Nghi mắc ung thư, thanh niên đi khám thì phát hiện điều bất ngờ
Báo Sức Khỏe & Đời Sống dẫn thông tin từ Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM cho hay, các bác sĩ của bệnh viện vừa phẫu thuật gắp xương cá thành công cho nam bệnh nhân T.B.T. (17 tuổi, ở Kiên Giang) bị hóc xương cá từ đường ăn "di cư" ra vùng cổ.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân tên T. cho biết, cách đây 6 tháng, anh có tham gia buổi tiệc, có uống say và không nhớ mình đã bị hóc xương cá. Sau khi bị hóc xương khoảng 3 - 4 ngày, T. thấy cổ nổi hạch ngay dưới cằm và sưng lên.
Sau một tuần, T. bị sốt, đi khám ở bệnh viện địa phương và được chẩn đoán viêm hạch bình thường. Bệnh nhân tự uống thuốc thì hạch xẹp nhưng ngưng thuốc hạch lại sưng.
6 tháng sau, T. thấy khối u nghi mình bị ung thư nên tự lên Bệnh viện Ung bướu TPHCM khám. Bác sĩ siêu âm phát hiện có dị vật và chuyển T. qua Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM điều trị.
Dị vật là xương cá được các bác sĩ gắp ra ngoài. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Tại Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM, bác sĩ ghi nhận một khối sượng cứng vùng dưới cằm lệch ở bên phải, đường kính khoảng 3cm, ấn đau nhẹ. Kết quả, CT-Scan cho thấy bên trong khối sượng cứng có dị vật dài khoảng 16mm ở sàn miệng bên phải. Bệnh nhân được chẩn đoán dị vật sàn miệng, biến chứng áp xe mô mềm xung quanh.
Ngày 5/8, bệnh nhân được phẫu thuật mở vùng sàn miệng đường ngoài dẫn lưu áp xe và lấy dị vật sàn miệng. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ dẫn lưu ra khoảng 5ml mủ đục và lấy dị vật là xương cá ở vùng sàn miệng kích thước khoảng 15mm.
Sau khi mổ, bệnh nhân giảm đau. Đến ngày 14/8, vết mổ khô, bệnh nhân được cắt chỉ và xuất viện.
Hơn 40 ngày nỗ lực cứu người đàn ông 54 tuổi bị nhiễm khuẩn uốn ván
Theo chia sẻ của bác sĩ CKI Trương Quang Chiến - Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang, nam bệnh nhân N.V.M (54 tuổi) có một chiếc răng sâu, rất khó chịu.
Ông có thói quen dùng tăm tre hoặc các vật sắc nhọn (như cành cây) để xỉa răng, nhiều lần chảy máu chân răng Thói quen lâu ngày này dẫn đến việc bị nhiễm khuẩn uốn ván qua đường máu.
XEM THÊM: Biến thể phụ EG.5 Omicron khiến số ca mắc COVID-19 tăng lên, Bộ Y tế khuyến cáo gì?
Cuối tháng 6, ông M. đau mỏi người, cứng cơ hàm với mức độ tăng dần, ăn uống rất khó khăn nên được người thân đưa vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới điều trị. Lúc này, bệnh nhân xuất hiện tăng trương lực cơ, co giật toàn thân liên tục, suy hô hấp, không đáp ứng với thuốc an thần.
"Bệnh nhân có diễn biến nặng rất nhanh một phần do tiền sử nghiện ma túy khoảng 20 năm, sức đề kháng yếu, viêm phổi nặng, khả năng đáp ứng với thuốc chậm", VietNamNet dẫn lời bác sĩ Chiến.
Các bác sĩ can thiệp bằng phương pháp đặt ống nội khí quản thở máy xâm nhập, thở máy. Hai ngày sau, tiên lượng thời gian nằm viện của bệnh nhân uốn ván sẽ kéo dài, bác sĩ quyết định mở khí quản để thở máy, đồng thời duy trì thuốc an thần liên tục kết hợp với dùng thuốc điều trị cai nghiện ma túy.
Bác sĩ thăm khám cho nam bệnh nhân trong quá trình điều trị. Ảnh: VietNamNet
"Suốt hơn 1 tháng điều trị cho nam bệnh nhân, nhiều lần chúng tôi tưởng chừng đã thất bại vì những biến chứng loét do tì đè, viêm phổi thở máy dài ngày...", bác sĩ Chiến nói. Cuối cùng, bệnh nhân đã được xử trí ổn các biến chứng.
Sau hơn 30 ngày thở máy kết hợp với chế độ điều trị, chăm sóc hồi sức tích cực, bệnh nhân M. dần tiến triển, nhận biết được xung quanh, từng bước cai thở máy. Tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân lên đến 125 triệu đồng, với hồ sơ bệnh án nặng tới 2kg cho hơn 40 ngày điều trị. Đến chiều 14/8, bệnh nhân tự ăn uống, đi lại và được xuất viện về gia đình.
Đây là ca bệnh uốn ván thứ 5 ở Trung tâm Bệnh nhiệt đới từ đầu năm đến nay, cũng là trường hợp đặc biệt nhất. Các bệnh nhân trước bị bệnh do chấn thương nhưng không tiêm uốn ván. Đơn cử, có trường hợp bệnh nhân đi dép buộc dây thép, dây sắt, loại dây này cọ xát vào chân, gây vết thương chảy máu, khiến vi khuẩn uốn ván xâm nhập.
Hà Nội ghi nhận thêm 59 ổ dịch sốt xuất huyết trong một tuần
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, trong tuần qua (từ ngày 4-11/8), trên địa bàn thành phố ghi nhận thêm 762 ca mắc sốt xuất huyết và 59 ổ dịch.
Cụ thể, số ca mắc sốt xuất huyết và ổ dịch mới trong tuần qua được ghi nhận tại 29 quận, huyện, thị xã (tăng 121 ca so với tuần trước đó). Trong số các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhất là Thanh Trì với 160 ca, tiếp đến là Thạch Thất (54 ca), Hoàng Mai (51 ca), Bắc Từ Liêm (47 ca), Hà Đông (45 ca).
Các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân là xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì (102 ca); xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (29 ca); xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (22 ca); phường Định Công, quận Hoàng Mai (19 ca), xã Văn Tự, huyện Thường Tín (15 ca), theo thông tin trên báo Công An Nhân Dân.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội có 3.512 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm 2022), chưa ghi nhận ca tử vong. Tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 440/579 xã, phường, thị trấn có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết .
Khi có nhu cầu diệt muỗi, người dân có thể liên hệ đến cơ sở y tế dự phòng ở địa phương. Ảnh minh họa: Công An Nhân Dân
Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho hay, chu kỳ trước đây là 4-5 năm lặp lại dịch sốt xuất huyết nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã bị phá vỡ.
Năm nay thời tiết mưa nắng rất thất thường, có nhiệt độ trung bình cao làm môi trường sống của muỗi gây sốt xuất huyết phát triển, nên khả năng cao bùng phát dịch tại miền Bắc.
Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang tăng nhanh ở Hà Nội, nhiều gia đình tự mua các loại hóa chất diệt muỗi để phòng dịch sốt xuất huyết.
Theo TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa côn trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng Trung ương, khi có nhu cầu diệt muỗi, người dân có thể liên hệ đến cơ sở y tế dự phòng ở địa phương. Không nên mua và tự sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra tình trạng muỗi kháng thuốc.
Đinh Kim (T/h)