Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/8: Bé trai 3 tháng tuổi sốt cao, co giật do bị viêm màng não

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 16/8/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 16/8/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé trai 3 tháng tuổi sốt cao, co giật do bị viêm màng não

VTV News đưa tin, bé trai 3 tháng tuổi sốt cao, co giật do viêm màng não vừa được các bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cấp cứu thành công. Trước đó, bệnh nhi được đưa đến cấp cứu trong tình trạng sốt cao liên tục trong 2 ngày, kèm co giật, lừ đừ, bú kém.

Tại khoa Nhi, sau quá trình thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhanh chóng chỉ định các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết, kết quả cho thấy bệnh nhi bị viêm phổi nặng, thiếu máu, nhiễm trùng huyết kèm nghi ngờ viêm màng não.

Ngay lập tức, bệnh nhi được theo dõi viêm màng não và được chọc dò dịch não tủy. Kết quả phù hợp với chẩn đoán viêm màng não như nhận định ban đầu của các bác sĩ.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi. Ảnh: VTV News

Bệnh nhi được điều trị bằng thuốc kháng sinh theo phác đồ và theo dõi chặt chẽ tại Khoa Nhi. Sau hơn 2 tuần, bệnh nhi tỉnh táo, hồng hào, bú tốt và đã được xuất viện.

Bác sĩ CKI Nguyễn Trí Minh - chuyên khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh cho biết, thời gian qua, khoa đã điều trị thành công khá nhiều trường hợp viêm màng não ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Bệnh viêm màng não ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến nhiều biến chứng vô cùng nguy hiểm, nếu không phát hiện sớm điều trị kịp thời thì có thể gặp phải các di chứng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tương lai của trẻ và nặng nề nhất là dẫn đến tử vong.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, khi trẻ dưới 6 tháng tuổi xuất hiện triệu chứng sốt cao co giật, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, để phòng ngừa bệnh, trẻ cần được tiêm phòng vaccine viêm màng não như Hib, phế cầu, não mô cầu đúng và đủ liều.

Cứu kịp thời bé 2 tuổi uống nhầm nước tẩy bồn cầu

Theo thông tin trên báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cho biết đang tiến hành điều trị tích cực cho một trường hợp bệnh nhi 2 tuổi bị bỏng nặng do uống nhầm nước tẩy rửa bồn cầu.

Trước đó, ngày 12/8, bệnh viện tiếp nhận một cháu bé trong trường hợp bị bỏng, tổn thương da nghiêm trọng. Người nhà bệnh nhi cho hay, bé tưởng chai nước tẩy bồn cầu là nước ngọt nên bé đã cầm lên uống.

Theo các bác sĩ khoa Nhi cấp cứu – Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng, cháu bé bị tổn thương da và miệng nghiêm trọng nhưng may mắn không ghi nhận tổn thương thực quản và dạ dày. Hiện bệnh nhi đang được điều trị chăm sóc tích cực và theo dõi sát.

Bệnh nhi đang được điều trị chăm sóc tích cực và theo dõi sát. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng khuyến cáo chất tẩy rửa bồn cầu là loại dung dịch có tính axit hay kiềm (tùy theo hãng sản xuất) nên có tính ăn mòn cực mạnh đến mức bố bé chỉ bồng bé, tiếp xúc với da bé qua lớp áo mà cũng bị bỏng theo. Do vậy, khi tiếp xúc da sẽ gây ra hiện tượng bỏng lan tỏa, rất đau đớn và nguy cơ ảnh hưởng tính mạng nếu uống nhầm hoặc hít phải dung dịch này.

Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng cảnh báo, các gia đình có con nhỏ nên để xa tầm tay trẻ các lại sản phẩm từ hóa chất như nước thông cống, nước tẩy bồn cầu để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Sốt nóng từng cơn kéo dài, người đàn ông phát hiện mắc bệnh Whitmore

Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La vừa tiếp nhận điều trị cho nam bệnh nhân 56 tuổi mắc căn bệnh Whitmore. VTV News đưa tin, qua khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường, vào Bệnh viện đa khoa huyện Phù Yên (Sơn La) thăm khám sau khi xuất hiện sốt nóng từng cơn kéo dài liên tục 5 ngày.

Bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị trong thời gian hơn 1 tháng với chẩn đoán nhiễm vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle. Sau đó, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La khi kết quả điều trị có tiến triển.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hết sốt nhưng rất mệt mỏi, ăn uống, ngủ kém, áp xe cơ cánh tay (P), được chẩn đoán nhiễm bệnh Melioidosis (Whitmore) /Viêm gan B/ Đái tháo đường type II.

Hiện tại, các bác sĩ tiếp tục điều trị cho bệnh nhân theo phác đồ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, truyền kháng sinh kết hợp truyền dịch và điều trị đái tháo đường, thay băng vết thương hàng ngày.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh Whitmore. Ảnh: VTV News

Qua trường hợp bệnh nhân trên, các bác sĩ khoa Truyền nhiễm đưa ra khuyến cáo phòng bệnh Whitmore. Cụ thể, những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch hay người có vết thương ngoài da có nguy cơ mắc bệnh melioidosis cao hơn, nên tránh tiếp xúc với đất và vũng nước đọng.

Nếu phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường đất và nước, đặc biệt là môi trường ô nhiễm thì phải mang găng tay, ủng không thấm nước và vệ sinh dụng cụ bảo vệ thường xuyên.

XEM THÊM: Bé trai bị sốc phản vệ nặng sau khi ăn hải sản

Ngoài ra, cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn.

Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật