Phát hiện mắc ung thư sau khi có cảm giác kiệt sức bất thường
Theo The Sun, tháng 12/2021, Anna Tower-Kovesdi (35 tuổi) đang cùng chồng tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần ở Chicago (Mỹ) thì có cảm giác kiệt sức bất thường. Khi trở về nhà ở bang Colorado, các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
Người phụ nữ bị đổ mồ hôi đêm, mệt mỏi, khó thở, bầm tím và sốt. Ngày 19/12, cô nhập viện cấp cứu. Các xét nghiệm cho thấy co bị bệnh bạch cầu cấp tính (ung thư máu) và căn bệnh đang phát triển nhanh chóng.
Tại thời điểm phát hiện bệnh, Anna và chồng mới kết hôn được 5 tháng. “Khi biết kết quả chẩn đoán, tôi đã nói với chồng rằng tôi không muốn chết. Tôi hỏi anh ấy có chắc chắn muốn ở bên tôi lúc này không”, Anna chia sẻ.
Người chồng trấn an Anna rằng anh sẽ không rời đi. Sau đó, Anna được trực thăng đưa từ quê nhà đến Denver vào lúc nửa đêm để bắt đầu hóa trị liệu chuyên sâu. Hành trình sau đó là thử thách lớn đối với cuộc hôn nhân và sức khỏe của Anna khi cô nằm viện suốt một tháng.
Anna đón Giáng sinh cùng chồng trong bệnh viện. Ảnh: The Sun
Cuộc chiến chống ung thư của Anna vô cùng khó khăn. Bên cạnh các triệu chứng buồn nôn, nhức đầu, đau dạ dày, nôn mửa, loét miệng, khô da, cô còn phải đối mặt với những thay đổi về ngoại hình. Trong khi đó, chồng Anna từ bỏ cuộc sống bình thường để ở bên vợ 24/7, làm việc từ xa bên giường bệnh của cô.
Sau hơn một năm phát hiện bệnh, tình hình sức khỏe của Anna đã có dấu hiệu khả quan hơn nhưng cô chưa thể lấy lại ngoại hình như trước đây. Cô sẽ tiếp tục điều trị bằng nhiều loại hóa trị liệu và thuốc ít nhất cho đến tháng 6/2024. Người phụ nữ khuyên mọi người nên đi khám nếu cảm thấy có điều gì đó không ổn.
Kén khí trắng trong phổi người đàn ông hút thuốc lá nhiều năm
VnExpress thông tin, người đàn ông 67 tuổi hút thuốc lá, thuốc lào 40 năm nay. Gần đây, bệnh nhân khó thở, đau ngực, CT phổi ghi nhận nhiều kén khí trắng, vỡ.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), bệnh nhân hút thuốc lá nhiều năm nên kén khí hình thành ở hai bên đỉnh và đáy của lá phổi bên phải. Các kén khí này vỡ gây tràn khí màng phổi, khó thở, đau hai bên ngực, đe dọa tính mạng bệnh nhân.
Phim chụp CT phổi của bệnh nhân cho thấy các kén khí (điểm trắng). Ảnh: VnExpress
Người bệnh được dẫn lưu khí màng phổi, sau 2 ngày điều trị bệnh vẫn chưa thuyên giảm. Sau đó, bác sĩ đã phẫu thuật nội soi cắt kén khí, khâu phục hồi nhu mô phổi, cải thiện chức năng hô hấp, vận động, tránh nguy cơ khó thở kéo dài, viêm màng phổi, áp xe...
Hiện tại, sức khỏe người bệnh ổn định, bệnh nhân có thể vận động nhẹ nhàng, đi lại bình thường. Bác sĩ khuyến cáo mọi người không hút thuốc lá, thuốc lào để lá phổi khỏe mạnh. Người hút thuốc cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Người đàn ông nhập viện với nguy cơ hoại tử cả 2 chân
Theo báo Tiền Phong, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết đơn vị vừa tiếp nhận và can thiệp cho một trường hợp nhập viện với nguy cơ hoại tử cả 2 chân. Cụ thể, nam bệnh nhân T.H.P (69 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau nhức dữ dội cả hai chi. Nửa bàn chân trái xuất hiện những vết loét nhỏ. Vết loét có xu hướng lan rộng ra toàn bàn chân.
Tại phòng khám khoa Cấp cứu, sau khi thực hiện các xét nghiệm và đánh giá, bác sĩ xác định nguyên nhân khiến chân người bệnh bị lở loét là do tắc hẹp động mạch chi. Sau khi được chuyển đến khoa Lồng ngực - Mạch máu điều trị, tình trạng của người bệnh đang dần cải thiện.
Người bệnh bị tắc động mạch chi đến Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thăm khám. Ảnh: Tiền Phong
TS.BS Trần Thanh Vỹ - Trưởng khoa Lồng ngực – Mạch máu Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ, bệnh tắc hẹp động mạch chi (hay còn gọi là bệnh động mạch ngoại biên) là tình trạng xơ vữa động mạch ở các chi gây thiếu máu cục bộ. Bệnh này phần lớn xuất hiện ở nam giới.
Bên cạnh đó, người lớn tuổi, người mắc đái tháo đường, tăng cholesterol máu, tăng huyết áp, tăng homocystein máu hoặc người bị béo phì, hút thuốc lá nhiều cũng là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân bị tắc hẹp động mạch chi buộc phải cắt cụt chi để bảo toàn tính mạng. Khoảng 25% người bệnh tắc hẹp động mạch chi sẽ tử vong và 30-40% còn lại phải cắt cụt chi.
Đa số các trường hợp tử vong ở người bệnh tắc hẹp động mạch chi là do các biến cố về tim mạch như nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nếu người bệnh không điều trị tốt, tỷ lệ tử vong trong 5 năm tiếp theo là rất cao.
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần đến bệnh viện để thăm khám, điều trị sớm nếu thấy biểu hiện của những cơn đau bất thường ở chân hoặc tay nhằm tránh biến chứng nguy hiểm dẫn tới tàn phế do bệnh lý tắc hẹp động mạch chi.
Đinh Kim (T/h)