Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 26/9/2024: Số ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng sau mưa ngập

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 26/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 26/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Số ổ dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng sau mưa ngập

Báo Giao Thông dẫn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội cho hay, trong tuần qua thành phố ghi nhận 285 ca mắc sốt xuất huyết phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, có 3.251 ca mắc sốt xuất huyết.

Ngoài ra, trong tuần qua, cũng ghi nhận 23 ổ dịch sốt xuất huyết (tăng 14 ổ dịch so với tuần trước đó) tại 19 quận, huyện, thị xã như Bắc Từ Liêm, Phúc Thọ, Thanh Oai, Cầu Giấy, Chương Mỹ, Đan Phượng, Hoàn Kiếm…

CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch. Đồng thời, bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh đối với khu vực ngập lụt do mưa lũ tại các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Ba Đình, Đan Phượng, Thường Tín, Mê Linh, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Thanh Trì.

Bệnh sốt xuất huyết khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn. Ảnh minh họa

Theo nhận định của CDC Hà Nội, hiện tại đã bắt đầu giai đoạn cao điểm của dịch bệnh sốt xuất huyết hàng năm từ tháng 9 đến tháng 11, với điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, kết hợp mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Kết quả giám sát tại một số ổ dịch vẫn ghi nhận chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ. Do đó, dự báo số ca mắc sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.

TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương chia sẻ, nguyên nhân phát sinh dịch sốt huyết sau lũ bão là do các vi sinh vật, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường.

Đây cũng là thời điểm các ổ bọ gậy và muỗi phát sinh mạnh. Khi đó, khả năng tiếp xúc giữa người dân và các nguồn lây này lớn hơn, dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch cao hơn.

Ngoài ra, một phần nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh có thể đến từ sự chủ quan của người dân. Sau khi mưa bão và ngập lụt đi qua, mọi người thường quan tâm đến việc khắc phục hậu quả hơn là kiểm tra các ổ muỗi hay dụng cụ chứa nước trong gia đình. 

Theo các chuyên gia sức khỏe, bệnh sốt xuất huyết khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi. Tùy vào giai đoạn và mức độ của bệnh sẽ có những dấu hiệu và triệu chứng khác nhau.

TS Nguyễn Văn Dũng cũng khuyến cáo: Giai đoạn đáng lo ngại nhất của bệnh sốt xuất huyết là sau khi bệnh nhân giảm sốt bởi thời điểm này người bệnh thường chủ quan, không theo dõi, rất có thể xảy ra tình trạng máu đông, gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Theo TS Nguyễn Văn Dũng, cần tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bảo đảm vệ sinh môi trường tại các khu vực có nguy cơ cao và các khu vực bị ảnh hưởng do ngập lụt.

Bên cạnh đó, phối hợp với ban ngành, đoàn thể hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nhà cửa ngay sau khi nước rút (nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó); tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các khu vực có nguy cơ cao sau khi đã thực hiện vệ sinh môi trường…

TP.HCM ghi nhận trường hợp tử vong do mô não cầu

Theo TTXVN, Sở Y tế TP.HCM cho biết tại thành phố vừa ghi nhận một trường hợp tử vong do não mô cầu thể tối cấp. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính và có khả năng gây thành dịch.

Cụ thể, ngày 24/9, một phụ nữ 53 tuổi (cư trú huyện Bình Chánh, TP.HCM) được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trong tình trạng thở nhanh, xuất huyết da dạng bản đồ lan rộng rải rác toàn thân, vài vị trí có hoại tử trung tâm.

Theo lời người nhà, trước đó một ngày, người phụ nữ bắt đầu phát sốt, ớn lạnh và đau nhức toàn thân, sau đó xuất hiện các mảng ban màu hồng tím xuất phát từ cánh tay lan ra toàn thân.

Các bác sĩ chẩn đoán, người bệnh mắc bệnh não mô cầu thể tối cấp. Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhân được hồi sức tích cực, thở máy, lọc máu, sử dụng kháng sinh và thuốc vận mạch. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong sau 6 giờ nhập viện.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Bình Chánh đến nhà bệnh nhân để điều tra người tiếp xúc và thực hiện các biện pháp xử lý, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định.

Kết quả điều tra ghi nhận, bệnh nhân sống cùng chồng tại một nhà trọ ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh và làm công nhân tại một công ty ở tỉnh Long An.

Có 2 người tiếp xúc gần với bệnh nhân, cả 2 đều chưa có triệu chứng nghi ngờ bệnh, đã được nhân viên y tế cấp kháng sinh dự phòng và hướng dẫn tự theo dõi sức khỏe.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã kích hoạt quy trình chia sẻ thông tin dịch bệnh giữa các tỉnh liên kết vùng để thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An phối hợp điều tra dịch tễ.

Được biết, tại Việt Nam, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, thường gặp vào mùa Đông-Xuân.

Để phòng bệnh do não mô cầu, ngành Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt tại những vùng có dịch lưu hành rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường; ăn, uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng; thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.

Người dân nên chủ động tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu; khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Bị gạch rơi vào chân, người đàn ông nhập viện vì mắc uốn ván

Tạp chí Tri Thức đưa tin ngày 25/9, các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân N.V.K. (52 tuổi, ở Quảng Châu, Hưng Yên) được chuyển đến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên với chẩn đoán mắc uốn ván.

Vết thương ở mu bàn chân phải của bệnh nhân do bị viên gạch rơi vào. Ảnh: Tri Thức

Trước đó, đầu tháng 9/2024, do ảnh hưởng của bão Yagi, nước từ thượng nguồn đổ về khiến địa phương ông K. sinh sống bị ngập lụt. Ông K. cùng những người dân tham gia xây đắp tường phòng lũ. Trong quá trình xây đắp, ông gặp tai nạn nhỏ ở mu bàn chân phải do bị viên gạch rơi vào.

Ông K. tự xử lý, băng bó vết thương và không tiêm phòng uốn ván. 6 ngày sau, người đàn ông gặp tình trạng khó há miệng tăng dần, khó nuốt, bụng cứng. Đến ngày 16/9, ông vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hưng Yên khám và điều trị bệnh với chẩn đoán mắc uốn ván.

Khi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ông K. chỉ há miệng được 1,5 cm, tăng trương lực cơ không kiểm soát. Vết thương ở mu bàn chân phải của có kích thước nhỏ 0,5 cm, miệng khô, đóng vảy, không bị sưng hay viêm mủ.

Bác sĩ Trương Tư Thế Bảo ở khoa Cấp cứu cho biết, đây là bệnh nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván gây ra. Nguyên nhân mắc uốn ván thường do da bị trầy xước và vết thương tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ.

Vi khuẩn xâm nhập vào các vết thương, phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván… Bệnh uốn ván có thời gian ủ bệnh thường từ 3 đến 21 ngày. Bệnh cũng có thể ủ bệnh từ 1 ngày cho tới vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí của vết thương.

Hầu hết trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày. Nói chung, các vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn và cũng tiên lượng xấu hơn.

"Điều trị uốn ván phải mất ít nhất vài tuần. Bệnh nhân được tiêm huyết thanh điều trị uốn ván để xử lý độc tố ở trong máu. Những độc tố gắn vào tế bào thần kinh phải để cơ thể tự đào thải.

Chính vì thế, người dân khi có các vết thương tiếp xúc thường xuyên với môi trường bẩn như bùn đất, nước bẩn, môi trường chăn nuôi gia súc nên đi tiêm phòng uốn ván định kỳ 5 năm/lần. Bởi các vi khuẩn uốn ván sẽ ủ bệnh trong các vết thương và tiến triển thành bệnh", bác sĩ Bảo chia sẻ.

Tin nổi bật