Kỳ lạ chú chó đam mê nhặt chai lọ nhựa trên đường
Yvonne Faulkner-Grant ở Anh chia sẻ, nhặt chai nhựa là mục tiêu và niềm đam mê của chú chó tên Scruff. Vợ chồng Yvonne nhận thấy điều bất thường ở chú chó giống Collie của mình từ năm 2021, khi họ đang đi dạo tại thị trấn Nuneaton (Anh).
Theo chia sẻ của người phụ nữ, Scruff luôn thích nhặt gậy nhưng gia đình cô đã ngừng hoạt động này sau khi bác sĩ thú y cảnh báo Scruff có thể bị thương miệng. Kể từ đó, vợ chồng cô phát hiện Scruff bắt đầu nhặt những chai nhựa bỏ đi trên các cánh đồng, công viên và đường phố quanh thị trấn.
Chú chó Scruff có niềm đam mê đặc biệt với việc nhặt chai lọ nhựa bị vứt bừa bãi trên đường.
“Khi nhìn thấy chai mà ai đó đã ném đi, Scruff sẽ nhặt nó lên, chơi đùa và sau đó bỏ lại cái chai trên đường”, Washington Post dẫn lời Yvonne.
Trong khi đó, chồng của Yvonne cho hay: “Thấy chúng tôi khen ngợi, Scruff đi tìm những cái chai khác, nhưng chúng tôi bắt đầu cảm thấy tồi tệ khi để lại những chai nhựa này trên đường phố. Dù nó không phải của chúng tôi, tôi vẫn cảm thấy đó là hành vi xả rác”.
Vì thế, hai vợ chồng Yvonne vạch ra một kế hoạch là sẽ mang theo túi vải khi đi dạo 2 lần mỗi ngày để thu thập và tái chế những chiếc chai mà Scruff nhặt được. Họ yêu cầu chú chó mang chai đến cho mình và bỏ vào túi. Mỗi khi về đến nhà, cả hai sẽ đếm xem đã thug om được bao nhiêu.
Trong gần 1 năm qua, vợ chồng Yvonne đã thu gom được hơn 1.000 chai nhựa và lon nước trái cây, soda… Scruff dường như cũng đã quen với công việc này, thường nhặt chai nhựa và để dưới chân Yvonne khi đi dạo để cô có thể mang về tái chế.
Câu chuyện về những cuộc phiêu lưu dọn dẹp của Scruff được gia đình Grant chia sẻ trên trang cá nhân của chồng Yvonne 1 lần/ tháng với hashtag #scruffsbottlepatrol và nhận được nhiều sự ủng hộ.
Nối thành công cẳng chân đứt rời do máy cắt cỏ cắt phải
VTV News đưa tin, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh (Đồng Nai) vừa tiếp nhận và phẫu thuật nối kịp thời cẳng chân phải bị đứt rời cho bệnh nhân nam do máy cắt cỏ cắt phải.
Cụ thể, bác sĩ CKII Phan Văn Huyên, Giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh nhân N.Đ.H. (50 tuổi, trú tại xã Cù Bị, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được đưa vào bệnh viện cấp cứu sáng ngày 19/12.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đứt lìa cẳng chân phải mổ cấp cứu khâu nối gấp. Sau 4 tiếng, ekip phẫu thuật khoa Chấn thương chỉnh hình đã nối thành công cẳng chân cho người bệnh. Đến chiều ngày 19/12, chân phải được khâu nối của bệnh nhân đã hồng hào trở lại, tiến triển tốt.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: VTV News
Theo chia sẻ của các bác sĩ, đã có nhiều trường hợp người dân bị máy cắt cỏ cắt đứt lìa chân trong quá trình cắt cỏ. Nếu không được cấp cứu, khâu nối kịp thời (khoảng từ 4-6 giờ sau khi bị thương), bệnh nhân không những không thể giữ được chân bị cắt đứt mà còn nguy hiểm đến tính mạng do bị mất nhiều máu. Vì vậy, mọi người cần hết sức cẩn thận khi sử dụng loại máy này, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bé gái 3 tuổi mắc chứng viêm gân gấp ngón cái
Theo VnExpress, đầu tháng 11, bệnh nhi P. ở Gia Lâm (Hà Nội) đến khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội thăm khám. Mẹ của bệnh nhi cho biết đã phát hiện con bị tật ở ngón tay từ lâu nhưng khi đó bé vẫn cầm nắm được đồ vật nên có phần chủ quan.
Gần đây, chị thấy ngón cái của con không bình thường, chạm vào mới biết ngón cái bị co cứng, gấp lại, không duỗi được, ảnh hưởng đến việc cầm nắm và sinh hoạt. ThS.BS Hoàng Văn Ban – Trung tâm Chấn thương chỉnh hình xác định bệnh nhi mắc chứng viêm gân gấp ngón cái (hay còn gọi ngón tay lò xo, ngón tay bật, ngón tay cò súng).
Được biết, đây là bệnh lý thường gặp ở trẻ từ 0 - 3 tuổi. Bệnh xảy ra do tình trạng viêm bao gân ở ngón tay. Ở trẻ nhỏ, ngón tay còn tiếp tục dài ra, việc bị bất động quá lâu dễ khiến gân gấp bị co ngắn, gây khó khăn cho việc quay trở lại vận động, ngay cả khi đã phẫu thuật.
Bác sĩ Hoàng Văn Ban kiểm tra ngón tay cho bệnh nhi 3 tuổi. Ảnh: VnExpress
Bác sĩ Ban chia sẻ, bệnh nhi mắc ở giai đoạn 4, giai đoạn nặng nhất nhưng rất may vẫn kịp thời để can thiệp vì gân gấp vẫn còn đủ dài, chưa bị co ngắn. Sau khi phẫu thuật không cản trở gì đến việc tái cấu trúc ngón tay của bệnh nhi.
Ca phẫu thuật được thực hiện với một vết rạch tầm 0,5 -0,7cm ở phần da phía trên gân gấp (Pulley A1), cắt bỏ phần viêm xơ để giải phóng vị trí gân bị kẹt lại. Sau đó, bệnh nhi được băng cố định ngón cái 1 tuần. Bệnh nhi tỉnh táo nhanh, theo dõi trong một ngày và được xuất viện, khi tái khám, vết mổ nhỏ, phục hồi tốt.
Đinh Kim (T/h)