Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 19/9/2024: Nghe con hỏi 1 câu, gia đình tức tốc đưa đi viện

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 19/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 19/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Nghe con hỏi 1 câu, gia đình tức tốc đưa đi viện

VTC News đưa tin ngày 18/9, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết vừa thực hiện nội soi thực quản dạ dày cấp cứu bằng phương pháp gây mê, gắp thành công dị vật cho một bệnh nhi 3 tuổi, quê ở xã Bình Tân Phú (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Theo người thân của bé trai, tối 15/9, cháu bé lấy đèn pin đội đầu của bố để cầm chơi. Sáng hôm sau, cháu nói với mẹ là đã nuốt pin vào bụng và hỏi mẹ làm sao để lấy ra. Lúc này, gia đình nhanh chóng đưa cháu bé đến bệnh viện để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ có một chiếc đinh vít trong dạ dày của bệnh nhi.

Các bác sĩ tiến hành thăm khám, chụp X-quang, siêu âm xác định vị trí dị vật trong đường tiêu hóa. Ngay sau đó, bệnh nhi được chuyển đến khoa Gây mê hồi sức để thực hiện thủ thuật gắp dị vật.

Trải qua 30 phút, ekip nội soi đã gắp thành công dị vật kim loại được xác định là một chiếc đinh vít dài 4cm từ vị trí dạ dày ra khỏi cơ thể của bệnh nhi.

Dị vật kim loại được xác định là một chiếc đinh vít dài 4cm. Ảnh: VTC News

Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Mỹ Lệ - Phụ trách khoa Tiêu hóa chia sẻ: "Quá trình gắp dị vật cho bệnh nhi khá khó khăn vì dị vật trơn, tròn. Rất may là bệnh nhi được phát hiện và xử lý sớm vì nếu không xử lý kịp thời, dị vật có thể xuống ruột gây thủng ruột, chảy máu… và phải phẫu thuật".

Qua vụ việc trên, bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Lệ khuyến cáo bố mẹ nếu có thời gian nên chơi cùng con trẻ, hoặc quan sát khi con vui chơi. Tránh để trẻ tiếp xúc, chơi với các đồ vật sắc nhọn, đồng xu, đinh, ốc vít… Nếu phát hiện trẻ nuốt phải dị vật thì cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. 

Lấy hơn 50 viên sỏi trong túi mật, giúp bệnh nhân thoát cơn đau hành hạ

Báo Công Lý đưa tin, Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark (TP.Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai) vừa lấy ra hơn 50 viên sỏi từ túi mật bệnh nhân chỉ mới 28 tuổi. Căn bệnh sỏi mật đang có xu hướng trẻ hóa và liên quan mật thiết đến lối sống hiện đại.

Theo thông tin từ bệnh viện, bệnh nhân Đ.A.N (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội. Trước đó, bệnh nhân này đã đi khám nhiều nơi nhưng chỉ được chẩn đoán viêm dạ dày. Tuy nhiên, kết quả siêu âm bụng cho thấy, túi mật của bệnh nhân chứa một lượng lớn sỏi, được ví như “một quả bom nổ chậm” âm ỉ trong cơ thể.

Ca phẫu thuật diễn ra thành công, giúp N. thoát khỏi cơn đau hành hạ và nguy cơ mắc các biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao một người trẻ tuổi lại có thể mắc phải căn bệnh thường gặp ở người lớn tuổi như vậy?

Kết quả siêu âm bụng cho thấy, túi mật của bệnh nhân chứa một lượng lớn sỏi, được ví như “một quả bom nổ chậm” âm ỉ trong cơ thể. Ảnh: Công Lý

Bác sĩ Lâm Kim Ngân - chuyên khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đại học Y Dược Shing Mark cho biết: "Sỏi mật hình thành do sự mất cân bằng giữa các thành phần trong dịch mật. Chế độ ăn uống không hợp lý làm tăng lượng cholesterol trong mật, tạo điều kiện cho sỏi hình thành và phát triển. Ngoài ra, các yếu tố di truyền và rối loạn chuyển hóa cũng góp phần vào quá trình này”.

"Sỏi mật không phải là căn bệnh hiếm gặp, đặc biệt ở những người trẻ tuổi. Vì vậy, việc thay đổi lối sống và khám sức khỏe định kỳ là vô cùng quan trọng. Phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm và bảo vệ sức khỏe", bác sĩ nhấn mạnh.

Để phòng ngừa sỏi mật, các chuyên gia khuyến cáo hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, tăng cường rau xanh, trái cây và các loại hạt, đồng thời tập thể dục giúp tăng cường trao đổi chất và giảm nguy cơ béo phì. Siêu âm bụng là cách tốt nhất để phát hiện sỏi mật ở giai đoạn sớm.

Người đàn ông bị bỏng nặng do điện giật khi đang làm việc

Theo VietNamNet, hai người đàn ông trẻ ở Phú Thọ được đưa vào cấp cứu trong tình trạng bỏng nặng do điện giật khi đang làm việc, câu cá.

Trường hợp thứ nhất là anh N.V.D. (35 tuổi, ở Cẩm Khê, Phú Thọ) đang làm việc gần đường điện thì bất ngờ thấy ánh sáng lóe lên kèm theo tiếng "xẹt". Sau đó, anh D. bất tỉnh, mọi người xung quanh đã lấy nước dội lên toàn thân bệnh nhân và đưa anh vào trạm y tế cấp cứu trong tình trạng bỏng rát, đau đớn. Sơ cứu xong, anh D. được chuyển tới cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê tiếp tục theo dõi và điều trị.

Nam bệnh nhân cấp cứu trong bệnh viện. Ảnh: VietNamNet

Trường hợp thứ 2 là anh M. (25 tuổi trú tại Cẩm Khê, Phú Thọ) vào cấp cứu với tổn thương điện giật. Theo người nhà, anh câu cá gần đường điện trung thế và bị điện giật, choáng váng ngã xuống nước, được người đi cùng đưa vào viện cấp cứu. Tại bệnh viện, nam thanh niên được xác định tổn thương bỏng do điện, đặc biệt là vùng mặt, cổ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Diện - khoa Cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, cho biết hai bệnh nhân đều có tổn thương bỏng độ I, II, III tại nhiều vùng cơ thể do tia lửa điện. Ngoài điều trị, chăm sóc tổn thương bỏng, người bệnh phải theo dõi hội chứng tiêu cơ vân. Đây là tình trạng thường gặp sau chấn thương, sập hầm, đổ nhà, động đất, bỏng diện tích lớn, bỏng do điện giật hoặc sét đánh... gây tình trạng rối loạn điện giải, toan chuyển hóa, sốc giảm thể tích và suy thận cấp.

Bác sĩ Diện cho biết thêm rằng, các trường hợp bị điện giật, kể cả không tìm thấy tổn thương bằng mắt thường, cũng cần đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và tư vấn.

Tin nổi bật