Mất một bên phổi vì thói quen thường thấy ở nhiều nam giới
VietNamNet đưa tin, người đàn ông 64 tuổi ở Long Biên (Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám vào cuối tháng 9. Được biết, suốt 3 tuần, người bệnh ho khạc đờm trắng lẫn nâu, có cảm giác sốt, tự mua thuốc uống không khỏi.
Bệnh nhân làm nghề xây dựng, thâm niên hút thuốc lá, thuốc lào trên 40 năm. Nói với bác sĩ, ông cho biết ngoài các dấu hiệu trên, ông không đau ngực, không khó thở.
Sau khi phát hiện u ở phổi trái, ông được nhập viện điều trị tại khoa Ung bướu. Tại đây, các bác sĩ chỉ định khám tầm soát như nội soi dạ dày, đại tràng, chụp cắt lớp sọ não, cắt lớp vi tính phổi, sinh thiết xuyên thành, nội soi khí phế quản.
Hình ảnh cho thấy khối u xâm lấn làm tắc hoàn toàn phế quản gốc bên trái, chiếm gần hết nhu mô phổi trái bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet
Ngoài việc phát hiện tế bào lạ nghi ngờ ác tính, bác sĩ xác định khối u xâm lấn làm tắc hoàn toàn phế quản gốc bên trái và chiếm gần hết nhu mô phổi trái. Sau khi hội chẩn với chuyên khoa Mạch máu lồng ngực, Gây mê hồi sức, các bác sĩ thống nhất phẫu thuật cắt toàn bộ phổi trái kèm nạo vét hạch cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật được tiến hành trong 2 giờ. Trong mổ, bác sĩ phát hiện khối u chiếm gần hết nhu mô phổi, gây dính nhiều vào lá thành màng phổi. Kết quả sinh thiết tức thì trong lúc mổ cho chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào vảy không biệt hóa.
Kíp mổ đã tiến hành cắt toàn bộ phổi trái nạo vét hạch. Sau mổ ngày thứ 5 bệnh nhân tự ngồi dậy, tự thở không cần oxy hỗ trợ.
Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân, mổ cắt cả phổi điều trị ung thư là một phẫu thuật lớn, nặng nề cả về mặt ngoại khoa và gây mê hồi sức. Đây cũng là ca cắt toàn bộ phổi trái đầu tiên được tiến hành tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang.
Dị vật dài 2,5cm bị bỏ quên trong tai suốt 7 năm
Theo báo Pháp Luật TP.HCM, ngày 17/10, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết thông tin về ca phẫu thuật cho nữ bệnh nhân T.N.H.T (42 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) có dị vật bị bỏ quên trong tai.
Cụ thể, người bệnh đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM trong tình trạng chảy mủ tai, viêm tai, sưng nề, sức nghe kém. Bác sĩ CKII. Nguyễn Thanh Tùng, khoa Tai - Tai thần kinh, cho biết qua khai thác bệnh sử, năm 2016, trong lúc đi giao thức ăn bệnh nhân gặp tai nạn nên một chiếc đũa đâm vào trong tai.
Bệnh nhân đã được bệnh viện tỉnh phẫu thuật lấy ra dị vật, tuy nhiên các bác sĩ thông báo vẫn còn một phần đũa chưa lấy hết. Các bác sĩ khuyên chị làm phẫu thuật nhưng vì tính chất công việc bận rộn và e ngại khi thực hiện phẫu thuật nên chị bỏ qua và tự mua thuốc về uống.
Gần đây, tai đau nhiều, tình trạng chảy mủ tai trái tái phát nhiều lần nên bệnh nhân đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM khám. Qua kiểm tra, vành tai trái bệnh nhân bị nề đỏ, không đau, ống tai ngoài hẹp, không quan sát được màng nhĩ, tai trái nghe kém.
Bác sĩ kiểm tra tình trạng của bệnh nhân. Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM
Các bác sĩ chẩn đoán tai trái bệnh nhân có dị vật tai dài 2,5cm bị bỏ quên khoảng 7 năm. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp mở thượng nhĩ, thám sát hòm nhĩ để lấy dị vật ống tai ngoài và cắt lọc sẹo hẹp ống tai ngoài.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, do dị vật bị bỏ quên trong tai quá lâu, cộng với phần mô viêm của ống tai ngoài làm cho da bị hoại tử tạo nên sẹo hẹp gây khó khăn trong quá trình giải phẫu. Sau khi mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định, thính lực có cải thiện nhưng vẫn chưa lấy lại như bình thường.
TS.BS CKII Nguyễn Thanh Vinh - Phó Giám đốc bệnh viện chia sẻ, trường hợp dị vật bỏ quên trong tai như bệnh nhân này rất hiếm gặp. Do để dị vật quá lâu dẫn đến tai bị thủng màng nhĩ, gián đoạn chuỗi xương nên sức nghe giảm.
"Sau khi lấy dị vật, mô viêm, cắt lọc sẹo hẹp và điều trị nội khoa ổn định các bác sĩ sẽ phẫu thuật lần hai để chỉnh hình chuỗi xương con vá lại màng nhĩ nhằm tăng sức nghe cho bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh nói.
Tình hình bệnh nhân nghi ngộ độc sau khi uống sữa bột
Ngày 17/10, Bệnh viện Chợ Rẫy thông tin về tình hình sức khỏe bệnh nhân nghi ngộ độc sau khi uống sữa bột tại tỉnh Tiền Giang. Theo đó, bệnh nhân là P.M.T (55 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang) - người thân trong gia đình có hai mẹ con tử vong mới đây, nghi ngộ độc sau khi uống sữa.
Tới chiều 17/10, bệnh nhân đã tỉnh, sinh hiệu ổn, đang được thở máy và lọc máu liên tục. Sức khỏe có chiều hướng cải thiện hơn.
Báo Pháp Luật TP.HCM dẫn lời bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, khoảng 18h ngày 15/10, đơn vị tiếp nhận bệnh nhân được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, thở máy.
Bệnh nhân đang được điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Báo Pháp Luật TP.HCM
Khai thác bệnh sử cho thấy trước đó, khoảng một tiếng sau khi pha sữa bột để uống, bệnh nhân rơi vào tình trạng rối loạn tiêu hóa, nôn ói, đau bụng tiến tới lơ mơ, suy hô hấp nên nhập Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long điều trị.
Bác sĩ nhận định đây là chùm ca bệnh nghi ngộ độc sau khi uống sữa. Trước đó, các bệnh nhân đều có tình trạng sức khỏe tốt.
Theo thông tin từ gia đình, cả ba người sau khi uống sữa bột đều có triệu chứng giống nhau là rối loạn tiêu hóa, sau đó hôn mê, co giật. Bác sĩ lập tức cho bệnh nhân thở máy, lọc máu hấp phụ, sử dụng thuốc vận mạch, dịch truyền đào thải chất độc ra ngoài.
Sau khoảng 12 giờ điều trị tích cực, đến trưa 16/10, sức khỏe bệnh nhân cải thiện, tri giác tỉnh táo, tiếp xúc được, tổn thương gan, thận có dấu hiệu hồi phục. Đến 16h cùng ngày, bệnh nhân đã tỉnh hoàn toàn, có dấu hiệu hồi phục khá tốt.
XEM THÊM: Những loại thực phẩm trong bếp nhìn là thấy giúp phụ nữ tránh trầm cảm sau sinh
Hiện, bệnh viện đã hội chẩn liên chuyên khoa thận nhân tạo, ICU, sinh hóa, tim mạch, nội thần kinh… thống nhất nghi ngộ độc cấp dẫn đến tổn thương đa tạng, suy hô hấp, hôn mê. Đồng thời, thống nhất bước kế tiếp theo dõi điều trị, đánh giá tiếp tục cho bệnh nhân.
Bệnh viện Chợ Rẫy đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan xác định độc chất để tìm hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân nghi ngộ độc.
Đinh Kim (T/h)