Báo Sơn La đưa tin ngày 22/9, Thiếu tá Đinh Công Sơn và Thượng úy Mai Đức Lộc, cán bộ Công an TP.Sơn La, đã kịp thời hiến máu cứu bệnh nhân N.V.C (SN 1967, trú tại tiểu khu 1, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) qua cơn nguy kịch do xuất huyết dạ dày.
Nhận được thông tin từ gia đình về trường hợp bệnh nhân N.V.C đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La, do xuất huyết dạ dày cấp, bác sĩ chỉ định truyền máu gấp trong ngày, trong khi đó, máu trữ tại bệnh viện đã hết.
Thiếu tá Đinh Công Sơn và Thượng úy Mai Đức Lộc hiến máu cứu người. Ảnh: Báo Sơn La
Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Công an TP.Sơn La chỉ đạo Đoàn thanh niên huy động đoàn viên, thanh niên có đủ điều kiện tham gia hiến máu cứu người.
Trong đó có Thiếu tá Đinh Công Sơn và Thượng úy Mai Đức Lộc có cùng nhóm máu O, đủ điều kiện về sức khỏe, đã kịp thời có mặt làm các thủ tục hiến máu cứu bệnh nhân. Đến thời điểm này, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Hành động hiến máu cứu người của hai cán bộ công an thể hiện tinh thần trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Sơn La đối với cộng đồng xã hội.
Theo thông tin trên VnExpress, người đàn ông 37 tuổi hoàn toàn khỏe mạnh, có một vài khối u mềm ở ngoài da lớn dần trong 10 năm nhưng không ảnh hưởng đến thẩm mỹ và lao động nên chưa xử lý.
Sau khi bố mất vì ung thư đại tràng, bệnh nhân đi khám sức khỏe nội soi phát hiện các polyp phân bổ dày đặc trong dạ dày, với kích thước từ 0,2 đến 1,4 cm và các tổn thương dạng lắng đọng glycogen ở thực quản.
Các bác sĩ khoa Nội soi tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã cắt các polyp có nguy cơ và sinh thiết, tìm bản chất polyp này. Kết quả giải phẫu bệnh là u mô thừa (hamartoma).
Đối với các u mềm ở đầu, tay, vai, và các nốt sần trên mu bàn tay, mặt, bệnh nhân được khuyên phẫu thuật bóc các u mềm lớn trên đầu, tay vừa để tìm hiểu bệnh vừa để giải quyết thẩm mỹ. Kết quả các khối đều là u xơ bì (Sclerotic Fibroma-like Dermatofibroma).
Các bác sĩ hội chẩn, kết luận bệnh nhân mắc hội chứng Cowden (hội chứng đa u lành tính), là bệnh di truyền đặc trưng chủ yếu của các khối u không phải ung thư (hamartomas) tại nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể.
Ngày 22/9, bác sĩ Nguyễn Văn Cảnh - khoa Nội soi tiêu hóa, cho biết hội chứng Cowden (Cowden syndrome) là một rối loạn di truyền với tỷ lệ mắc bệnh trên thế giới là 1/200.000 người.
Hội chứng này xảy ra do sự đột biến các gen PTEN (chiếm 25%), KLLN hoặc WWP1. Hầu hết bệnh nhân mắc Cowden syndrome đều phát triển các polyp tại đường tiêu hóa trên và ở đại trực tràng, nguy cơ tiến triển thành ung thư đại trực tràng tăng lên đáng kể.
Trên da người bệnh trên cũng xuất hiện nhiều bất thường với người ngoài 20 tuổi như u nhú, u lành tính xuất phát ở vỏ ngoài của nang lông, dày sừng nang lông, u mạch máu, dị dạng mạch máu, u mỡ, u nhú ở lưỡi. Ngoài ra, bệnh nhân còn tăng nguy cơ bị ung thư tuyến giáp và ung thư vú.
Theo bác sĩ Cảnh, với những bệnh nhân này, cần tầm soát để đánh giá và cắt các polyp có nguy cơ cao qua nội soi nhằm hạn chế polyp ung thư hóa hoặc quá dày đặc khiến phải cắt toàn bộ dạ dày, đại tràng.
Việt Nam hiện chưa ghi nhận báo cáo nào về số liệu người bệnh được chẩn đoán hội chứng Cowden. Do đó việc đi khám tầm soát nội soi dạ dày đại tràng, nhất là khi gia đình có người bị polyp ống tiêu hóa rất quan trọng, bác sĩ khuyến cáo.
Theo VTV Times, nữ bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) cấp cứu trong tình trạng đau từng cơn vùng quanh rốn và hố chậu phải từ 1h cùng ngày.
Bệnh nhân được chỉ định chụp CTscanner ổ bụng và cho thấy hình ảnh dị vật hình que, dài 49mm, xuyên thủng thành ruột. Ngay khi có kết quả cận lâm sàng, bệnh nhân được chuyển phẫu thuật cấp cứu lấy dị vật.
Các bác sĩ cho biết, việc điều trị cho bệnh nhân cần ưu tiên lấy bỏ dị vật và xử lý tổn thương hệ tiêu hoá. Lựa chọn cuối cùng được đưa ra sau khi hội chẩn là dùng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng lấy dị vật và khâu lỗ thủng đại tràng, làm hậu môn nhân tạo.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh: VTV Times
Sau phẫu thuật, sinh hiệu bệnh nhân ổn, tiếp xúc tốt. Khi đã hoàn toàn tỉnh táo và được bác sĩ cho biết dị vật được lấy ra là một tăm tre thì bệnh nhân cũng không nhớ là mình đã nuốt tăm khi nào.
Tình trạng bệnh nhân tiếp tục cải thiện tốt và có thế xuất viện trong vài ngày tới. Bệnh nhân cho biết, có thói quen ngậm tăm sau ăn và có thể đã ngủ quên nên nuốt khi nào không rõ.
Dị vật đường tiêu hoá nếu không được phát hiện sớm và điều trị sẽ gây ra các nguy cơ chảy máu, thủng ruột, tắc ruột, áp xe ổ bụng, nghiêm trọng hơn có thể gây nhiễm khuẩn huyết nguy hiểm đến tính mạng.