Theo VietNamNet, sáng 4/5, bé trai 6 tuổi ở Hưng Yên nhảy lên cánh cổng nhà bị hỏng được buộc dây lỏng lẻo, bất ngờ một bên cánh cửa đứt dây, bung ra đổ sập vào người trẻ.
Vụ tai nạn sinh hoạt khiến bé trai bị chảy nhiều máu, gia đình vội đưa bệnh nhi lên bệnh viện gần nhà để cấp cứu. Bệnh viện đề nghị tiếp tục theo dõi trẻ trong 24 giờ, tuy nhiên gia đình không yên tâm do trẻ liên tục nôn ra máu, vì vậy người nhà xin chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) sáng cùng ngày.
Tiếp nhận và khám lâm sàng cho bệnh nhi, các bác sĩ nhận định sơ bộ trẻ có thể bị chấn thương sọ não, lún sọ, cần thực hiện các chụp chiếu cận lâm sàng để đánh giá chi tiết.
Đây là một trong khoảng 170 ca khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trong kỳ nghỉ lễ 30/4 năm nay. Con số này tương đương năm ngoái.
Bé trai được đưa đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu sáng 4/5. Ảnh: VietNamNet
Theo TS.BS Nguyễn Xuân Hòa (khoa Phẫu thuật tiêu hóa), phụ trách tua trực cấp cứu ngày 4/5, trong 4 ngày nghỉ lễ (từ 30/4 đến 3/5), đơn vị này tiếp nhận khoảng 600 trường hợp, chủ yếu là tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt. Trong đó, cấp cứu do tai nạn giao thông chiếm số lượng cao nhất (khoảng 50%).
Tới sáng 4/5, nhiều trường hợp tai nạn giao thông được chuyển từ tuyến dưới hoặc chuyển thẳng vào bệnh viện vào cấp cứu. Đáng nói, số trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông có sử dụng rượu, bia đã giảm nhiều.
Trong khoảng 600 trường hợp khám cấp cứu, có 20% số trường hợp nặng, chỉ định mổ cấp cứu. Trung bình mỗi ngày nghỉ lễ, các thầy thuốc tại bệnh viện ngoại khoa hàng đầu này phẫu thuật cấp cứu khoảng 30 ca, chủ yếu là mổ sọ não, chấn thương, tiêu hóa.
Theo báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 24 giờ qua (tính từ 7h ngày 3/5 đến 7h ngày 4/5), các cơ sở khám chữa bệnh đã khám, cấp cứu cho 128.580 lượt người bệnh. 24% trong số này phải nhập viện điều trị nội trú. Tổng số ca tử vong (bao gồm cả tử vong trên đường đến cơ sở khám chữa bệnh và tiên lượng tử vong xin về) là 201 người bệnh.
Tính riêng về tai nạn nghi liên quan đến giao thông (TNGT), số lượt khám, cấp cứu giảm hẳn so với ngày trước đó. Cụ thể, trong 24 giờ qua có 2.676 người vào khám, cấp cứu; gần 50% phải nhập viện điều trị nội trú hoặc theo dõi.
Số ca tử vong nghi do TNGT là 10 người, trong đó tử vong trước khi đến cơ sở khám chữa bệnh là 6 người, tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 4 người. Số bệnh nhân nghi do TNGT tiên lượng tử vong xin về là 12 người.
Tổng cộng trong 4 ngày đầu nghỉ lễ có gần 14.000 ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông, 48 trường hợp tử vong, 32 ca tiên lượng tử vong, gia đình xin đưa về nhà.
Theo Thời báo VTV, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thời gian gần đây ghi nhận liên tiếp các ca suy gan nặng trên nền viêm gan B mạn tính. Hầu hết bệnh nhân không theo dõi định kỳ, điều trị không liên tục hoặc tự ý dùng thuốc trong thời gian dài, dẫn đến tình trạng tổn thương gan nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Một trường hợp điển hình là bệnh nhân B.T.N. (nữ, 54 tuổi, Thanh Hóa), nhập viện trong tình trạng vàng da đậm, phù toàn thân, suy kiệt và khó thở. Bệnh nhân được xác định mắc viêm gan B từ hơn 30 năm trước nhưng không điều trị, từng dùng thuốc nam trong một thời gian rồi dừng hẳn. Gần đây, bệnh nhân có thói quen tự sử dụng thuốc giảm đau kéo dài sau một chấn thương, không qua thăm khám.
Trước khi nhập viện 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện vàng da tăng dần, mệt mỏi, sau đó sốt cao liên tục 38-39 độ C và yếu dần. Khi vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân tỉnh nhưng trong tình trạng suy hô hấp, chảy máu vị trí tiêm truyền, phù toàn thân, siêu âm cho thấy tràn dịch màng phổi và cổ trướng lượng nhiều.
Xét nghiệm ghi nhận men gan tăng gấp 4 lần bình thường, chỉ số GGT tăng hơn 10 lần, bilirubin toàn phần tăng gần 17 lần và CRP lên đến 161 mg/L, cho thấy nhiễm trùng toàn thân nặng. Bệnh nhân được chẩn đoán suy gan tiến triển trên nền viêm gan B mạn, kèm viêm phổi và nhiễm trùng huyết.
Người phụ nữ nhập viện trong tình trạng vàng da đậm, phù toàn thân, suy kiệt và khó thở. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.V.H. (nam, 47 tuổi, Thái Bình), nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Dù biết mình mắc viêm gan B suốt 20 năm, bệnh nhân chưa từng điều trị. Tình trạng quá nặng khiến gia đình xin cho bệnh nhân về chỉ sau chưa đầy một ngày nhập viện.
ThS.BS Phạm Thanh Bằng - người trực tiếp điều trị cảnh báo, viêm gan B có thể âm thầm tồn tại hàng chục năm mà không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi cơ thể suy yếu hoặc người bệnh sử dụng thuốc không kiểm soát, virus có thể tái hoạt và gây suy gan cấp. Tình trạng này có thể diễn tiến nhanh, gây tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Từ các ca bệnh thực tế, ThS.BS Phạm Thanh Bằng khuyến cáo, người mắc viêm gan B mạn tính, kể cả khi không có triệu chứng, cần đi khám định kỳ 6 tháng/lần để theo dõi chức năng gan và tải lượng virus. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc bắc hoặc thuốc không rõ nguồn gốc, vì chúng có thể gây độc cho gan và đẩy nhanh tiến trình xơ gan, suy gan hoặc ung thư gan.
Phát hiện sớm, theo dõi định kỳ và điều trị đúng phác đồ là yếu tố then chốt giúp kiểm soát viêm gan B, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm và bảo vệ tính mạng người bệnh.
VnExpress đưa tin, chị H.T.T (32 tuổi) bị ngộ độc thực phẩm hai hôm trước nhưng không khỏi. Sáng 4/5, chồng chị là N.Đ.N (27 tuổi) chở vợ bằng xe máy từ nhà ở xã Đồng Hợp (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An tại thị xã Thái Hòa để cấp cứu.
Khi qua xã Nghĩa Thành (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), chị T. ngất lịm, gục trên lưng chồng, cơ thể tím tái, thở yếu. Anh N. dừng xe máy kiểm tra, phát hiện vợ trở nặng nên vô cùng lo lắng. Thấy tổ CSGT của Đội CSGT quốc lộ 48, thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An, đang làm nhiệm vụ cách đó vài chục mét, anh N. chạy lại nhờ hỗ trợ.
Đại úy Lê Tuấn Vũ - Đội trưởng CSGT quốc lộ 48, cho biết lúc ấy tình hình cấp bách, chị T. bất tỉnh và có dấu hiệu nguy kịch. Tổ 4 cảnh sát hội ý trong vài chục giây, xin ý kiến lãnh đạo rồi quyết định sử dụng ô tô chuyên dụng bật đèn ưu tiên, bấm còi mở đường đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
CSGT đưa người phụ nữ lên ô tô chuyên dụng, chở tới bệnh viện cấp cứu. Ảnh: VnExpress
Sau khoảng 10 phút, cảnh sát đã đưa chị T. đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An, cách hiện trường khoảng 10 km. Bác sĩ tiếp nhận, điều trị theo phác đồ ngộ độc thực phẩm, hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, đang được theo dõi tích cực.
"Thời điểm trên chúng tôi chỉ có một suy nghĩ làm sao đưa bệnh nhân tới bệnh viện cấp cứu một cách nhanh nhất có thể, vì thế phương án dùng xe chuyên dụng là tối ưu", Đại úy Lê Tuấn Vũ nói.