Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 25/9/2024: Đi cấp cứu vì điện thoại bất ngờ phát nổ

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 25/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 25/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

 Đi cấp cứu vì điện thoại bất ngờ phát nổ

VietNamNet đưa tin, bà N.T.S. (68 tuổi, trú tại thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) phải vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn cấp cứu trong tình trạng 2 bàn tay có nhiều vết thương kích thước 10-30mm, chảy máu nhiều, đau đớn.

Theo người phụ nữ này, điện thoại đang cắm sạc và đã đầy pin nên bà rút khỏi dây sạc. Bất ngờ, điện thoại nổ tung.

Kết quả chụp X-quang cho thấy bệnh nhân bị gãy đốt 3 ngón II, gãy đốt 3 ngón III bàn tay phải, kèm di lệch. Bệnh nhân được các y bác sĩ sơ cứu, khâu vết thương và đặt nẹp ngón tay. Hiện tại, sau 2 ngày điều trị, sức khỏe nữ bệnh nhân ổn định.

Các trường hợp điện thoại có nguy cơ phát nổ như nóng bất thường, pin phồng, sạc pin lâu vào điện, sử dụng dây sạc không đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ Hà Quang Huy - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị 2 trường hợp bị chấn thương do điện thoại phát nổ, trong đó 1 trường hợp chấn thương bàn tay rất phức tạp.

Bác sĩ Huy khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng điện thoại khi đang sạc. Ngoài ra, các trường hợp điện thoại có nguy cơ phát nổ như nóng bất thường, pin phồng, sạc pin lâu vào điện, sử dụng dây sạc không đảm bảo an toàn.

Lưu ý, không nên dùng điện thoại tại những nơi ẩm ướt, dưới mưa bởi nước ngấm vào bên trong sẽ gây chập điện. Không đặt điện thoại trên chăn bông, gối đầu, đệm gây tăng nhiệt và dễ cháy nổ.

Phẫu thuật cho cụ ông 99 tuổi bị gãy xương

Báo Người Lao Động dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho hay, các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện đã phẫu thuật thành công cho cụ ông N.V.B.P (99 tuổi, ở Sóc Trăng) bị gãy xương và có nhiều bệnh nền nặng.

Trước đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ với tình trạng đau, sưng nề, hạn chế vận động vùng đùi – háng trái sau khi bị trượt té tại nhà.

Qua khám lâm sàng và thực hiện các cận lâm sàng kiểm tra, bác sĩ nhận định bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi trái và có nhiều bệnh lý nền nặng như tăng huyết áp, suy tim mức độ nặng, hở van động mạch chủ mức độ nặng, suy thận cấp giai đoạn hồi phục.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Người Lao Động

Bệnh nhân được hội chẩn bệnh viện với nhiều chuyên khoa. Ekip phẫu thuật và gây mê hồi sức đã tiến hành thăm khám cẩn thận và giải thích kỹ cho gia đình về mọi tình huống có thể xảy ra. Bởi lẽ, phẫu thuật cho bệnh nhân cao tuổi như cụ P. là một thách thức cho toàn bộ ekip phẫu thuật, đặc biệt là các bác sĩ gây mê.

Trong 40 phút, các bác sĩ quyết định phẫu thuật kết hợp xương bằng đinh nội tủy xương đùi trái trên màn hình tăng sáng cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật thành công trong niềm vui mừng của đội ngũ bác sĩ và người nhà cụ P.

Tình trạng hiện tại, bệnh nhân tỉnh, dấu hiện sinh tồn ổn định, sức khỏe phục hồi tốt, vết mổ khô, được hướng dẫn tập vật lý trị liệu sau khi xuất viện.

Theo bác sĩ CKII Huỳnh Thống Em - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, gãy liên mấu chuyển xương đùi là tình trạng gãy xương ngoài bao khớp, thường xảy ra ở người cao tuổi khi bị té ngã, loãng xương… Quá trình điều trị cần được tiến hành kịp thời để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải.

Tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi có thể dẫn đến nhiều triệu chứng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Ở giai đoạn muộn, gãy liên mấu chuyển xương đùi có thể dẫn đến tàn phế suốt đời do xương không liền hoặc quá trình phục hồi chậm.

Em bé tím tái, ho sặc sau khi ăn quả na

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, ngày 23/9, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) cho biết đơn vị vừa cấp cứu thành công một trường hợp bệnh nhi nguy kịch do hóc dị vật đường thở.

Người nhà bệnh nhi chia sẻ, sau khi ăn quả na, trẻ có biểu hiện ho sặc, tím tái nên người nhà đưa vào Trung tâm y tế huyện Krông Nô xử lý. Sau đó, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Tại đây, bệnh nhi được tiến hành nội soi gắp dị vật. Đến nay sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định. Dự kiến ngày 26/9, bệnh nhi sẽ được xuất viện.

Hạt na được gắp ra. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Theo bác sĩ CKII Hoàng Ngọc Anh Tuấn – Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Nhi – Nhi Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, để phát hiện sớm việc trẻ bị hóc dị vật, cha mẹ cần lưu ý, khi trẻ đang chơi, đột nhiên ho nhiều, ho tím tái, nôn, trớ… cần nghĩ ngay trường hợp bị hóc dị vật.

Các trường hợp hóc dị vật đường thở nếu không sơ cứu kịp thời, có nguy cơ gây tắc đường thở hoàn toàn, gây tổn thương não không hồi phục hoặc tử vong.

Vì vậy, khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu hóc dị vật nên thực hiện sơ cứu đúng cách và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất. Để tránh gây ra nguy hiểm và những di chứng cho trẻ khi bị hóc dị vật, phụ huynh tuyệt đối không bế trẻ nằm ngửa, không dùng tay móc họng để lấy dị vật, điều này rất nguy hiểm cho trẻ.

Đối với trẻ nhũ nhi, phụ huynh phải bình tĩnh bế sấp, đặt trẻ lên cánh tay, cho đầu trẻ chúi xuống sau đó vỗ lưng 5 lần. Tiếp đó, kiểm tra xem dị vật đã ra chưa, nếu chưa thì lật ngược bé lại rồi ấn tại vị trí ép ngực.

Đối với trẻ lớn hơn, cha mẹ có thể bế sấp, vòng tay qua người trẻ ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn). Làm động tác này tới khi nào trẻ thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn thì đưa trẻ tới bệnh viện.

Dị vật có trong đường thở từ 5-6 phút sẽ khiến trẻ ngừng thở, suy hô hấp dẫn đến tử vong. Do đó, nếu việc xử trí không thực hiện đúng và kịp thời trong vài phút đầu, trẻ sẽ bị thiếu oxy lên não khi chuyển đến bệnh viện. Đối với những trường hợp như vậy, dù cứu được mạng sống cũng sẽ để lại di chứng suốt đời cho trẻ.

Tin nổi bật