Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết vừa cấp cứu kịp thời một nữ bệnh nhân (25 tuổi, Lâm Đồng). Trước đó, bệnh nhân nằm trên giường lấy ráy tai bằng dụng cụ kim loại thì người chồng ở bên cạnh quay sang ôm, va vào tay khiến dụng cụ xuyên thủng mãng nhĩ trái đi vào hòm nhĩ, gần chạm trúng động mạch cảnh trong.
Trong quá trình tìm cách lấy dị vật ra ngoài, một đầu của dị vật bị gãy, đầu bên trong vẫn xuyên thủng màng nhĩ. Nữ bệnh nhân giữ nguyên hiện trạng đến bệnh viện cấp cứu và được các bác sĩ xử lý kịp thời, không để lại các di chứng.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống
Chia sẻ về tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ CKI Ngô Hoàng cho biết, qua thăm khám, nội soi, bác sĩ phát hiện dị vật là dụng cụ ráy tai bằng kim loại nằm dọc trong ống tai trái, xuyên thủng màng nhĩ vào hòm nhĩ, ống tai ngoài và màng nhĩ trái sung huyết phù nề.
Điều nguy hiểm ở trường hợp này là dị vật gần chạm đến động mạch cảnh trong, nếu động mạch này vỡ thì máu chảy rất nhiều, cấp cứu không kịp thời có thể gây ra tử vong.
"Nếu bệnh nhân tự tìm cách lấy dị vật ra ngoài có thể vô tình đẩy dị vật sâu vào bên trong gây vỡ động mạch cảnh trong thì vô cùng nguy hiểm. Chúng tôi tiến hành nội soi lấy dị vật ra ngoài thành công, thính lực đồ trái bệnh nhân đã trở nên bình thường, không ảnh hưởng đến sức nghe", bác sĩ Ngô Hoàng chia sẻ.
Từ trường hợp trên, bác sĩ Ngô Hoàng khuyến cáo, một số người có thói quen lấy ráy tai bằng các vật dụng khác nhau, điều này không cần thiết và có thể dẫn đến một số rủi ro về tai.
Không nên dùng các cây ngoáy tai có đầu cứng, sắc nhọn để lấy ráy tai, không nên đưa cây ngoáy tai, gồm cả bông tăm, sâu vào trong ống tai.
Nếu làm vệ sinh tai ngoài hoặc lấy ráy tai thì nên giữ cơ thể ở tư thế ít chuyển động, tránh xa người và vật để không bị va chạm dẫn đến những trường hợp đáng tiếc.
Trong trường hợp không may bị sự cố, chấn thương khi lấy ráy tai, không nên tìm cách lấy dị vật ra ngoài vì có thể làm tăng thêm các tổn thương bên trong tai mà giữ nguyên hiện trạng đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý.
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 mới đây đã thực hiện thành công ca cấp cứu cho một bệnh nhân nữ 27 tuổi đang mang thai tuần thứ 40 bị sốc phản vệ mức độ nguy kịch do dùng thuốc, theo chuyên trang Pháp Luật và Xã Hội.
Ngày 10/9, bệnh nhân tự uống một số loại thuốc bao gồm amoxillin, alphachoay, codepil và ngân liên phế để điều trị đau họng. Khoảng 30 phút sau khi uống thuốc, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng như nổi mề đay toàn thân, khó thở, thở rít, đau ngực và choáng.
Khi được đưa vào khoa Cấp cứu, bệnh nhân trong tình trạng tỉnh táo nhưng có dấu hiệu dị ứng như ban đỏ toàn thân, ngứa nhiều, phù nhẹ thanh môn, nói khàn, thở rít, thở nhanh 30 lần/phút, SpO2 92%, mạch nhanh 132 lần/phút và huyết áp thấp 96/54mmHg.
Việc sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai cần phải hết sức thận trọng và chỉ nên thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ảnh minh họa
Ekip cấp cứu đã nhanh chóng triển khai phác đồ điều trị phản vệ độ 3, bao gồm tiêm adrenalin, corticoid, kháng histamin, cùng với việc hỗ trợ thở oxy và truyền dịch. Đồng thời, các bác sĩ cũng tiến hành siêu âm thai tại giường, hội chẩn chuyên khoa sản, theo dõi tim thai và cơn co tử cung để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Sau 10 phút cấp cứu tích cực, tình trạng bệnh nhân đã có chuyển biến tích cực. Các triệu chứng khó thở và ban đỏ giảm dần, huyết áp và mạch dần ổn định.
Người bệnh được chuyển đến khoa Hồi sức nội và Chống độc để tiếp tục theo dõi. Đến 14h ngày 12/9, bệnh nhân đã được xuất viện trong tình trạng ổn định, hết các triệu chứng dị ứng, và thai nhi khỏe mạnh.
Bác sĩ Lê Kiều Trang - khoa Cấp cứu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng tức thì nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong đột ngột trong vòng vài phút. Thuốc là một trong những nguyên nhân phổ biến gây sốc phản vệ, đặc biệt là các loại kháng sinh nhóm β lactam, thuốc chống viêm giảm đau, và một số loại thuốc khác.
Bên cạnh đó, bác sĩ Lê Kiều Trang lưu ý rằng phản vệ ở phụ nữ mang thai là trường hợp đặc biệt nguy hiểm, có thể gây thiếu oxy cho cả mẹ và thai nhi, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy thai hoặc thai lưu. Vì vậy, việc sử dụng thuốc ở phụ nữ mang thai cần phải hết sức thận trọng và chỉ nên thực hiện dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ Lê Kiều Trang khuyến cáo rằng khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ dị ứng nào như ban đỏ, ngứa, phù mặt, khó thở hoặc choáng, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Báo Nhân Dân đưa tin ngày 17/9, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các y bác sĩ của bệnh viện đang điều trị tích cực cho 2 bệnh nhân ở phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bị ngộ độc sau khi ăn cá nóc.
Trước đó, chiều 16/9, ông NG.H (SN 1959) cùng vợ là bà L.T.K.H (SN 1966, ở phường Phổ Thạnh) sau khi ăn cá nóc khoảng 1 giờ thì cả hai xuất hiện các triệu chứng choáng, tê đầu lưỡi và sau đó là tê toàn thân nên được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cấp cứu.
Bà L.T.K.H đang điều trị ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Nhân Dân
Khi vào viện cấp cứu, ông NG.H trong tình trạng ngừng hô hấp tuần hoàn, hôn mê sâu, ngừng thở nên được chỉ định thở máy, còn bà L.T.K.H có triệu chứng nhẹ hơn, được chỉ định điều trị theo phác đồ ngộ độc thực phẩm.
Nhờ được các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cứu chữa kịp thời nên đến chiều 17/9, sức khỏe của ông NG.H đã được cải thiện, đã tỉnh, tự thở, không tê tay tê chân, các dấu hiệu sinh tồn ổn định. Bà L.T.K.H sức khỏe đã ổn định.
Được biết, ngộ độc cá nóc vẫn chưa có thuốc đặc trị song thời gian qua, vẫn còn nhiều ngư dân chủ quan sử dụng dẫn đến bị ngộ độc.