Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 17/9/2024: Đau lưỡi lâu ngày, đi khám phát hiện mắc ung thư

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 17/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 17/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Đau lưỡi lâu ngày, đi khám phát hiện mắc ung thư

Báo Hà Nội Mới dẫn thông tin từ Bệnh viện E cho hay, các bác sĩ khoa Khoa Răng Hàm Mặt vừa tiếp nhận và phẫu thuật thành công cho cụ bà (70 tuổi, ở Hà Nội) bị ung thư bờ lưỡi nguy hiểm bằng phương pháp vi phẫu.

Theo TS.BS Nguyễn Hồng Nhung ở khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện E, ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ phát hiện trong khoang miệng của người bệnh có khối u kích thước khoảng 6cm, cứng, nhiều thùy múi, thâm nhiễm xung quanh. Trên bề mặt khối u sùi loét, lồi lõm không đều, lưỡi bị hạn chế vận động, di căn hạch dưới hàm trái…

Con gái bệnh nhân kể, người bệnh thường xuyên bị đau miệng nên người nhà tưởng bị đau răng và cho đi khám răng tại một cơ sở nha khoa. Tuy nhiên, sau khi thăm khám răng miệng, các bác sĩ phát hiện bất thường và chỉ định làm sinh thiết cho người bệnh. Gia đình bàng hoàng khi nhận kết quả, người bệnh được chẩn đoán bị ung thư biểu mô tế bào vảy.

Khi đến khoa Răng Hàm Mặt Bệnh viện E, thông qua khám lâm sàng và kết quả xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, các bác sĩ đã xác định người bệnh bị u ác bờ của lưỡi/ung thư bờ lưỡi và nhanh chóng đưa ra phương án điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Người bệnh được chăm sóc, điều trị tích cực ở Bệnh viện E. Ảnh: Hà Nội Mới

TS.BS Nguyễn Hồng Nhung - bác sĩ trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật chia sẻ, đây là một trong những loại ung thư phổ biến nhất của ung thư miệng, gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Hiện nay, chưa có kết luận chính xác về nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bệnh ung thư lưỡi, tuy nhiên có thể kể đến một số yếu tố nguy cơ như thói quen uống rượu và hút thuốc lá kéo dài, vệ sinh răng miệng kém, thói quen ăn uống chưa hợp lý, quan hệ tình dục không an toàn (bằng miệng), do gen…

Ở trường hợp người bệnh nói trên, khi vào viện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn (giai đoạn T3) với kích thước khối u đã lớn, gây xâm lấn toàn bộ từ phía vùng niêm mạc miệng đến toàn bộ lớp cơ, mạch máu và hệ thống xung quanh vùng lưỡi.

Do đó, để điều trị, phương pháp tối ưu là cắt bỏ toàn bộ vị trí khối u và các vùng có liên quan, sau đó tạo hình lưỡi bằng vạt vi phẫu cho người bệnh. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể chấm dứt những đau đớn, được tập nuốt, tập nói và cuộc sống trở lại bình thường.

Phải cắt bỏ một bên thận do biến chứng của sỏi thận

Theo chuyên trang Pháp Luật & Xã Hội, gần đây Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã tiếp nhận một trường hợp người bệnh phải cắt bỏ thận phải do biến chứng của sỏi thận.

Đáng chú ý, bệnh nhân có tiền sử mắc sỏi thận từ nhiều năm trước nhưng không tiến hành thăm khám hay điều trị tại bất kỳ cơ sở y tế nào. Thay vào đó, người bệnh chỉ sử dụng thuốc đông y với hy vọng sỏi sẽ tự tiêu. Chỉ đến khi xuất hiện cơn đau dữ dội, người bệnh mới quyết định đến bệnh viện để kiểm tra.

Cụ thể, một tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy đau thắt lưng, lan ra phía trước, kèm theo buồn nôn và mệt mỏi toàn thân. Sau khi tiến hành các cận lâm sàng cần thiết bao gồm siêu âm, xét nghiệm và chụp CT Scanner, các bác sĩ phát hiện thành bể thận của người bệnh đã giãn rất mỏng.

Đáng lo ngại hơn, một viên sỏi kích thước khoảng 2x2cm được tìm thấy trong thận phải, gây mất chức năng của quả thận này. Trước tình trạng nghiêm trọng đó, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật nội soi để cắt bỏ thận phải cùng với khối sỏi.

Người dân cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường. Ảnh minh họa: Pháp Luật & Xã Hội

ThS.BS Nguyễn Như Trung ở khoa Ngoại thận - Tiết niệu nhấn mạnh, người dân cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các bất thường. Đặc biệt, những người có tiền sử mắc sỏi thận nhưng không có triệu chứng đau hoặc chủ quan không đi khám cần hết sức cảnh giác. Nhiều trường hợp khi nhập viện điều trị do biến chứng nặng đã phải cắt bỏ một bên thận.

Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Như Trung cũng nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của việc uống đủ nước hàng ngày. Thói quen lười uống nước có thể khiến hệ tiết niệu hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến tình trạng nước tiểu đọng lại, trở nên đậm đặc và tăng nguy cơ hình thành sỏi đường tiết niệu cũng như sỏi thận.

Điều trị cho bệnh nhân bị viêm phổi do sốt ve mò

Theo TTXVN, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu long (quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) mới đây đã điều trị thành công một trường hợp viêm phổi do sốt ve mò. Đây là bệnh lý ít gặp nhưng cực kỳ nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Trước đó, ngày 10/9, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long tiếp nhận bệnh nhân P.T.N (48 tuổi, ngụ tại tỉnh Đồng Tháp) nhập viện trong tình trạng sốt cao 40 độ C, có lúc sốt nóng, lúc sốt rét, đặc biệt đau đầu dữ dội, buồn nôn, mệt mỏi, không ăn uống được.

Hồ sơ bệnh án của bệnh viện tuyến dưới cho thấy, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phế quản và đang điều trị bằng kháng sinh thông thường. Tuy nhiên, sau 48 giờ điều trị, tình trạng người bệnh chưa cải thiện và có thêm các triệu chứng sốt cao liên tục, ho tăng lên và suy hô hấp nghiêm trọng.

Vết mò đốt thường ở những vùng da mềm, ẩm như cổ, nách, bẹn, hông lưng... Ảnh minh họa

Sau khi hội chẩn giữa các chuyên khoa, bác sĩ quyết định cho người bệnh thực hiện chụp cắt lớp vi tính (MSCT) lồng ngực và các xét nghiệm chuyên sâu. Kết quả cho thấy có những tổn thương dạng kính mờ ở vùng đáy phổi phải, cùng với tình trạng tràn dịch màng phổi hai bên.

Đặc biệt, trong quá trình thăm khám lâm sàng toàn diện, các bác sĩ phát hiện người bệnh có một vết loét màu đen hình bầu dục kích thước 0,8cm ở mặt sau đùi phải, một dấu hiệu rất dễ bị bỏ qua nếu không chú ý.

Khai thác bệnh sử được biết người bệnh trước đó có đi vùng núi Cấm (tỉnh An Giang) để tìm hái lá cây thuốc nam điều trị bệnh. Sau khi về nhà phát hiện có bị đau vùng đùi phải, sau đó loét và không lành. Kết hợp thêm các triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ xác định người bệnh đang mắc viêm phổi do sốt ve mò.

Sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu, chỉ sau 3 ngày, người bệnh có sự cải thiện rõ rệt. Hiện tình trạng người bệnh khỏe mạnh, không còn các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Các chỉ số xét nghiệm đánh giá tình trạng viêm nhiễm trở về bình thường.

Với bệnh nhân sốt ve mò, thông thường nếu phát hiện kịp thời và dùng thuốc kháng sinh đặc hiệu thì trong 48 - 72 giờ có thể hết sốt. Tuy nhiên, bệnh nhân P.T.N sốt ve mò để lâu đã biến chứng thành viêm phổi, suy hô hấp nên phải điều trị kháng sinh từ 7 - 10 ngày, kết hợp thở oxy gọng kính, bởi lúc này người bệnh có thể đối diện với những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, viêm màng não và thậm chí sốc nhiễm trùng dẫn đến tử vong.

Tin nổi bật