Nguyên nhân khiến bụng người đàn ông to nhanh bất thường
Theo thông tin trên VietNamNet, nam bệnh nhân N.T.H (46 tuổi, quê Thái Bình) điều trị tại khoa Phẫu thuật Gan mật tuỵ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội).
Người bệnh kể, gần đây có biểu hiện đau tức bụng, ăn uống hay bị đầy tức bụng, bụng to nhanh bất thường. Bác sĩ khám, phát hiện anh có khối u gan to chiếm gần hết vùng bụng.
Bệnh nhân được phẫu thuật cắt phần gan có chứa khối u. Kết quả giải phẫu bệnh là u huyết quản khổng lồ của gan (u máu gan) với đường kính xấp xỉ 30cm.
Sau mổ, bệnh nhân được điều trị tích cực dự phòng suy gan và chảy máu sau mổ, đồng thời phối hợp tập ăn và vận động sớm. Người bệnh được ra viện sau 7 ngày mổ, không có biến chứng.
Nguyên nhân của u máu không rõ ràng, được coi là dị tật mạch máu bẩm sinh và không tăng sinh tế bào. Ảnh minh họa
TS.BS Lê Trung Hiếu - Khoa Phẫu thuật Gan mật tụy cho biết, u máu gan không có triệu chứng rõ rệt và thường được phát hiện tình cờ khi kiểm tra sức khỏe, siêu âm gan hoặc chụp cắt lớp vi tính (chụp CT).
Bệnh nhân cần phẫu thuật cắt gan nếu u máu phát triển có kích thước lớn gây triệu chứng như: đau bụng, chướng bụng… Thông thường, u có đường kính lớn hơn 5cm có thể gây triệu chứng.
U máu gan được gọi là khổng lồ khi kích thước trên 15cm và có nguy cơ gây các triệu chứng chèn ép tạng trong ổ bụng. Nếu u máu kích thước nhỏ hoặc chưa có biểu hiện như trên, người bệnh cần theo dõi sự phát triển của u bằng siêu âm 2-3 tháng/lần.
Hầu hết u máu gan được phát hiện ở nữ (tỷ lệ nữ so với nam là 5:1) và thường gặp trong độ tuổi 30-50. Nguyên nhân của u máu không rõ ràng, được coi là dị tật mạch máu bẩm sinh và không tăng sinh tế bào.
Lọc máu liên tục cứu em bé mắc bệnh tay chân miệng
VTV News đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu vừa tiếp nhận điều trị thành công cho bệnh nhi M.T.A. (30 tháng tuổi, trú tại ấp 2B, xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) mắc tay chân miệng độ 3.
Trước đó, bệnh nhi được đưa vào viện trong tình trạng sốt cao liên tục, loét miệng, hồng ban lòng bàn tay, bàn chân kèm giật mình chới với nhiều lần. Sau hơn 2 giờ nhập viện, tình trạng bệnh của bệnh nhi diễn biến xấu thêm, lừ đừ, thở mệt, thở không đều, giật mình chới với nhiều.
Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn chẩn đoán: Bệnh tay chân miệng độ 3, với xử trí cấp cứu: Đặt nội khí quản, thở máy, truyền Gammaglobulin, an thần, thuốc hạ huyết áp, vận mạch, chống phù não.
Bệnh nhi được xuất viện sau hơn 15 ngày theo dõi, điều trị. Ảnh: VTV News
Sau 7 giờ tích cực điều trị cấp cứu nhưng tình trạng của bệnh nhi vẫn chưa cải thiện, sinh hiệu không ổn định, sốt cao liên tục, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn và quyết định áp dụng kỹ thuật lọc máu liên tục để điều trị.
Sau 34 giờ lọc máu liên tục, sinh hiệu của bệnh nhi được cải thiện dần và được ngưng lọc máu, ngưng thở máy sau 4 ngày điều trị tích cực, tiếp theo đó sức khỏe bệnh nhi được ổn định và hồi phục dần. Sau hơn 15 ngày theo dõi, điều trị tại bệnh viện, bệnh nhi được cho ra viện.
Người đàn ông nhập viện cấp cứu khi đang ăn thịt gà
Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết các bác sĩ vừa cấp cứu gắp mảnh xương gà cho nam bệnh nhân 73 tuổi. Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân đang ăn thịt gà thì bất ngờ hóc xương gây đau, tức ngực, khó thở nên được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tiến hành chụp cắt lớp vi tính và nội soi, bác sĩ phát hiện trong đoạn thực quản ngực có dị vật là mảnh xương gà lẫn thịt có kích thước khoảng 3 cm. Xương có đầu sắc nhọn đâm vào thành thực quản. Bệnh nhân nhanh chóng được nội soi lấy dị vật.
Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính dị vật trong thực quản của nam bệnh nhân. Ảnh: Người Lao Động
Theo TS.BS Nguyễn Thế Đạt - Phó Trưởng Khoa liên chuyên khoa Tai mũi họng - Mắt - Răng hàm mặt Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, vị trí hóc xương của người bệnh này mắc ở đoạn thực quản ngực ngay sát quai động mạch chủ.
Rất may người bệnh được đưa đến bệnh viện sớm và đầu xương chưa làm thủng thực quản. Trường hợp người bệnh đến muộn có thể sẽ gây nhiễm trùng, áp xe tại chỗ, trong trường hợp đầu xương đâm thủng thực quản vào động mạch chủ ngực thì biến chứng cấp tính cực kỳ nguy hiểm.
XEM THÊM: Nối liền 2 bàn chân người đàn ông gần đứt lìa do máy cắt cỏ
Hóc dị vật do ăn uống là một tai nạn rất thường gặp trong đời sống hằng ngày, chủ yếu ở người cao tuổi và trẻ em. Nhiều trường hợp bị hóc dị vật do mất tập trung khi ăn uống hoặc nói chuyện, cười đùa, xem tivi, điện thoại…
Bác sĩ Đạt cho hay, nhiều trường hợp nghẹn miếng thức ăn có thể gây chèn ép đường thở dẫn đến suy hô hấp cấp tính hoặc đầu xương đâm vào thành họng, amidan, xuyên thủng thực quản, dạ dày, ruột… gây ra những biến chứng nặng nề.
Đinh Kim (T/h)