Nội soi lấy mảnh thủy tinh sắc nhọn trong dạ dày bé trai
Báo Đồng Nai đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai vừa nội soi lấy dị vật là mảnh thủy tinh sắc nhọn trong dạ dày bé trai 8,5 tháng tuổi ở huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Được biết, đây là ca nuốt dị vật rất nguy hiểm.
Theo bác sĩ CKI Mạc Quốc Dũng - Phó trưởng khoa, phụ trách khoa Tiêu hóa, bệnh nhi nhập viện cấp cứu vào tối 20/12. Người nhà cho biết trước đó bệnh nhi nuốt phải vật lạ, bị sặc, khó chịu.
Bác sĩ kiểm tra cho bệnh nhi trước khi bé xuất viện. Ảnh: Báo Đồng Nai
Kết quả chụp X-quang cho thấy có một dị vật dài khoảng 2cm trong dạ dày bệnh nhi. Ngay trong đêm, các bác sĩ đã nội soi, thấy dị vật là mảnh thủy tinh hình tam giác sắc nhọn ghim sát vào niêm mạc dạ dày gây chảy máu.
Sau đó, các bác sĩ đã dùng dụng cụ lấy thành công mảnh thủy tinh ra khỏi cơ thể bệnh nhi qua đường miệng. Bác sĩ Dũng chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông tiếp nhận ca nuốt dị vật là mảnh thủy tinh sắc nhọn. Nếu chậm trễ mảnh thủy tinh có thể gây thủng ruột bệnh nhi. Khi đó, việc điều trị sẽ rất khó khăn và tốn kém.
Nhân đây, bác sĩ Dũng khuyến cáo khi biết trẻ nuốt dị vật, cha mẹ cần đưa trẻ đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, cấp cứu, không nên tự ý lấy dị vật bởi có thể vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn trong đường thở, khiến trẻ tím tái, ngưng thở, ngưng tim.
Người phụ nữ bị đột quỵ khi đang điều trị xuất huyết dạ dày
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, nữ bệnh nhân N.T.T ở Hà Nội nhập viện ngày 17/12 để điều trị chảy máu đường tiêu hóa do loét dạ dày. Tại đây, bệnh nhân được nội soi can thiệp cầm máu, dùng thuốc giảm acid dịch vị, truyền máu, sau 3 ngày thì tình trạng ổn định hơn.
Đến sáng ngày 20/12, gia đình phát hiện bệnh nhân có tình trạng méo miệng, nói khó, liệt thần kinh mặt và yếu nửa người trái, huyết áp tăng rất cao (200/120 mmHg). Đây là những dấu hiệu điển hình của đột quỵ.
Các bác sĩ nhanh chóng đánh giá và chụp phim cắt lớp sọ não bệnh nhân, chẩn đoán xuất huyết cầu não và chuyển bệnh nhân đến đơn nguyên điều trị đột quỵ, báo An Ninh Thủ Đô thông tin.
Hình ảnh chụp phim não của bệnh nhân. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến – khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, trong hơn 200.000 ca đột quỵ mới mỗi năm tại nước ta, khoảng 80% trường hợp có bệnh nền tăng huyết áp.
Thời tiết lạnh không tác động trực tiếp gây đột quỵ nhưng khi nhiệt độ xuống thấp sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ do tình trạng tăng huyết áp đột ngột. Vì thế, để phòng tránh đột quỵ vào trời lạnh, cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng đầu và cổ, đồng thời ngủ trong phòng kín gió.
Phẫu thuật thay van cứu bệnh nhân bị hẹp van 2 lá 20 năm
Theo VTV News, các bác sĩ khoa Tim mạch Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng vừa phẫu thuật thay van thành công, cứu sống bệnh nhân N.T.T (63 tuổi, Hòa Ninh, Đà Nẵng) bị hẹp van 2 lá 20 năm với nhiều biến chứng.
Được biết, dù phát hiện bệnh tim hẹp van 2 lá đến nay gần tròn 20 năm nhưng bệnh nhân chưa từng phẫu thuật vì một số lý do cá nhân. Thời gian gần đây, tình trạng bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa, tiến triển nặng hơn với các biến chứng suy tim, rung nhĩ… khiến bệnh nhân luôn trong tình trạng khó thở, rất mệt.
Người bệnh được gia đình chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng trong tình trạng van 2 lá hẹp khít, rung nhĩ, suy tim, biến chứng phù phổi cấp, suy hô hấp nặng, phải thở máy. Sau khi xem xét tình trạng bệnh, ekip bác sĩ khoa Tim mạch tiến hành hội chẩn cùng bác sĩ gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, quyết định phải tiến hành phẫu thuật thay van sớm để kịp thời xử lý biến chứng, cải thiện tình trạng sức khỏe cho bệnh nhân.
Bệnh nhân được xuất viện sau 10 ngày điều trị. Ảnh: VTV News
ThS.BS Nguyễn Thanh Hiền, Trưởng Khoa Ngoại tim mạch - Lồng ngực cho biết người bệnh có tiền sử hẹp van 2 lá nặng đã nhiều năm. Căn bệnh kéo dài trong tình trạng kém đáp ứng với điều trị nội khoa, hiện đã có biến chứng suy hô hấp, suy tim, rối loạn nhịp, hình thành huyết khối trong nhĩ trái.
Một ca phẫu thuật tim thông thường đã ẩn chứa nhiều rủi ro, đối với trường hợp bệnh nhân này, thời điểm các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân, trình trạng bệnh đã rất nặng, tiên lượng khó lường, không thể trì hoãn, ekip phải phẫu thuật sớm để tránh những diễn tiến xấu hơn cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật kéo dài 3 tiếng, bệnh nhân được thay van 2 lá, lấy sạch toàn bộ huyết khối. 24 tiếng sau phẫu thuật, người bệnh được rút nội khí quản, tự thở được, tự ăn uống và được xuất viện sau 10 ngày điều trị.
Đinh Kim (T/h)