Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/10: Bé 7 tuổi nhập viện cấp cứu sau khi ăn loại quả cực quen thuộc

  • Đinh Kim
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/10/2023. Cập nhật tin đời sống mới nhất ngày 17/10/2023 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Bé 7 tuổi nhập viện cấp cứu sau khi ăn loại quả cực quen thuộc

Theo thông tin trên VietNamNet, bé A.N (7 tuổi) vào khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu vì mất nước do nôn nhiều, kèm đau bụng, biểu hiện tắc ruột sau khi ăn quả hồng giòn.

Sau khi được hồi sức bù dịch và điện giải, trẻ ổn định dần, nhưng triệu chứng đau không đỡ. Qua thăm khám lâm sàng, kết hợp hình ảnh phim X-quang, siêu âm, các bác sĩ phát hiện nhiều khối bã thức ăn bít tắc trong lòng ruột non và dạ dày.

Các bác sĩ quyết định phẫu thuật giải phóng khối bít tắc trong lòng ruột. Dù ekip đã tiến hành đẩy nhiều khối bít tắc trong ruột non ra ngoài (khối lớn nhất 4x3cm), nhưng vẫn còn nhiều khối cứng, vón cục, kích thước lớn nằm trong dạ dày trẻ không thể tự đi xuống được.

Quả hồng giòn nếu ăn lượng nhiều, đặc biệt vào lúc đói thì sẽ có nguy cơ cao tắc ruột. Ảnh minh họa

Trước tình huống khó khăn, các bác sĩ quyết định mở dạ dày, lấy sạch các khối vón cục, làm sạch lòng dạ dày cho trẻ.

Đây không phải lần đầu tiên thầy thuốc tại đây tiếp nhận bệnh nhân tắc ruột sau ăn quả hồng giòn. Nếu không điều trị kịp thời, tắc ruột có thể gây ra biến chứng nặng nề như thủng ruột, rối loạn điện giải, nhiễm trùng, nhiễm độc.

Theo các bác sĩ, quả hồng giòn nếu ăn lượng nhiều, đặc biệt vào lúc đói thì sẽ có nguy cơ cao tắc ruột. Nguyên nhân do trong quả hồng có lượng chất tanin và pectin cao, khi gặp dịch dạ dày có xu hướng vón cục, làm giảm nhu động đường ruột. 

Hà Nội ghi nhận ca nhiễm viêm não Nhật Bản thứ 2

Báo Công An Nhân Dân dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận thêm một ca viêm não Nhật Bản, là bé trai 8 tuổi ở huyện Chương Mỹ.

Theo CDC Hà Nội, bé trai xuất hiện triệu chứng sốt cao, co giật, nôn, lơ mơ từ ngày 18/9. Bé được đưa vào cơ sở y tế điều trị, đến ngày 19/9 chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm ngày 29/9 cho thấy, bé trai dương tính với virus viêm não Nhật Bản.

Trước đó, Hà Nội đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản, là một bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ. Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có 2 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản (giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022).

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm với tỷ lệ tử vong lên đến 30% cùng với di chứng vĩnh viễn như: Rối loạn tâm thần, liệt, rối loạn ngôn ngữ, co giật, động kinh, nằm liệt giường… ở một nửa số người sống sót.

Cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh minh họa: Công An Hà Nội

TS.BS Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, triệu chứng đầu tiên của bệnh thường bao gồm sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra, có thể có các biểu hiện của nhiễm virus nói chung như mệt mỏi, ớn lạnh.

Những trường hợp bệnh nặng có thể có các biểu hiện: co giật, giảm khả năng nhận thức (trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê); rối loạn vận động như liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn.

XEM THÊM: Vụ 2 người tử vong, 1 người nhập viện sau khi uống sữa: Chưa xác định được khả năng ngộ độc

Theo bác sĩ, cách phòng tránh bệnh viêm não Nhật Bản hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng bệnh. Vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản hiện nay đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở tất cả các tỉnh thành trên cả nước. Tiêm mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2 tiêm 1-2 tuần sau mũi 1; mũi 3 tiêm 1 năm sau mũi 2. Sau đó nhắc lại 3 – 5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi.

Người đàn ông phải cắt thận sau khi bị đau mỏi lưng, tiểu buốt

VietNamNet đưa tin ngày 16/10, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang thông tin về ca phẫu thuật nội soi cắt một bên thận. Bệnh nhân là ông N.B.T. (51 tuổi, trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang).

Ông T. vào viện khám sau một ngày đau mỏi vùng thắt lưng bên trái, tiểu buốt. Người nhà cho biết, bệnh nhân không thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ. Kết quả cận lâm sàng cho thấy, bệnh nhân bị giãn đài bể thận trái do sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên kích thước 8x18mm, thận trái ứ nước căng to, nhu mô giãn mỏng mất chức năng thận.

Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt thận. Hiện tại, sau mổ, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tiếp tục được điều trị và theo dõi tại khoa Ngoại Thận - Tiết niệu.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: VietNamNet

Theo bác sĩ CK1 Ma Đình Đức - Phó trưởng khoa Ngoại Thận - Tiết niệu, phẫu thuật cắt thận nội soi là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn, giảm mất máu, ít đau sau mổ, thời gian phục hồi nhanh hơn so với mổ mở truyền thống. Vết mổ nhỏ, thẩm mỹ cho người bệnh.

Người dân nên có thói quen khám bệnh định kỳ để được đánh giá chức năng thận, phát hiện sớm các tổn thương. Nếu phát hiện sớm, bệnh nhân hoàn toàn có thể điều trị bảo tồn thận.

Đinh Kim (T/h)

Tin nổi bật