Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tin tức đời sống 13/9/2024: Cần làm gì khi rắn độc bò vào nhà sau lũ?

  • Đinh Kim (T/h)
(DS&PL) -

Tin tức đời sống mới nhất ngày 13/9/2024. Cập nhật tin tức đời sống mới nhất ngày 13/9/2024 trên trang Đời sống & Pháp luật.

Cần làm gì khi rắn độc bò vào nhà sau lũ?

Tạp chí Tri Thức dẫn lời TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay thời điểm mưa, bão kết hợp không khí ẩm ướt, lạnh là điều kiện để các loài rắn, côn trùng… ra khỏi nơi trú ẩn, tìm kiếm thức ăn.

Bên cạnh đó, môi trường sống tự nhiên của động vật hiện đã bị phá vỡ và thu hẹp lại. Nhiều loài rắn như rắn hổ, rắn lục và các động vật gây hại buộc phải tới sống xen kẽ với khu vực dân cư. Như vậy, chúng rất dễ tiếp xúc với con người, từ đó dẫn đến các tai nạn đáng tiếc.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, thường các loài rắn độc và côn trùng có độc ưa hoạt động vào ban đêm. Trong điều kiện bóng tối, chúng sẽ hoạt động mạnh, hung dữ hơn. Mưa bão khiến ánh sáng bị hạn chế, nhiều nơi buộc phải cắt điện để đảm bảo an toàn cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị người dân bị rắn, côn trùng độc cắn.

Khi thấy rắn vào nhà, nhiều người là hoảng loạn, la hét và cố gắng đuổi đánh hoặc bỏ chạy. Tuy nhiên, bác sĩ CKI Trương Phước Hữu ở khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho rằng tấn công hay bỏ chạy đều không phải cách xử lý tốt khi gặp rắn. Điều này thậm chí có thể tạo ra tác động ngược, khiến rắn tấn công lại bạn và người trong gia đình, nhất là trẻ em.

Thời điểm mưa, bão kết hợp không khí ẩm ướt, lạnh là điều kiện để các loài rắn, côn trùng… ra khỏi nơi trú ẩn, tìm kiếm thức ăn. Ảnh minh họa: SCMP

"Khi phát hiện rắn, bạn cần nhanh chóng quan sát và thông báo cho người xung quanh. Nếu có trẻ em, hãy đưa trẻ đến xa khu vực có rắn và dặn bé không được đến gần. Trường hợp các loài rắn độc dễ nhận biết như lục đuôi đỏ, hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, hãy chuẩn bị găng tay, mang ủng nếu có sẵn để tránh bị rắn cắn", bác sĩ Phước hướng dẫn.

Sau đó, mọi người có thể dùng cây gậy dài và nhẹ nhàng dọa đuổi chúng đi. Nếu rắn vẫn nằm yên trong hóc nhà, kẹt tủ hay quấn trong chăn, hãy để yên và đừng động đến chúng.

"Cách tốt nhất là gọi người có kinh nghiệm đuổi bắt rắn để cùng giải quyết, không nên xử lý một mình. Điều quan trọng nhất lúc này là giữ tâm lý bình tĩnh để giải quyết vấn đề, hành động dứt khoát", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Để phòng tránh nhiễm độc do rắn trong mùa mưa bão, các bác sĩ khuyến cáo người dân luôn chú ý quan sát khi tiếp xúc các vị trí góc khuất, đống rác, đống lá cây, bụi cây, đống gạch, khe hốc, hang... nơi hay có rắn và động vật có độc cư trú. Mọi người nên chú ý dùng gậy, đèn chiếu sáng để đi lại và làm việc.

Người dân tuyệt đối không dùng tay trần để đưa tay vào các khu vực nêu trên vì rất dễ gặp rắn và động vật đang trú ẩn tại đó tấn công. Khi lao động, đi lại ban đêm nên mang ủng, đeo găng tay, đội mũ nếu ở rừng.

Người dân ở vùng nông thôn, rừng núi nên đóng cửa kín ở tầng 1, đặc biệt ở vị trí gần mặt đất để tránh rắn chui qua khe vào nhà. Khi thấy rắn, mọi người không nên chủ động bắt rắn mà cần đuổi đi hoặc bất đắc dĩ thì đánh chết.

Theo bác sĩ CKII Trần Thái Tuấn - Trưởng Khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận, khi có người bị rắn độc cắn cần bình tĩnh, thực hiện sơ cứu tại hiện trường như trấn an bệnh nhân, đặt bệnh nhân trên mặt bằng phẳng và hạn chế di chuyển.

Lưu ý, người dân không cắt hoặc rạch vết cắn, không đắp đá hay chườm lạnh, không đắp bất kỳ thuốc hay hoá chất khác lên vết thương. Sau đó, nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất đảm bảo hô hấp và sinh tồn trên đường di chuyển (hồi sức được hô hấp, tim mạch).

Nỗ lực cứu bệnh nhân thoát nguy kịch trong đêm bão mất điện

Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, đại diện Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) vừa cho biết, trong đêm mưa bão số 3 vừa qua, các bác sĩ và nhân viên y tế của đơn vị đã cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn, ngừng tim tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc - thận nhân tạo. Đáng chú ý, thời điểm thực hiện cấp cứu, trung tâm bị mất điện khiến toàn bộ máy móc hỗ trợ ngưng trệ.

Theo đó, ngày 7/9, khi bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh làm hệ thống điện lưới Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều bị ngưng trệ, hệ thống máy phát điện đang được sửa chữa. Việc mất diện khiến toàn bộ hệ thống máy thở, khí nén, áp lực âm của đơn vị phải tạm dừng hoạt động. Đúng lúc này, bệnh nhân N.T.D (77 tuổi) đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc - thận nhân tạo bất ngờ xảy ra sự cố.

Đây là bệnh nhân sốc đang điều trị tại viện do sốc nhiễm khuẩn, suy thận cấp, tăng huyết áp, đái tháo đường tuýp II và đang được hồi sức tích cực, huyết động phụ thuộc vào thuốc vận mạch liều cao, kháng sinh, bù phụ dịch và ổn định điện giải.

Sau khoảng 20 phút tích cực cấp cứu, bệnh nhân đã vượt qua cơn nguy kịch trong niềm vui vỡ òa của bác sĩ, nhân viên y tế. Ảnh: Sức Khỏe & Đời Sống

Ngay khi phát hiện, các bác sĩ tiến hành chẩn đoán và xác định tình trạng bệnh nhân N.T.D ngừng tuần hoàn. Lúc này bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng ở khoa Phẫu thuật Gây mê hồi sức, trưởng kíp trực cùng kíp trực nhanh chóng thực hiện công tác cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Kíp trực cấp cứu (gồm bác sĩ Nguyễn Mạnh Hùng; bác sĩ CKI Sản khoa Phạm Sỹ Tâm và 2 điều dưỡng hồi sức tích cực Ngô Thị Ngọc Lan, Đoàn Thanh Tùng) nhanh chóng tiến hành ép tim ngoài lồng ngực, đặt ống nội khí quản, bóp bóng Ambu và sử dụng các thuốc vận mạch. Trong lúc này tất cả hệ thống máy móc, hỗ trợ đang tạm ngưng trệ, thiếu thốn về ánh sáng cùng nhân lực.

Với sự quyết tâm, đồng lòng, khắc phục khó khăn, sau khoảng 20 phút tích cực cấp cứu, người bệnh đã vượt qua cơn nguy kịch trong niềm vui vỡ òa của bác sĩ, nhân viên y tế.

Theo đại diện Trung tâm Y tế thị xã Đông Triều, trong lúc bão số 3 đổ bộ, đơn vị có 6 người bệnh đang phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở và kiểm soát kèm theo 12 người bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo chu kỳ.

Bé 8 tuổi bị dị dạng mạch máu não phức tạp hiếm gặp

Theo TTXVN, bệnh nhi H.Đ.P (nam, 8 tuổi, trú tại Bạc Liêu) nhập viện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ ngày 5/9 trong tình trạng đau đầu và nôn ói liên tục. Bệnh nhi được chỉ định chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA.

Kết quả ghi nhận bệnh nhi có khối dị dạng thông động tĩnh mạch vùng thái dương đỉnh bên trái phức tạp hiếm gặp, dọa vỡ, nguy cơ tử vong cao. Ngay lập tức, ekip các bác sĩ liên chuyên khoa của bệnh viện quyết định can thiệp nội mạch, dùng keo bơm tắc động mạch nhằm giảm lượng máu nuôi khối dị dạng.

Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhi đã được ra viện với sức khỏe ổn định, không còn triệu chứng và không để lại di chứng.

Bác sĩ Dương Hoàng Linh - Đơn vị can thiệp DSA, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ cho biết, dị dạng mạch máu não (AVM) là trường hợp động mạch và tĩnh mạch trong não nối trực tiếp với nhau không thông qua mao mạch, tạo thành một mạng lưới mạch máu phức tạp.

Tỷ lệ mắc bệnh này rất hiếm, ước tính chỉ có khoảng 1% dân số mắc phải. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hình ảnh khối dị dạng mạch máu não trước và sau can thiệp. Ảnh: TTXVN

Dị dạng mạch máu não có thể xuất phát từ các nguyên nhân liên quan đến di truyền, đột biến gen và quá trình tạo mạch máu mới từ các mạch máu hiện có; hoặc xuất phát từ các vấn đề thiếu máu cục bộ, xuất huyết não dẫn tới sự phát triển của các mạch máu dị dạng.

Bệnh xuất hiện ở mọi đối tượng, tuy nhiên một số nhóm có nguy cơ cao mắc dị dạng mạch máu não gồm: Nhóm đối tượng từ 10 - 40 tuổi mắc bệnh càng sớm càng có nguy cơ làm hỏng mô não theo thời gian; gia đình từng có người mắc bệnh (di truyền); Những người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch; những người đã từng bị đột quỵ hoặc các vấn đề về tuần hoàn máu.

Bác sĩ Dương Hoàng Linh khuyến cáo, do dị dạng mạch máu não thường là bệnh bẩm sinh nên không có biện pháp phòng ngừa bệnh triệt để. Vì thế, khi bản thân hoặc người thân xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ, dù đơn giản, như đau đầu, chóng mặt,… cũng cần đi khám để sớm phát hiện các bệnh lý liên quan.

Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý khi thấy có các dấu hiệu: co giật, động kinh; khó phối hợp chân tay, yếu cơ; cảm giác bất thường như tê liệt, ngứa ran, đau tự phát; khó khăn về giao tiếp như chứng mất ngôn ngữ; giảm thị lực; suy giảm trí nhớ như nhầm lẫn, mất trí nhớ hay ảo giác… ở bệnh nhi có thể gặp chứng suy tim, chứng đầu to, tĩnh mạch da đầu nổi rõ.

Tin nổi bật