tiếp nhận can thiệp cấp cứu cho nhiều bệnh nhân trên 80 tuổi, nhưng trường hợp cụ bà là đặc biệt nhất cho đến hiện nay.

Người đàn ông bị áp xe do biến chứng của bệnh đái tháo đường

Theo VTV News, nam bệnh nhân L.Q.S. (66 tuổi, trú tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) bị áp xe gan do biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường, vừa được Bệnh viện Nội tiết Trung ương xử trí điều trị thành công.

Trước đó, người bệnh được đưa vào viện trong tình trạng sốt cao 39 độ C, da, niêm mạc kém hồng, đường huyết tăng. Theo thông tin hồ sơ từ tuyến dưới chuyển lên và khai thác từ người nhà, bệnh nhân được chẩn đoán mắc đái tháo đường hơn 8 năm nay và đang được điều trị thuốc.

Tuy nhiên, cách thời gian vào viện khoảng 6 tuần, bệnh nhân xuất hiện sốt rét run, từng cơn, khoảng 2 - 3 cơn/ngày, nhiệt độ cao nhất 40 độ C, phải dùng thuốc hạ sốt. Ngoài ra, bệnh nhân còn mệt mỏi nhiều, ăn uống kém, gầy sút nhanh (4 kg/6 tuần). Mặc dù được điều trị nhưng tình trạng không cải thiện nên bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Tại khoa Điều trị tích cực, bệnh nhân được chỉ định thăm dò chức năng toàn trạng; kiểm tra mạch, nhiệt độ, huyết áp; kiểm tra gan, lách... Thông qua các kết quả kiểm tra cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán áp xe gan, đái tháo đường type 2.

Sau khi hội chẩn nhanh liên khoa, bệnh nhân đã được xử trí kháng sinh, kiểm soát đường huyết bằng việc tiêm insulin. Sau 4 ngày điều trị lâm sàng, thể trạng bệnh nhân đã ổn định, số cơn sốt và tần suất sốt giảm dần.

Bé 6 tuổi tử vong sau khi bị chó cắn vào gò má

VietNamNet dẫn lời một lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) cho biết, nạn nhân là cháu H.Đ.P. (SN 2017, trú tại khóm 5, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa).

Theo thông tin ban đầu, sáng 13/8, cháu bé được đưa đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa trong tình trạng sốt cao 39 độ C, da nhợt nhạt, tức ngực khó thở, nhịp tim nhanh, sợ uống nước, vẻ mặt hoảng sợ.

Đến 16h cùng ngày, bé được bác sĩ tại Trung tâm Y tế khuyến nghị chuyển lên tuyến trên nhưng người nhà không hợp tác chuyển tuyến mà xin đưa trẻ về nhà để điều trị bằng thuốc Đông y.

Đến 10h13 ngày 14/8, người nhà thấy cháu bé ngừng thở, tím tái nên đưa trở lại vào viện. Tuy nhiên, lúc vào viện, cháu bé đã ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn, chẩn đoán tử vong ngoại viện.

Qua điều tra yếu tố dịch tễ, cách thời điểm khởi phát bệnh 23 ngày (23/7), cháu bé bị chó nhà hàng xóm cắn ở gò má phải, không được đưa đi tiêm huyết thanh và vaccine kháng dại.

Người nhà xử lý vết thương bằng cách dùng nước lã rửa sạch vết cắn và dùng lá ớt đắp vào vết thương. Trong thời gian từ khi bị chó cắn cho đến ngày phát bệnh (12/8), cháu bé vẫn ăn uống, vui chơi bình thường.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện quản lý chó, mèo theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Ảnh minh họa

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa chia sẻ, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại. Bệnh có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều tử vong.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện quản lý chó, mèo theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Cụ thể, tiêm phòng 100% cho chó, mèo, khai báo chó, mèo nuôi với chính quyền địa phương, nuôi chó phải xích, nhốt, ra đường phải đeo rọ mõm.

XEM THÊM: 5 thói quen vào ban đêm của người sống thọ: Cực đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được

Khi phát hiện trường hợp chó nghi dại, chó cắn nhiều người, hoặc nhiều chó, mèo trên địa bàn ốm, chết không rõ nguyên nhân, người dân cần báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan y tế hoặc thú y.

“Khi bị chó, mèo cắn người dân rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường, cồn, rượu, dầu gội, bột giặt... Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhằm hạn chế lượng virus xâm nhập vào cơ thể”, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa thông tin.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật