Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, thông tin từ Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh cho biết, các y bác sĩ vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy thai cho sản phụ L.T.N. (SN 1995, trú huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), đưa bé gái nặng 3,3 kg chào đời an toàn.
Đặc biệt, trong ca mổ em bé vẫn nằm nguyên vẹn trong túi ối, hiện tượng dân gian gọi là "đẻ bọc điều". Sau khi đưa bé ra khỏi bụng mẹ, bác sĩ chủ động làm vỡ túi ối.
Được biết, sản phụ có thai tuần thứ 38, 6 ngày. Đây là lần sinh mổ thứ 2 trên vết mổ cũ. Gia đình cho biết, với ca sinh mổ đặc biệt này dự định sẽ đặt tên con là Bảo Ngọc.
Bé gái vẫn nằm nguyên vẹn trong túi ối. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Theo các bác sĩ, đây là trường hợp hiếm gặp, với tỷ lệ chỉ khoảng 1/80.000 ca sinh. Trong thai kỳ, thai nhi phát triển bên trong túi ối - một màng mỏng nhưng chắc chắn, chứa đầy nước ối giúp giữ ấm, bảo vệ thai nhi và hỗ trợ quá trình trao đổi chất.
Thông thường khi đến kỳ sinh nở, túi ối sẽ vỡ để tạo điều kiện cho em bé chào đời. Ở các ca sinh mổ, túi ối thường bị vỡ trong quá trình bác sĩ thao tác.
Tuy nhiên trong một số trường hợp hiếm gặp, bé sơ sinh vẫn chào đời trong túi ối nguyên vẹn, bao quanh bởi màng bọc, dây rốn và mạch máu nuôi dưỡng, giống như khi còn nằm trong bụng mẹ.
Hiện tại, sức khỏe của sản phụ L.T.N. và em bé đều ổn định, được các y bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh chăm sóc.
Theo VOV, thời gian gần đây, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân mắc zona thần kinh nặng (còn gọi là giời leo), phải nhập viện điều trị nội trú do điều trị sai cách. Đáng nói, có nhiều bệnh nhân tự đi tìm “thầy khoán”- tức là đốt nhang khua lên vết thương hoặc đắp lá cây, dẫn đến bội nhiễm nghiêm trọng.
Cách đây không lâu, bệnh nhân T.V.S (70 tuổi, ngụ tỉnh Long An) nhập viện trong tình trạng vùng da phía sau đầu và lưng nổi nhiều mụn mủ. Trước đó 9 ngày, vùng đầu ông S bỗng nhiên bị đau, giật giật, sau đó xuất hiện mụn nước.
Ông tìm đến 2 “thầy khoán” trong xóm. “Thầy khoán” điều trị bằng cách đốt hương khua lên xung quanh vết thương, hoặc bôi mực An Nam và dầu mù u. Tuy nhiên, vết thương không chỉ không khỏi mà còn xuất hiện nhiều mụn mủ, đau nhức kèm theo sốt.
Trong khi đó, bệnh nhân M.V.L (ngụ Lâm Đồng), trong vòng 4 ngày, vùng mặt bên trái của ông nổi mụn nước, kèm đau nhức. Nghe lời người quen, ông đi “khoán”, nhưng tình trạng của ông không thuyên giảm mà còn trở nên trầm trọng hơn. Sau khi đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM, ông được chẩn đoán mắc bệnh Herpes zoster bội nhiễm và viêm kết mạc mắt.
Vaccine ngừa zona giúp giảm đáng kể nguy cơ tái phát bệnh, đồng thời giảm triệu chứng đau đớn và các biến chứng nghiêm trọng. Ảnh minh họa: VOV
Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho gần 10.000 trường hợp mắc zona thần kinh, trong đó nhiều ca bị nhiễm trùng nặng và viêm mô tế bào do điều trị sai cách.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Vũ Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu TP.HCM, zona thần kinh không chỉ là một căn bệnh đau đớn mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm dây thần kinh mặt, tổn thương thần kinh, và mất khả năng vận động. Đặc biệt, zona có thể tái phát và gây đau đớn kéo dài. Theo thống kê, tỷ lệ tái phát bệnh ở người đã mắc zona dao động từ 2% đến 10%.
Để phòng ngừa zona và giảm thiểu các biến chứng, Bệnh viện Da liễu TP.HCM đặc biệt chú trọng đến việc tiêm vaccine. Vaccine ngừa zona giúp giảm đáng kể nguy cơ tái phát bệnh, đồng thời giảm triệu chứng đau đớn và các biến chứng nghiêm trọng.
Vaccine phòng zona đặc biệt quan trọng đối với người trên 50 tuổi, người có sức đề kháng yếu hoặc những người mắc các bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, hoặc suy giảm miễn dịch.
“Bệnh viện Da liễu khai trương phòng tiêm vaccine. Có 3 vaccine chúng tôi triển khai ở đây. Đó là phòng ngừa thủy đậu, ngừa zona, phòng ngừa không bị nhiễm HPV như sùi mào gà, vì chi phí điều trị của các bệnh này hết khá nhiều tiền. Bên cạnh đó, những di chứng để lại rất nặng nề, những bệnh này rất ám ảnh đối với bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Vũ Hoàng chia sẻ thêm.
Chuyên trang Pháp Luật & Xã Hội đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật cấp cứu đặc biệt, cứu sống bệnh nhân 85 tuổi bị vỡ phình động mạch chủ bụng - cấp cứu ngoại khoa tối khẩn với tỷ lệ tử vong cao.
Cụ thể, bệnh nhân D.X.Q (85 tuổi, trú tại phường Hà Lầm, TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được đưa vào bệnh viện trong tình trạng đau bụng dữ dội quanh rốn, đau lan ra sau lưng, mệt mỏi và choáng váng. Khi tình trạng đau ngày càng trầm trọng, gia đình đã nhanh chóng đưa cụ ông đến bệnh viện để cấp cứu.
Tại đây, kết quả chụp cắt lớp vi tính dựng hình mạch máu cho thấy bệnh nhân có khối phình động mạch chủ bụng với kích thước khổng lồ lên đến 10cm, đã vỡ với dấu hiệu dịch máu trong ổ bụng và quanh khối phình. Ngay lập tức, các bác sĩ chẩn đoán đây là trường hợp vỡ phình động mạch chủ bụng sau phúc mạc và chỉ định phẫu thuật khẩn cấp do sốc mất máu.
Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển vào phòng mổ với sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ các kíp phẫu thuật tim mạch và gây mê hồi sức. Quá trình phẫu thuật diễn ra trong điều kiện cấp bách khi các bác sĩ phải đối mặt với tình trạng nhiều máu loãng trong ổ bụng và khối phình động mạch chủ bụng vỡ đang rỉ máu.
Phẫu thuật viên đã nhanh chóng kẹp động mạch chủ trên dưới khối phình, cắt bỏ đoạn mạch vỡ và thực hiện nối lại động mạch chủ chậu bằng đoạn mạch nhân tạo hình chữ Y. Sau 2 giờ phẫu thuật căng thẳng và truyền tới 2.000ml máu, ca đại phẫu đã thành công nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các kíp chuyên môn.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực trước khi chuyển về khoa Ngoại để tiếp tục theo dõi hậu phẫu. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, vết mổ liền tốt, mang lại niềm vui lớn cho gia đình khi người thân đã thoát khỏi cơn nguy kịch.
Sức khỏe bệnh nhân hiện đã ổn định. Ảnh: Pháp Luật & Xã Hội
Bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: "Chúng tôi đã cấp cứu nhiều trường hợp vỡ phình động mạch chủ, tỷ lệ tử vong rất cao vì mất máu nhiều do đến muộn, bệnh nhân già yếu. Đây là một trong những ca thành công, mặc dù đặc biệt khó khăn do bệnh nhân đã lớn tuổi, thể trạng suy yếu và có nhiều bệnh lý nền, điều này đặt ra không ít thách thức cho kíp mổ".
Theo bác sĩ Phạm Việt Hùng, việc xử trí túi phình khổng lồ khi đã vỡ đặc biệt phức tạp do máu chảy rất nhiều, đòi hỏi các thao tác bộc lộ vị trí phình vỡ, cắt bỏ và khâu nối mạch máu phải được thực hiện trong thời gian ngắn nhất để cứu sống bệnh nhân.
Mặc dù đây là ca đại phẫu có mức độ xâm lấn cao nhưng đây vẫn là phương án tối ưu và hiệu quả lâu dài cho bệnh lý phình động mạch chủ bụng, đặc biệt với những bệnh nhân có điều kiện kinh tế hạn chế.
Phình động mạch chủ bụng thường diễn biến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng, và phần lớn được phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc chẩn đoán hình ảnh. Tuy nhiên, khi túi phình vỡ, bệnh nhân có thể đột ngột xuất hiện các dấu hiệu như đau bụng quặn thắt lan ra sau lưng, chân tay lạnh, vã mồ hôi, tụt huyết áp và nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc mất máu, đe dọa tính mạng.
Từ trường hợp điển hình này, các bác sĩ khuyến cáo những người thuộc nhóm nguy cơ cao như người có tiền sử tăng huyết áp, xơ vữa động mạch do tuổi cao, hút thuốc lá, nghiện rượu bia, rối loạn mỡ máu nên chủ động thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch – phẫu thuật mạch máu. Việc tầm soát, chẩn đoán sớm và can thiệp kịp thời sẽ giúp tránh những biến chứng vỡ phình nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.