Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 5/4: Nguyên nhân khiến bụng người phụ nữ to như mang thai 5 tháng

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Nguyên nhân khiến bụng người phụ nữ to như mang thai 5 tháng; Bé trai nuốt phải mảnh vỡ ống thuốc tiêm khi chơi đùa… là những tin tức đời sống đáng chú ý ngày 5/4.

Nguyên nhân khiến bụng người phụ nữ to như mang thai 5 tháng

Báo Đồng Nai đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy u xơ tử cung kích thước "khủng" cho bệnh nhân Đ.T.H.Y. (36 tuổi, ngụ phường Tân Biên, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bụng to (như mang thai 5 tháng tuổi), kèm đau nặng vùng bụng dưới, cơ thể xanh xao, mệt mỏi. Qua thăm khám, siêu âm, chụp CT scanner, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có nhiều khối u xơ rất lớn ở tử cung, cần phẫu thuật loại bỏ. Đặc biệt, kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân bị thiếu máu nghiêm trọng.

Để đảm bảo an toàn, 1 ngày trước phẫu thuật, bệnh nhân được truyền máu. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy khối u xơ không chỉ lớn mà còn lan rộng, chiếm gần như toàn bộ mô lành của tử cung. Do đó, ekip buộc phải tiến hành cắt tử cung để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Khối u xơ tử cung sau khi được phẫu thuật lấy ra có cân nặng lên đến 3kg.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người phụ nữ. Ảnh: Báo Đồng Nai

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Nga - Trưởng khoa Sản phụ, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, u xơ tử cung là một bệnh lý phụ khoa thường gặp, chiếm tỷ lệ 30% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: rong kinh, rong huyết kéo dài, thiếu máu, đau bụng dai dẳng, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Bác sĩ Nga khuyến cáo, phụ nữ nên thăm khám phụ khoa ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện kịp thời các vấn đề tiềm ẩn, tránh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Thanh niên 27 tuổi bị méo miệng, mắt không nhắm kín được

Theo Thời báo VTV, bệnh nhân L.V.V. (27 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) đến Phòng khám Đa khoa Medlatec Thanh Xuân với tình trạng liệt mặt trái bất thường.

Trước đó 3 ngày, bệnh nhân cảm thấy tê bì vùng mặt, kèm nặng đầu và mệt mỏi. Đến sáng cùng ngày nhập viện, triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn: miệng méo lệch sang phải, mắt trái khô rát, không nhắm kín được và đau đầu nhẹ. Tuy nhiên, bệnh nhân không sốt, không chóng mặt, buồn nôn hay rối loạn vận động.

Theo khai thác bệnh sử, bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý mạn tính, gia đình cũng không ghi nhận các bệnh như ung thư hay tai biến mạch máu não.

Qua thăm khám chuyên sâu, ThS.BS Nguyễn Thị Huyền Thu - chuyên khoa thần kinh nhận thấy dấu hiệu điển hình của liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (liệt Bell) ở mặt trái: nếp nhăn trán và rãnh mũi má bên trái mờ, mắt trái không nhắm kín hoàn toàn, nhãn trung lệch sang phải - dấu hiệu Charles-Bell đặc trưng.

Kết quả xét nghiệm máu và sinh hóa không cho thấy bất thường đáng kể. MRI sọ não ghi nhận viêm nhẹ niêm mạc đa xoang và phì đại cuốn mũi dưới hai bên nhưng không phát hiện tổn thương ở não hay mạch máu não liên quan đến triệu chứng liệt mặt.

Đồng thời, bệnh nhân không có dấu hiệu nhiễm trùng rõ ràng (như sốt, viêm tai) hay tổn thương cấu trúc, bác sĩ nhận định rằng yếu tố lạnh có thể là thủ phạm, nhất là trong bối cảnh thời tiết thất thường, nhiệt độ tăng giảm đột ngột, bất ngờ lạnh sâu.

Dựa trên dữ liệu lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ Thu chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bên trái, từ đó đưa ra hướng điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên bao gồm: Sử dụng thuốc chống viêm, ức chế miễn dịch, chống dị ứng; bổ sung Vitamin B1, B6, B12, Mecobalamin, kết hợp thuốc tái tạo Myelin và thuốc giãn mạch.

Ngoài ra, bệnh nhân cần bảo vệ mắt bằng kính, lót gạc khi ngủ, nhỏ nước mắt nhân tạo. Hỗ trợ phục hồi bằng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt. Để phòng ngừa, cần tránh lạnh, giữ ấm, hạn chế tắm đêm, tập luyện thường xuyên, duy trì dinh dưỡng hợp lý và tuân thủ lịch tái khám.

Dây thần kinh số 7, hay còn gọi là dây thần kinh mặt, đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển các cơ vận động ở mặt, từ nhăn trán, nhắm mắt, cười cho đến huýt sáo. Khi dây này bị tổn thương ở phần ngoại biên (ngoài não), khả năng vận động một bên mặt sẽ bị ảnh hưởng.

Dù không đe dọa tính mạng, nhưng bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và sinh hoạt của người bệnh. Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng méo miệng, mất đối xứng khuôn mặt do cơ mặt bị kéo về bên lành.

Ngoài ra, bệnh nhân còn mất khả năng nhắm mắt hoàn toàn, gây khô mắt và dễ viêm loét giác mạc. Một số trường hợp còn đi kèm rối loạn vị giác, giảm tiết nước bọt, nước mắt hoặc di chứng co cứng cơ mặt nếu không điều trị kịp thời.

Theo bác sĩ Thu, về việc chữa trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, bệnh nhân có tiên lượng tốt nếu được can thiệp sớm, với khả năng hồi phục gần hoàn toàn trong 2-3 tháng. Nếu chậm trễ trong quá trình thăm khám và phát hiện bệnh, nguy cơ để lại di chứng như co giật cơ mặt hoặc thoái hóa thần kinh rất dễ xảy ra.

Ở bệnh nhân trên, cần tránh tiếp xúc với lạnh, giữ ấm vùng đầu mặt và theo dõi sát sao trong giai đoạn đầu để đánh giá hiệu quả điều trị. Còn đối với các trường hợp hiếm gặp như liệt hai bên mặt, cần xem xét các bệnh lý phức tạp hơn như hội chứng Guillain-Barré, đòi hỏi chẩn đoán chuyên sâu qua xét nghiệm dịch não tủy, điện thần kinh cơ.

Nhận thấy tác hại nghiêm trọng do biến chứng liệt dây thần kinh, bác sĩ Thu đã đưa ra lời cảnh báo cho cộng đồng về việc bảo vệ sức khỏe trong điều kiện thời tiết bất lợi: ngay khi người dân thấy xuất hiện các biểu hiện điển hình của bệnh như liệt mặt, méo miệng… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị ngay ở giai đoạn nhẹ, phòng tránh biến chứng nguy hiểm.

Bé trai nuốt phải mảnh vỡ ống thuốc tiêm trong lúc chơi đùa

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 4/4, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Minh An (Nghệ An) cho biết, vừa thực hiện thành công ca nội soi gắp dị vật là mảnh thủy tinh ra khỏi thực quản bệnh nhi N.M.Q. (11 tháng tuổi, ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).

Ekip nội soi gắp ra thành công một mảnh vỡ ống thuốc sắc nhọn, kích thước khoảng 14x16 mm. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Trước đó, bé trai nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng thực quản, hoảng loạn, khóc nhiều. Qua khai thác bệnh sử, người nhà cho biết, trong lúc chơi đùa cùng bà, Q. đã cắn và nuốt phải mảnh vỡ của ống thuốc tiêm. Sau khi nuốt, cháu la khóc dữ dội, gia đình lập tức đưa đến bệnh viện để cấp cứu.

Qua thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, các bác sĩ xác định được vị trí dị vật nên tiến hành hội chẩn, quyết định nội soi gây mê để gắp dị vật. Sau 15 phút, ekip nội soi đã gắp ra thành công một mảnh vỡ ống thuốc sắc nhọn, kích thước khoảng 14x16 mm, từ đoạn 1/3 trên thực quản.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Quân – Trưởng kíp nội soi cho biết, quá trình gắp dị vật gặp nhiều khó khăn do dị vật sắc nhọn đã cắm sâu vào thành thực quản, trong khi bệnh nhi còn rất nhỏ, chỉ mới 11 tháng tuổi.

Rất may cháu bé được phát hiện và xử trí kịp thời. Nếu để muộn, dị vật có thể gây thủng thực quản hoặc rơi xuống ruột, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng ruột, chảy máu... Khi đó bắt buộc phải phẫu thuật mở, và việc xác định vị trí dị vật sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Sự cố sinh hoạt như thế này có thể gây ra tai họa khôn lường. Dù các chuyên gia y tế và giáo dục đã thường xuyên khuyến cáo, hướng dẫn, nhưng đáng tiếc là các tình huống tương tự vẫn xảy ra, thậm chí để lại hậu quả đau lòng.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Quân, phụ huynh và người thân khi chăm sóc trẻ nhỏ cần luôn quan sát, tuyệt đối không để trẻ tiếp xúc hoặc chơi với các vật sắc nhọn, dễ vỡ như ống thuốc tiêm, đinh, ốc vít… Nếu phát hiện trẻ nuốt phải dị vật, cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Tin nổi bật